Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng: Bớt sống “ảo”

Thứ tư, ngày 16/09/2020

(BDO) Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Giáo vừa tổ chức hội thảo chuyên đề “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”. Tại hội thảo, đại diện các ban ngành, đoàn thể đã đề ra nhiều giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em trước các hành vi lợi dụng không gian mạng để xâm hại trẻ em.


Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Giáo tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh trên địa bàn huyện

Ngăn chặn từ đầu

Tiến sĩ Đồng Văn Toàn, Trưởng khoa Sư phạm trường Đại học Thủ Dầu Một, cho biết: “Thực tiễn hiện nay cho thấy nhiều phụ huynh thường xuyên đưa thông tin gia đình, hình ảnh con, em mình lên mạng xã hội (MXH) nhưng chưa hiểu được hậu quả nghiêm trọng của việc làm này. Ví dụ, một số cha mẹ tiết lộ những thông tin về trường học, địa chỉ nhà, số điện thoại… có thể tạo điều kiện cho kẻ xấu dễ dàng tiếp cận với trẻ, từ đó dẫn đến các hành vi xâm hại tinh thần, sức khỏe của trẻ.

Không ít trường trẻ bị bắt nạt trên không gian mạng gây ra nhiều biểu hiện bất thường về tâm lý, thậm chí có nguy cơ dẫn đến trầm cảm hoặc có ý định tự tử. Nhiều trẻ bị tác động tiêu cực từ MXH mà làm hại bản thân, có những hành vi cực đoan, bạo lực hoặc bị gạ gẫm, quấy rối tình dục, dụ dỗ tham gia cờ bạc trực tuyến… Nếu những hành vi xâm hại ngoại tuyến khi kết thúc có thể tạm thời khép lại thì những hành vi xâm hại trẻ trên không gian mạng, hình ảnh sẽ phát tán khắp nơi, có thể hiện hữu bất cứ lúc nào, gây tổn thương dai dẳng cho trẻ.

Đối tượng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng rất đa dạng, đáng lo ngại là danh tính và thông tin cá nhân đối tượng phạm tội khó bị phát hiện, gây khó khăn cho công tác xử lý”.

Thực tế cho thấy đối tượng xấu lợi dụng không gian mạng, nhất là MXH để tìm kiếm “con mồi” là trẻ em diễn ra rất phổ biến. Về việc này, đại diện Công an huyện Phú Giáo cho biết từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 4 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 1 vụ liên quan đến việc trẻ sử dụng MXH. Thông qua MXH, đối tượng làm quen với bị hại, sau đó lợi dụng sự non trẻ, thiếu hiểu biết của trẻ rồi dụ dỗ thực hiện hành vi quan hệ tình dục khi bị hại chưa đủ 16 tuổi. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc trên là do phụ huynh thiếu sự quan tâm, không quản lý thời gian sử dụng internet của con em. Theo vị cán bộ này, để hạn chế những vụ việc như trên, phụ huynh cần có sự thỏa thuận với con em về việc sử dụng MXH như giới hạn thời gian sử dụng, nắm được mật khẩu hay tìm hiểu hoạt động của con em trên không gian mạng.

Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng, nhiều trẻ em đã hiểu được những rủi ro của việc “sống ảo” trên MXH mà biết cách phòng tránh. Em Vũ Phúc Bảo Trâm, học sinh lớp 8 trường Tiểu học - Trung học cơ sở Tam Lập, cho biết: “Qua MXH, nhiều bạn học đăng tải rất nhiều hình ảnh “tự sướng” để bày tỏ tâm tư, tình cảm của bản thân. Em thấy rằng những hành vi trên rất nguy hiểm cho các bạn, bởi từ những hình ảnh này đối tượng xấu có thể nắm được thông tin chi tiết về cuộc sống sinh hoạt của các bạn rồi tìm cách lôi kéo, dụ dỗ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Theo em, khi sử dụng MXH cần phải bảo mật thông tin cá nhân, nếu phát hiện đối tượng có ý định xấu với bản thân thì phải báo ngay cho nhà trường và gia đình để có biện pháp bảo vệ thích hợp”.

Cần sự phối hợp của gia đình và xã hội

Để giúp trẻ em tránh được những tác động tiêu cực, rủi ro từ môi trường mạng, các ngành chức năng huyện Phú Giáo căn cứ vào nhiệm vụ đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ. Chị Tạ Thị Tố Nga, Phó Bí thư Huyện đoàn Phú Giáo, cho biết: “Trong thời gian qua, Huyện đoàn đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, mô hình nhằm xây dựng môi trường năng động, không gian giải trí lành mạnh cho thanh thiếu niên. Các chương trình Thắp sáng ước mơ, Mùa xuân cho em… được tổ chức rộng khắp các liên đội trên địa bàn huyện đã góp phần hỗ trợ, giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua việc triển khai mô hình “Hồ bơi di động”, Huyện đoàn nhận thấy đây là cách dạy và học bơi phù hợp với các em trên địa bàn huyện, qua đó từng bước giảm đáng kể số vụ tai nạn đuối nước. Cùng với đó, công tác truyền thông, giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ trên không gian mạng cũng được Huyện đoàn tập trung thực hiện trong thời gian hiện nay”.

Theo chị Nga, bên cạnh vai trò của các ngành chức năng, các bậc cha mẹ cần áp dụng một số biện pháp để có thể bảo vệ trẻ em trước rủi ro từ không gian mạng như để thiết bị truy cập internet ở vị trí có thể quản lý được; thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn trên công cụ tìm kiếm để loại bỏ những kết quả không phù hợp với trẻ… Đồng thời, các em cần được hướng dẫn những kỹ năng truy cập internet an toàn, phục vụ cho việc học và giải trí lành mạnh, hạn chế những tác động tiêu cực do không gian mạng gây ra.

Theo tiến sĩ Đồng Văn Toàn, ngoài các biện pháp trên, các ngành chức năng cần tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; đồng thời cần có sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Trong công tác giáo dục, nhà trường cần đưa việc giáo dục kỹ năng sống, phòng chống xâm hại… vào hoạt động dạy học chính khóa. Cần có sự đầu tư, quan tâm đến đội ngũ làm công tác xã hội để triển khai hiệu quả các chương trình, mô hình xã hội cho trẻ em đạt hiệu quả...

Tại hội thảo, nhiều đại biểu, phụ huynh nhìn nhận nhiều gia đình có tình trạng mỗi người có một điện thoại thông minh và dành phần lớn thời gian sử dụng internet, từ đó các thành viên trong gia đình thiếu sự giao tiếp, quan tâm lẫn nhau. Đặc biệt, nhiều phụ huynh cũng trở thành người “nghiện” sử dụng MXH, dẫn đến việc quản lý, giáo dục con em bị hạn chế.

Chị Trần Thị Vân, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Hòa, nêu thực trạng: “Nhiều cha mẹ thường nuông chiều và yêu thương con bằng cách giao cho con một cái điện thoại thông minh nhưng lại không hướng dẫn trẻ cách thức sử dụng an toàn. Do đó, cha mẹ phải thường xuyên quan tâm và giáo dục con cái về những mặt tốt và xấu của MXH, tạo điều kiện cho các em biết sử dụng MXH nhưng không được lạm dụng. Cha mẹ thực hiện các biện pháp quản lý con em sử dụng internet bằng việc kích hoạt chức năng an toàn trên trình duyệt web, cài đặt một số công cụ chặn lọc thông tin không phù hợp với con trẻ… Đặc biệt, cha mẹ phải thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của con cái, cha mẹ hãy vừa là người chăm sóc, dạy bảo và vừa là người bạn chia sẻ với các em”.

 NGUYỄN HẬU