Bảo vệ, nâng cao giá trị thương hiệu ngành gỗ Bình Dương
(BDO) Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm chế biến gỗ tỉnh Bình Dương” đã trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể (NHTT) cho Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cũng như cấp quyền sử dụng cho 31 thành viên BIFA. Qua đó, tạo ra cú hích, nâng cao giá trị, danh tiếng sản phẩm, xúc tiến thương mại hiệu quả, góp phần phát triển ngành chế biến gỗ của tỉnh.
Lãnh đạo Sở Công thương tham quan, tìm hiểu bộ nhận diện thương hiệu gỗ Bình Dương
Tính chuyện đường dài
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,1 tỷ đô la Mỹ, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 4,16 tỷ đô la Mỹ, tăng 22,8% so với cùng kỳ. Riêng Bình Dương, xuất khẩu gỗ ước đạt khoảng 2,56 tỷ đô la Mỹ, chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch BIFA, hiện ngành gỗ vẫn còn nhiều thách thức, phải đối mặt với các quy định từ các thị trường xuất khẩu chính. Điển hình như Hoa Kỳ yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ bảo đảm hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Các điều tra về việc gian lận thương mại, chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá và chống trợ cấp mặt hàng gỗ dán cứng, xuất xứ sản phẩm hàng hóa… rất nghiêm ngặt. Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) đối với các sản phẩm gỗ cao su…
“Dự án nhãn hiệu tập thể gỗ Bình Dương rất có ý nghĩa và quan trọng đối với BIFA nhằm giúp phân biệt sản phẩm gỗ Bình Dương với các đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp (DN) chưa có chứng nhận. Khẳng định chất lượng sản phẩm là cơ sở để tạo nên thương hiệu và danh tiếng của DN, thu hút sự chú ý đến sản phẩm và giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định nhanh hơn khi mua hàng. NHTT giúp ngăn ngừa sự nhầm lẫn của người tiêu dùng, khẳng định nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm”, ông Liêm cho biết về những cơ hội khi được thụ hưởng NHTT gỗ Bình Dương.
Ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, chia sẻ các quy trình, quy chế đều được thực hiện theo cách thức xây dựng dự thảo, tổ chức hội thảo xin ý kiến đóng góp rồi trình chủ sở hữu ký ban hành. Đến nay các quy trình, quy chế đã bước đầu được áp dụng và đi vào sử dụng. NHTT gỗ Bình Dương sau khi được cấp giấy chứng nhận, quyền quản lý chất lượng sản phẩm mang NHTT sẽ do BIFA quản lý. Chủ sở hữu sẽ chỉ cấp quyền sử dụng cho những tổ chức, cá nhân có sản phẩm đạt chất lượng theo các quy định, quy chế này.
Gìn giữ thương hiệu
Việc xây dựng đã khó, song gìn giữ NHTT là điều không dễ dàng. Ông Nguyễn Anh Ngọc, Giám đốc Công ty Investip - đơn vị thực hiện dự án, cho biết việc bảo hộ NHTT sẽ góp phần bảo đảm uy tín và chất lượng của sản phẩm trên thị trường, giúp sản phẩm làm ra tiêu thụ được tốt hơn và từ đó hiệu quả kinh tế của các cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ được bảo đảm. Bên cạnh đó, NHTT còn giúp các nhà sản xuất tránh rơi vào những tranh chấp gây lãng phí thời gian và chi phí kéo dài.
Để tránh những rủi ro, các buổi tập huấn trực tuyến về NHTT vừa qua, đơn vị thực hiện dự án cũng đã phổ biến những kiến thức cơ bản nhất về NHTT cho các DN cũng như những điều kiện để DN có thể xin cấp quyền sử dụng NHTT “BIFA gỗ Bình Dương”. Đ ể giúp các DN và BIFA có thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm ra thị trường, đơn vị chủ trì đã xây dựng bộ hệ thống nhận diện thương hiệu cho sản phẩm “gỗ Bình Dương” cùng với hệ thống catalogue giới thiệu sản phẩm, biển hiệu.
“Chúng tôi đề xuất UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương tiếp tục hỗ trợ việc đăng ký và quảng bá NHTT “Gỗ Bình Dương” tại các thị trường nước ngoài, tập trung vào các thị trường xuất khẩu chủ yếu của ngành gỗ Bình Dương như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), EU, Hàn Quốc, Úc, Canada... Đây là mục tiêu đã được đặt ra ngay trong thời gian đầu thực hiện dự án vì phần lớn các sản phẩm gỗ Bình Dương được xuất khẩu”, ông Nguyễn Anh Ngọc đề xuất.
Ông Nguyễn Liêm khẳng định với mục tiêu đã nêu ở trên, BIFA cam kết xây dựng và duy trì các hoạt động để NHTT gỗ Bình Dương phát triển mạnh mẽ, thực sự mang lại lợi ích lâu dài và bền vững cho DN và hiệp hội, góp phần giữ vị thế của ngành đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam.
“BIFA với vai trò là đơn vị chủ quản dự án, có nhiệm vụ hướng dẫn DN đăng ký, cấp và quản lý DN đạt chứng nhận NHTT. BIFA tiếp tục quảng bá rộng rãi đến thành viên BIFA và ngành gỗ nói chung để nâng cao nhận thức của DN, hiểu biết về sự khác biệt giữa DN được cấp chứng nhận NHTT. BIFA sẽ tư vấn, hỗ trợ DN có nhu cầu đăng ký chứng nhận… Thiết lập cơ chế quản lý chặt chẽ, thu hồi hoặc xử lý vi phạm quy chế sử dụng tem nhãn NHTT”, ông Nguyễn Liêm định hướng.
TIỂU MY