Bảo vệ môi trường từ hoạt động quan trắc

Thứ tư, ngày 09/10/2024

(BDO)  Quan trắc môi trường là một công cụ không thể thiếu trong hoạt động bảo vệ môi trường. Thông qua dữ liệu quan trắc, ngành tài nguyên và môi trường có thể đánh giá diễn biến về chất lượng của các thành phần môi trường trên địa bàn, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp để bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững.

 Hoạt động quan trắc giúp phát hiện sớm các dấu hiệu ô nhiễm môi trường. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật TN&MT quan trắc chất lượng môi trường nước

 Cảnh báo sớm vấn đề môi trường

Ông Nguyễn Chí Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật tài nguyên và môi trường (TN&MT) Sở TN&MT, cho biết thời gian qua, ngay từ đầu năm trung tâm đã xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí trang thiết bị, nhân lực để triển khai các hoạt động quan trắc bảo đảm tiến độ, chất lượng, đúng quy trình, quy định, phản ánh trung thực chất lượng môi trường tại các thời điểm quan trắc lấy mẫu. Thông qua kết quả quan trắc góp phần cảnh báo sớm các hiện tượng, mức độ ô nhiễm và các tác động xấu đối với môi trường; đồng thời là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý vi phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Hiện nay, Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật TN&MT đang điều hành 99 trạm nước thải tự động, 34 trạm quan trắc khí thải tự động, 4 trạm quan trắc nước mặt tự động, 191 công trình quan trắc nước dưới đất tự động. Với tần suất giám sát 24/24 giờ, hệ thống quan trắc tự động đã kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các điểm môi trường nhạy cảm, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xả thải không đạt chuẩn ra môi trường. Trung tâm thực hiện giám sát liên tục nhằm phục vụ việc đánh giá, cảnh báo kịp thời, chính xác những thay đổi về chất lượng nước mặt tại các vị trí dùng làm nguồn nước cấp cho nhà máy nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; bảo đảm cung cấp đầy đủ số liệu tin cậy, làm cơ sở cho công tác quản lý, giám sát môi trường trên địa bàn tỉnh và phục vụ cho công tác quản lý về lĩnh vực tài nguyên nước, xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường và tài nguyên.

Dữ liệu quan trắc được Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật TN&MT công khai đến cộng đồng về các khu vực có chất lượng môi trường còn tốt; đồng thời cảnh báo kịp thời các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để cùng giám sát, bảo vệ và đề xuất giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm, bảo đảm chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh đạt các tiêu chuẩn về môi trường.

Cán bộ Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật TN&MT thực hiện quan trắc chất lượng nước qua mẫu nước tại phòng thí nghiệm của trung tâm

Nâng cấp, mở rộng hệ thống quan trắc

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, đối với chương trình quan trắc chất lượng môi trường nước mặt định kỳ có 47 vị trí quan trắc; chương trình quan trắc chất lượng môi trường không khí xung quanh định kỳ có 29 vị trí; chương trình quan trắc chất lượng môi trường trầm tích định kỳ có 19 vị trí; chương trình quan trắc chất lượng môi trường đất định kỳ có 26 vị trí; chương trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất có 14 điểm; quan trắc chất lượng nước có 23 điểm. Quá trình thực hiện quan trắc tuân thủ theo các quy định kỹ thuật về quan trắc.

Ông Nguyễn Chí Cường cho biết trong thời gian tới Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật TN&MT tiếp tục vận hành, khai thác hiệu quả hệ thống các trạm quan trắc tự động nước thải, nước dưới đất, nước mặt tự động và trạm thủy văn; tiếp tục thực hiện tốt công tác lấy mẫu giám định cho các đơn vị quản lý nhà nước về TN&MT; chú trọng phối hợp đầu tư các dự án quan trắc chất lượng môi trường tự động, ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa kỹ thuật quan trắc và phân tích môi trường. Cùng với đó, trung tâm đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số tạo hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, tính toán các chỉ số môi trường làm cơ sở công bố đến cộng đồng...

Hiện tại, Bình Dương đang triển khai dự án đầu tư mở rộng hệ thống quan trắc, chia sẻ cơ sở dữ liệu và quản lý môi trường phục vụ phát triển thành phố thông minh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại và hướng tới tự động hóa trong lĩnh vực quan trắc và phân tích môi trường. Bên cạnh đó, các dự án tăng cường năng lực quan trắc cũng được chú trọng đầu tư, cụ thể là hệ thống máy quang phổ phát xạ plasma ghép nối khối phổ ICP/ MS, hệ thống máy sắc ký khí ghép khối phổ tứ cực ba lần nối tiếp GC/MS/MS, máy đo tổng hoạt độ phóng xạ Alpha và Beta... Những hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý TN&MT mà còn đóng vai trò thiết yếu bảo đảm cho tỉnh phát triển bền vững.

 Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030 Bình Dương có ít nhất 48 trạm, điểm quan trắc môi trường nước mặt, 55 điểm quan trắc môi trường nước dưới đất, 29 trạm, điểm quan trắc môi trường không khí, 26 điểm quan trắc môi trường đất, 19 điểm quan trắc môi trường trầm tích, 3 trạm thủy văn chuyên dùng. Về quan trắc tự động liên tục, đến năm 2030 Bình Dương có ít nhất 7 trạm quan trắc nước mặt tự động, 17 trạm quan trắc không khí xung quanh tự động, 44 trạm quan trắc nước dưới đất tự động, 168 trạm giám sát khai thác nước dưới đất tự động, 145 trạm quan trắc và giám sát chất lượng nước thải, khí thải tự động, 350 camera giám sát nguồn thải.

 TIẾN HẠNH