Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bạo hành, xâm hại: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Thứ tư, ngày 23/05/2018

(BDO) Trẻ em bị bạo hành, xâm hại không những bị ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của các em mà còn gây nhiều hệ lụy về sau. Nhằm chủ động trong công tác phòng ngừa, các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại, bạo hành.

Trẻ em trước nguy cơ bị bạo hành, xâm hại

Thực tế hiện nay trẻ em ở nhiều độ tuổi có thể bị xâm hại. “Yêu râu xanh” thường lợi dụng sự ngây thơ, thiếu hiểu biết của các em để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Điển hình như trường hợp của bé K. (8 tuổi) bị hàng xóm xâm hại. Theo đó, Nguyễn Văn T. (SN 1962, quê Kiên Giang) sống chung dãy nhà trọ với gia đình bé K. nên biết bé thường xuyên ở phòng trọ một mình. Lợi dụng lúc mẹ bé K. đi vắng, T. đã vào phòng trọ và thực hiện hành vi đồi bại với bé. Mẹ bé K. đi làm về phát hiện vụ việc đã trình báo cho cơ quan chức năng. Sau đó, ông T. nhanh chóng bị công an địa phương bắt giữ để điều tra hành vi “hiếp dâm trẻ em”.


Nhằm chủ động bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bạo hành và xâm hại, các ban ngành, đoàn thể TX.Dĩ An thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật và các kỹ năng sống cho các em

Cùng với việc bị xâm hại, trẻ em còn có nguy cơ bị bạo hành. Như trường hợp của bé Ph. (7 tuổi) thường xuyên bị cha dượng là Nguyễn Xuân Ph. (SN 1989, quê Bình Thuận) đánh chửi. Không thể tiếp tục nhìn con bị chồng đối xử như thế, chị Võ Thị Mỹ D. (quê Bình Thuận) đã nhờ đến sự can thiệp của cơ quan chức năng.

Theo chị D., trong thời gian sinh sống tại phòng trọ ở KP.Nhị Đồng 1, phường Dĩ An, TX.Dĩ An, Ph. thường xuyên vô cớ mắng và đánh bé H., thậm chí có lần Ph. nhấn đầu bé H. vào thùng nước. Những lần như vậy, chị D. và hàng xóm phát hiện can ngăn và “dọa” sẽ báo cho lực lượng chức năng. Tuy nhiên, Ph. không “chùn tay”. Sau đó, Ph. cùng chị D. chuyển trọ đến nơi ở mới. Tại đây, Ph. đã 5 lần đánh bé H. Đỉnh điểm vào ngày 29-3, cô giáo chủ nhiệm phát hiện trên người bé H. có nhiều vết bầm, nghi bị đánh nên gọi điện phản ánh với Ph. và chị D. Nghe vậy, Ph. bực tức dùng cây đánh bé H., mặc dù chị D. đã can ngăn. Đến ngày 30-3, chị D. đã tố cáo hành vi của Ph. với lực lượng chức năng. Từ thông tin trên, Công an TX.Dĩ An cùng các lực lượng chức năng khác vào cuộc điều tra xác minh, Ph. đã khai nhận toàn bộ hành vi bạo hành với bé H.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị bạo hành và xâm hại, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh, cho biết: “Một số cha mẹ, người chăm sóc trẻ em thiếu kiến thức pháp luật cơ bản chăm sóc và bảo vệ trẻ em, dẫn đến tình trạng bố mẹ sao nhãng, bỏ mặc con cái. Cùng với đó, các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình không hạnh phúc hay có người thân vi phạm pháp luật cũng có thể dẫn đến các hành vi bạo lực, xâm hại đối với trẻ em. Bên cạnh đó, một bộ phận trẻ em thiếu hiểu biết dễ dẫn đến tình trạng chính các em là nạn nhân bị bạo lực, xâm hại. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục do lo sợ bị trả thù vì bị đe dọa nên không dám lên tiếng tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của kẻ xâm hại”.

Chủ động phòng ngừa

Trước tình trạng trên, các ban ngành, đoàn thể đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bạo hành và xâm hại. Bà Nguyễn Thị Linh Chi, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TX.Thuận An, cho biết: “Hàng năm, chúng tôi đều có kế hoạch tuyên truyền về vấn đề này. Mới đây, Hội LHPN thị xã đã tổ chức lớp tập huấn phòng chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em. Lớp tập huấn thu hút gần 300 hội viên tham gia. Tại đây, các hội viên được nghe báo cáo viên trình bày một số nội dung liên quan đến công tác phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và các nội dung cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình; kỹ năng tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình. Đồng thời, báo cáo viên còn phổ biến một số kiến thức cơ bản về phòng tránh xâm hại trẻ em; những hành vi xâm hại và hướng dẫn giúp trẻ tránh được nguy cơ bị xâm hại… từ đó, giúp cán bộ, hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức, kiến thức để giúp đỡ, hướng dẫn xử lý nhằm tránh xảy ra bạo lực gia đình cũng như xảy ra tình huống khi có trẻ bị xâm hại. Cùng với công tác tuyên truyền, Hội LHPN thị xã Thuận An còn phát huy hiệu quả các địa chỉ tin cậy, nhà trú ẩn an toàn giúp phụ nữ và trẻ em lánh nạn khi bị bạo hành”.

“Những đối tượng xâm hại trẻ em hầu hết là người quen, hàng xóm nên biết rõ hoạt động của gia đình trẻ bị hại, thậm chí có cả người thân trong gia đình. Vì thế, cha mẹ cần nâng cao cảnh giác, không nên tin tưởng và giao con cho người khác, đặc biệt là những em nhỏ chưa thể tự bảo vệ mình trong trường hợp bị xâm hại. Phụ huynh phải chủ động khi bàn vấn đề xâm hại tình dục với trẻ. Người lớn phải có thái độ chân thành để giữa trẻ và người lớn có thể có những thảo luận thật sự, không e ngại, cũng không được lãng tránh kiểu “Con mình còn bé không biết có quan tâm đến vấn đề này không? Nói ra chắc gì con đã hiểu”. Đây chính là cách “vẽ đường cho hươu chạy” đúng để tránh hậu quả xấu nhất có thể xảy ra”, bà Chi nói thêm.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Hà Vân, Phó Trưởng phòng Tư pháp TX.Dĩ An cho biết: “Thời gian qua, phòng thường xuyên phối hợp với Hội LHPN tổ chức tuyên truyền pháp luật, các buổi nói chuyện chuyên đề về công tác phòng chống bạo lực gia đình và bạo hành, xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, phòng cùng các ban ngành, đoàn thể khác trực tiếp đến các trường học để tuyên truyền pháp luật và các kỹ năng sống nhằm giúp các em tự bảo vệ bản thân”.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết, nhằm hạn chế tình trạng trên, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục, trong thời gian qua Sở LĐ- TB&XH đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ và chăm sóc trẻ em; đồng thời tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo hành đối với trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em. Bên cạnh đó, sở còn quan tâm công tác tổ chức xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác liên ngành bảo vệ trẻ em cấp huyện, cấp xã. Quan trọng hơn hết, cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết. Trang bị cho con biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại”.

Bà Phương cho biết vào tháng 6 hàng năm, Sở LĐ- TB&XH đều tham mưu UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động Vì trẻ em” nhằm kêu gọi các ban, ngành, đoàn thể và phụ huynh tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em, hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị bạo hành, bóc lột, xâm hại... góp phần thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em theo luật định và xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện.

Theo báo cáo của Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố, trong năm 2017 toàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó có 18 trường hợp trẻ em bị giao cấu, 2 trẻ em bị hiếp dâm và 1 trẻ em bị dâm ô. Phần lớn đối tượng trẻ em bị xâm hại tình dục thiếu sự quan tâm của người thân (cha mẹ đi làm xa, trẻ ở nhà một mình), có trường hợp thủ phạm lại chính là người quen, người thân của gia đình… Khi vụ việc xảy ra, gia đình thường muốn giấu kín vì sợ ảnh hưởng đến trẻ.

Khi phát hiện trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại, hãy liên hệ: Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 111. Đây là địa chỉ tư vấn, giúp đỡ và hỗ trợ tin cậy; miễn phí cho người gọi trên toàn quốc, hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày.

 NGUYỄN HẬU - TÂM TRANG