Bảo vệ rừng: “Việc quan trong nên giao cho quân đội quản lý”
(BDO) Theo đánh gia của các cơ quan bảo tồn, thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, chính sách và quy định pháp luật về bảo vệ rừng; cơ quan thực thi pháp luật cũng đã vào cuộc mạnh mẽ hơn, song các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng vẫn diễn ra thường xuyên, với hình thức ngày càng tinh vi, phức tạp.
Điều đáng nói là, việc tàn phá rừng đã khiến số loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp quý, hiếm tại một số cánh rừng và trong các khu bảo tồn bị suy giảm về số lượng cũng như bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao.
Tàn phá rừng, đe dọa đa dạng sinh học
Tại buổi Tọa đàm “Liên kết bảo tồn đa dạng sinh học cho phát triển bền vững” vừa được tổ chức ngày 22/5, ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết, những năm gần đây, nhiều diện tích rừng sản xuất, phòng hộ, đặc dụng đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây dựng các công trình thủy điện, công trình cơ sở hạ tầng, đường giao thông, khai thác khoáng sản.
Theo thống kê từ năm 2006 đến nay, có tới 160 dự án thuộc 29 tỉnh thành thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng các công trình thủy điện với diện tích 20.000 ha. Thực tế này đã ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của đất nước.
Ngoài ra, đa dạng sinh học còn bị đe dọa bởi áp lực về dân số tăng nhanh, thiếu đất sản xuất nông nghiệp, người dân chủ yếu dựa vào rừng để phá rừng, khai thác, săn bắn động-thực vật hoang dã. Trong khi, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thi hành pháp luật vẫn chưa quyết liệt trong việc xử lý vi phạm.
“Theo số liệu thống kê, bình quân hàng năm, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý khoảng 2.000 vụ vi phạm Luật Bảo vệ Phát triển rừng. Ví dụ, năm 2012 có 1.629 vụ vi phạm; năm 2013 phát hiện 2.198 vụ vi phạm; và năm 2014 xử lý 1.770 vụ vi phạm,” ông Liên nêu dẫn chứng.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, cố vấn Liên đoàn Công nghệ Sinh học Châu Á cũng cho rằng, suy giảm đa dạng sinh học đáng lo nhất hiện nay là tình trạng chặt phá rừng. Việc này đã khiến nhiều loài động-thực vật bị mất môi trường sống.
Dẫn chứng thực tế phá rừng ở Tây Nguyên, ông Dũng cho hay: “Là đại biểu Quốc hội hai khóa ở Đắk Lắk và Đắk Nông, tôi đã chứng kiến cảnh rừng bị tàn phá nhiều nơi. Số lượng rừng bị phá còn nghiêm trọng đến mức người ta đưa những chuyến xe từ vùng biên giới phía Bắc và cả làng đi vào Tây Nguyên để khai thác… trong khi các đồng chí lâm nghiệp bảo chỉ đứng ở ngoài đường để chặn gỗ lậu.”
Trong khi đó, ông Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) cho rằng khung chính sách, pháp lý hiện hành về bảo tồn đa dạng sinh học đang bộc lộ những bất cập trong quá trình thực hiện. Đó là sự thiếu thống nhất trong quy định tại các Luật và hệ thống văn bản hiện hành về quản lý các khu bảo tồn.
Cụ thể, Luật Thủy sản 2003, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 quy định riêng rẽ cho từng nhóm khu bảo tồn khác nhau. Bất cập lớn nhất khi triển khai đồng thời hai luật này là các khu bảo tồn đất ngập nước thuộc hệ thống rừng đặc dụng đang được điều chỉnh bởi hai Luật khác nhau và do hai đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý.
Bên cạnh đó, Luật Đa dạng sinh học năm 2008 được ban hành quy định thống nhất tên gọi các khu bảo tồn (rừng, biển, vùng nước nội địa, đất ngập nước) là khu bảo tồn thiên nhiên, phân chia thành 4 hạng khu bảo tồn. Do không có quy định về mối quan hệ giữa luật này với Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng nên các khu đất ngập nước nội địa, đất ngập nước ven biển bị chi phối đồng thời bởi 3 luật và do các Bộ, ngành khác nhau quản lý.
Cần đặt lợi ích phát triển rừng lên trên quy hoạch
Để có thể thay đổi thực trạng nêu trên, giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng việc tàn phá rừng không thể làm ngơ, cần phải được ngăn chặn, xử lý đồng thời khuyến nghị việc bảo vệ rừng nên giao cho quân đội quản lý. “Tôi nghĩ rằng bộ đội, tân binh mà tập luyện ở gần các khu rừng thì tốt quá. Vừa đảm bảo an ninh, vừa giữ được rừng.”
Ông Dũng cũng nhấn mạnh, không thể để tồn tại tình trạng người dân thản nhiên đi vào rừng chặt phá và các nhà máy khai thác gỗ chạy ầm ầm trong rừng. Vấn đề cần quan tâm là, rừng Tây Nguyên được coi như một “kho nước lớn” để giữ nước mưa. Nếu rừng cứ bị chặt phá quá mức, chắc chắn tình trạng khô hạn không chỉ gây áp lực cho Tây Nguyên, mà các khu vực lân cận cũng phải chịu ảnh hưởng.
Trong khi đó, giáo sư tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Việt Nam cho rằng, để công tác bảo tồn đạt hiệu quả, công tác quản lý nhà nước về đa dạng sinh học cần thiết phải quy về một mối nhằm tạo ra sự đổi mới trong xây dựng; điều chỉnh chính sách, pháp luật.
Giáo sư Đặng Huy Huỳnh cũng kiến nghị, các Bộ, ngành và địa phương cần đề cao giá trị và củng cố hiệu quả quản lý của hệ thống khu bảo tồn hiện có, khai thác có hiệu quả và bền vững hệ thống này; đảm bảo công bằng để góp phần cải thiện sinh kế và tình trạng nghèo đói của cộng đồng đang phụ thuộc vào các giá trị của rừng.
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cũng cho rằng, với số lượng các khu bảo tồn hiện nay, việc cần thiết là phải tập trung quản lý để đảm bảo nguồn lực, ưu tiên và hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức thống nhất, nâng cao năng lực, phân công nhiệm vụ, đảm bảo nguồn tài chính từ ngân sách Trung ương cũng như các nguồn tài chính tiềm năng như dịch vụ môi trường rừng, cho thuê rừng.
Đặc biệt, “cần nhấn mạnh ưu tiên về mặt chính sách đối với hệ thống khu bảo tồn này và ưu tiên này phải được đặt lên trước so với bất kỳ quy hoạch phát triển nào của địa phương để tránh tình trạng chồng chéo, ‘ăn bớt’ các khu vực bảo tồn dưới sức ép từ các chương trình, dự án kinh tế-xã hội,” ông Nguyên nhấn mạnh./.
(Theo TTXVN)