Bảo vệ người tiêu dùng Việt 2010: Ngóng bình minh sáng
2010 được dự đoán có nhiều thay đổi bởi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được Quốc hội thông qua; người tiêu dùng sống trong thế giới tiêu dùng "có áo giáp" và không còn phải đơn độc tự bảo vệ như 2009.
Tiêu dùng 2009: Những sự kiện sóng gió
Năm 2009 qua đi để lại hàng loạt sự kiện tiêu dùng mà người tiêu dùng (NTD) thế giới chắc chắn cho rằng chỉ có 1 không 2.
Những biển người chen bẹp ruột trong Ngày vàng khuyến mại ở Hà Nội, ào ào xô đẩy xô đẩy trước siêu thị Trần Anh (Hà Nội), trong Parkson TP.HCM hoặc xếp hàng từ đêm để xin phiếu mua hàng giảm giá Crazy Sale" của Samsung Vina mà vẫn thất bại.
Cảnh tượng kỳ lạ khác: 5 vạn hộ dân Hà Nội chen nhau vỡ đầu nộp tiền điện. Không chỉ ở Hà Nội, ối người phải "ăn mày" ông bán điện, bị bỏ đói internet, bị giam tiền đặt cọc và nếu được nối đường dây thì không thể tra soát cước, phải bấm bụng dùng mạng "rùa", sóng yếu nhưng vẫn có thể bị cắt xoẹt dịch vụ bất cứ lúc nào.
Trên khắp đất nước, đến cuối năm hàng nghìn người mua phải vòng titan rởm vẫn ngóng tiền bồi hoàn, trong khi cơ quan chức năng chưa kết luận về tội lừa gạt của nhà cung cấp và làm thinh về trách nhiệm quảng cáo của báo chí.
Suốt năm, công chúng liên tục đọc, xem trên báo những cột ATM nhốt khách, trả tiền giả, và khiến khách "hụt két". Những hoá đơn điện, nước, điện thoại và Internet khiến người dùng ngã ngửa bởi các con số "ma". Những dịch vụ bảo hành máy tính, điện thoại, hàng gia dụng hành khách. Những hình ảnh kinh hoàng về nước máy trắng cặn, thịt, mỡ, nội tạng, hành phi, rau siêu bẩn, hàng lỗi, hàng giả ngay trong siêu thị. Những số liệu xót xa về sữa "siêu" nghèo đạm, sữa kém an toàn, gây dị ứng và đắt đến nhẫn tâm. Những thông tin "shock" về xe máy loạn giá, cây xăng pha nước, "múa" đồng hồ và cướp tiền" nhanh như cắt. Những chuyến bay vạ vật vì chậm, hủy, sự cố vé và mất cắp hành lý. Những chiếc máy bay bị tố mất an toàn nhưng vẫn cất cánh đều đều.
2009 - bước nhảy bảo vệ người tiêu dùng Việt
Những sự kiện kỳ lạ trong tiêu dùng 2009 cũng cho thấy NTD Việt đã ý thức rõ quyền lợi của mình và tiến một bước dài mạnh mẽ trong tự đấu tranh bảo vệ.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - chủ nhân một chiếc xe máy vừa chạy được 1 tháng đã gãy cổ phốt, sau khi hãng xe từ chối đề nghị bảo hành, đã trưng bày chiếc xe này trên phố suốt 3 tháng.
Một NTD khác bỏ ra 4 năm liên tục điện thoại, viết thư cho CocaCola yêu cầu giải thích về các lon nước ngọt rỗng ruột và hụt trọng lượng.
Và không thiếu những NTD chẳng ngại nguy cơ "vô phúc đáo tụng đình", như khách hàng doạ kiện Thegioididong.com do nhà cung cấp này từ chối trao 35 laptop khuyến mại 100%" mà chị đặt mua thành công khi website này bị lỗi. Khách hàng khác còn đòi nhà sản xuất bồi thường 120 triệu đồng/chai bia còn niêm phong có vỏ kẹo. Nhiều NTD đã thực hiện quyền tẩy chay hàng hoá, như "tự truất" quyền dùng thẻ ATM.
Sát cánh cùng NTD Việt trong công cuộc xây dựng một thế giới tiêu dùng an toàn và minh bạch, năm 2009 hàng chục báo mở chuyên mục bảo vệ NTD, làm cầu nối trực tiếp đưa tiếng nói người dân đến mọi DN. Chuyên mục Bảo vệ NTD của báo VietNamNet sau 1 năm hoạt động đã xác minh và viết về hàng vạn vụ việc, bằng tác động và uy tín của báo chí đã tư vấn tiêu dùng, giúp nhiều bạn đọc truy vấn trách nhiệm của DN và đòi quyền lợi thành công. Đặc biệt, đã tạo diễn đàn cho hàng triệu NTD và nhiều cơ quan chức năng lên tiếng, khiến nhiều DN phải rốt ráo giải quyết khiếu nại, tiếp thu góp ý về chất lượng sản phẩm/dịch vụ, cung cách bán hàng và thái độ phục vụ.
Dự thảo Luật Bảo vệ NTD - "đũa thần" xếp trật tự tiêu dùng?
Để thay thế Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi NTD năm 1999 đã không còn phù hợp thực tế, từ 1-6-2009 Dự thảo Luật Bảo vệ NTD đã được Bộ Công Thương soạn thảo và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của NTD, các bộ ngành liên quan để Quốc hội thông qua vào năm 2010.
Điểm mới và tiến bộ của Dự thảo Luật Bảo vệ NTD, theo đánh giá của giới soạn thảo luật và nhiều NTD là khách hàng thoát được "thế yếu" bấy lâu nay trước DN: khách có quyền khởi kiện DN mà không cần chứng minh thiệt hại. Muốn thắng kiện, thương nhân phải chứng minh mình không có lỗi. Về hoà giải giữa thương nhân với NTD khi xảy ra tranh chấp, trong trường hợp một bên không tự nguyện thi hành các nghĩa vụ theo biên bản hoà giải thành, thì bên kia có quyền đề nghị cơ quan thẩm quyền ra quyết định buộc thi hành.
Cũng theo dự đoán của nhiều người (chủ yếu là các luật gia), Luật Bảo vệ NTD sẽ đặt dấu chấm hết tình trạng “mua như xin, bán như cho" tồn tại nhiều thập kỷ qua; "phát pháo" thập niên "kiện tiêu dùng" sôi động từ 2010.
Tuy nhiên, từ nay đến khi Luật Bảo vệ NTD thực thi, bức tranh tiêu dùng Việt vẫn còn ngổn ngang lắm.
Hàng giả, hàng nhái hiện diện khắp nơi từ các mặt hàng thông thường (như mỹ phẩm, quần áo...), những mặt hàng liên quan đến sức khoẻ và tính mạng con người như thuốc chữa bệnh, rượu, bột ngọt, thực phẩm), đến hàng hoá có tính kỹ thuật, cao cấp, có giá trị lớn như phụ tùng xe máy, đồ điện gia dụng, cổ phiếu, tiền... Ngay tem chống hàng giả cũng bị làm nhái, làm giả.
Lừa đảo, gian dối có mặt ở mọi công đoạn từ trước đến sau bán hàng. Ra chợ, vào siêu thị, nhìn đâu cũng thấy thực phẩm độc và thiếu vệ sinh, kém an toàn.
Năm 2009, các cơ quan có chức năng trợ giúp NTD vẫn đông như hội nhưng thiếu gắn kết, khiến không NTD nào dám đặt niềm tin vào hiệu quả bảo vệ của những cơ quan này. Hội Tiêu Chuẩn và Bảo Vệ NTD Việt Nam và Ban Bảo vệ NTD, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vẫn thừa nhận: "Lực của chúng tôi... có hạn". Bộ KH&CN quản lý về mặt tiêu chuẩn, đo lường chất lượng hàng hóa nhưng cây xăng gian vẫn công khai "móc túi" khách. Bộ Y tế chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng thực phẩm bẩn vẫn tràn lan. Rau và nông sản kém an toàn vẫn qua mặt Bộ NN&PTNT chảy vào các chợ, siêu thị.
Thế nên năm 2009, không ai trong số nạn nhân các vụ lừa xuyên thập kỷ (như vòng titan rởm, sữa siêu đắt, siêu nghèo đạm, thịt bẩn, mỡ thối, khuyến mại viễn thông "ma") dám kiện DN gian dối ra toà, sợ "được vạ thì má đã sưng". NTD ở nông thôn thì càng "thấp cổ bé họng" bởi không có điều kiện tìm hiểu và biết cách tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ và cơ quan bảo vệ người tiêu dùng.
Bước vào năm 2010, NTD Việt trông đợi một "bình minh sáng", nơi mà sự nghiệp bảo vệ NTD không chỉ khép lại trong phạm vi... nói như 2009.
Theo VNN