Bảo vệ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học
(BDO) Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cùng phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo kịp thời. Cùng với đó, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ huy và duy trì hoạt động của các tổ, đội cấp xã trong công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR. Diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng từng bước nâng cao, góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học.
Ngành chức năng thường xuyên tuần tra bảo vệ và PCCCR tại rừng phòng hộ núi Cậu Dầu Tiếng
Công tác phối hợp chặt chẽ
Từ cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện phương án PCCCR. Công tác PCCCR luôn có sự phối hợp tích cực giữa các lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự và chính quyền cấp cơ sở trong việc kiểm tra, hướng dẫn chủ rừng xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ PCCCR được quan tâm đầu tư…
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp quản lý, bảo vệ ổn định 10.674,27 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, không để xảy ra các vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, công tác theo dõi, cập nhật diễn biến rừng được tổ chức theo dõi thường xuyên, tham mưu UBND tỉnh công bố kết quả hàng năm theo đúng quy định. Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, đã có 3 đơn vị quản lý rừng được phê duyệt và triển khai thực hiện phương án quản lý rừng bền vững với tổng diện tích 6.236,07 ha, tiếp tục thực hiện khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi 1.808,85 ha rừng tự nhiên, trồng lại rừng trên diện tích đã khai thác, góp phần nâng cao khả năng phòng hộ môi trường và các giá trị khác của rừng.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 10.674,27 ha. Trong đó, diện tích có rừng là 9.865,38 ha, diện tích chưa có rừng 809,89 ha. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh năm 2023 đạt 3,04%. Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá nhận thức trách nhiệm quản lý về rừng và đất lâm nghiệp của chính quyền cơ sở, quần chúng nhân dân đã dần được nâng lên, bước đầu đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân trong việc bảo vệ, phát triển và PCCCR. Ngoài ra, ngành NN&PTNT đã chỉ đạo, triển khai nhiều nội dung hoạt động trong công tác dự báo, cảnh báo sớm cháy rừng.
Các hạt kiểm lâm cấp huyện, đội kiểm lâm cơ động và đơn vị chủ rừng duy trì chế độ trực PCCCR bảo đảm 24/24 giờ trong các tháng mùa khô. Báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác những thông tin có liên quan đến công tác PCCCR hàng ngày vào lúc 15 giờ, hàng tuần vào ngày thứ năm và gửi danh sách trực PCCCR của đơn vị để theo dõi, tổng hợp theo quy định.
Tập trung các nhóm giải pháp trọng tâm
Do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino, nền nhiệt và trung bình số ngày nắng nóng trong năm 2024 cao hơn nhiều so với các năm trước đây, đồng thời với hiện trạng rừng phòng hộ núi Cậu (huyện Dầu Tiếng) có một số khu vực là rừng khộp rụng lá xen lẫn le, trúc đá, lớp thực bì tích lũy qua nhiều năm, trong năm 2024 đã xảy ra 1 vụ cháy thực bì với diện tích khoảng 4,5 ha.
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm, khu rừng phòng hộ núi Cậu vào mùa khô nguy cơ cháy rừng rất cao. Khu rừng này có các điểm du lịch nên du khách hành hương thường đến viếng chùa nhất là các lễ hội, cộng với đường giao thông ra vào rừng nhiều nên việc quản lý và PCCCR gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, các khu rừng ở các huyện phần lớn được phân bố rải rác không tập trung, trên địa bàn rộng, lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách của các chủ rừng mỏng nên việc tuần tra được thực hiện tại những khu vực trọng điểm còn hạn chế. Ngoài ra, việc đầu tư máy móc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ bảo vệ, phát triển và PCCCR đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn ngân sách còn khó khăn, đây là thách thức không nhỏ đối với công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh.
Để bảo đảm yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ và PCCCR trong thời gian tới, ngành NN&PTNT đã triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong quản lý bảo vệ rừng và PCCCR bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng, để mọi tổ chức, cá nhân hiểu và thực hiện. Phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt kế hoạch về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xử lý tồn tại, vướng mắc trong công tác giao rừng, cho thuê rừng gắng với giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất trên địa bàn huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, TP.Tân Uyên, rừng phòng hộ Dầu Tiếng.
Mặt khác, phối hợp đồng bộ các lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự và các cơ quan chức năng trong công tác quản lý bảo vệ, PCCCR. Xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm để xảy ra cháy rừng, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Các đơn vị chủ rừng tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt. Rà soát, đầu tư cơ sở vật chất, thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý bảo vệ, PCCCR. Đồng thời, bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ trong thời kỳ cao điểm mùa khô, sẵn sàng cho các tình huống cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh theo phương châm 4 tại chỗ.
Trong năm 2023, các đơn vị quản lý rừng đã trồng lại trên diện tích đã khai thác 41,35 ha cây keo lai trên đất rừng sản xuất tại Trạm thực nghiệm lâm nghiệp Tân Phú (xã Tam Lập, huyện Phú Giáo) và 175,36 ha cây cao su tại xã Minh Hòa trên đất rừng phòng hộ núi Cậu (huyện Dầu Tiếng). UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đơn vị chủ rừng với tổng diện tích 9.442,05 ha/10.674,27 ha, đạt 88,79%. Phần diện tích 1.191,81 ha đất lâm nghiệp chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do chưa được lập thủ tục hồ sơ giao khoán, chống lấn ranh giới. |
THOẠI PHƯƠNG