Bảo vệ môi trường từ hành động nhỏ

Thứ hai, ngày 16/09/2019

(BDO)  

Hình ảnh ông Đinh San Hà sáng sáng quét dọn trên các tuyến đường đã trở nên quen thuộc với người dân khu phố 3, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát

Tình nguyện làm “lao công”

Hơn hai năm nay, người dân khu phố 3, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát đã quen với hình ảnh một người đàn ông sáng sáng tay cầm chổi, vai vác xẻng lom khom, ủi ủi, quét rác trên nhiều tuyến đường trong khu phố. Đó là ông Đinh San Hà, 62 tuổi, mới chuyển đến sinh sống ở khu phố cách đây vài năm. Người dân ở đây cho biết, hàng ngày cứ độ 4 hoặc 5 giờ sáng, thay vì đi thể dục như mọi người, ông Hà lại tay chổi, tay xẻng đi dọc các tuyến đường để quét dọn, thu gom rác đem đến các thùng rác cố định để xe tới lấy. Những đoạn nào có cỏ mọc lan ra đường, ông dừng lại lâu hơn để làm sạch. Cứ như thế, những tuyến đường vương vãi đất đá, cỏ dại mọc tràn xuống gây mất vệ sinh đã được ông Hà cào, quét, dọn dẹp sạch sẽ. Những tuyến đường NB 12, NB 14, NP 16 qua BD 8, NB 7 (khu phố 3) đến D1 (khu phố 1)… đều luôn có dấu chân của ông Hà đến vệ sinh. Những ngày mưa, ông tất bật hơn bởi còn phải kiểm tra các hố ga, miệng cống xem có bị rác làm tắc nghẽn hay không để kịp thời khơi thông, tránh ngập.

Do các tuyến đường nơi đây chưa có đội vệ sinh đến quét dọn nên ông Hà tự nguyện trở thành công nhân vệ sinh. “Tôi thấy đường sá rộng rãi mà cỏ rác um tùm, nhếch nhác là không chịu được. Phải làm thường xuyên nó mới sạch sẽ được”, ông Hà nói và cho biết, người dân hai bên đường khi thấy ông tự nguyện dọn dẹp vệ sinh trước cổng nhà mình cũng đã ra làm cùng ông.

Những sáng kiến vì môi trường

Có dịp đi nhiều nơi, chứng kiến tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra ngày một nhiều nên ông Hà luôn trăn trở với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn mình sinh sống. Chính vì vậy mà không chỉ tự nguyện quét dọn vệ sinh đường phố, vào mỗi buổi sáng mà ông Đinh San Hà còn nghiên cứu, chế ra nhiều dụng cụ phục vụ việc dọn dẹp vệ sinh cho mọi người sử dụng.

Sau khi nhận thấy loại chổi bà con mua về quét đường rất nhanh hư, ông Hà tìm hiểu rồi lặn lội tận nhà máy ở Bình Chánh để đặt mua một loại chổi do công ty ở đó sản xuất. Sau khi nhận về ông tiếp tục gia cố thêm phần cán và lưỡi chổi. Ông cũng nghiên cứu chế thêm một thiết bị ủi các vật dính ở mặt đường vào chiếc chổi để tiện hơn khi vệ sinh. Đến nay, đã có hơn 100 cái chổi được ông Hà gia cố và phát miễn phí cho bà con sử dụng. Ông cũng cất công nghiên cứu chế tạo một loại ky hốt rác lớn vừa bền vừa nhẹ. Mỗi cái ky hốt rác ông Hà tự làm có giá khoảng 60.000 - 70.000 đồng chưa tính tiền công. Tuy nhiên, ông làm xong để trước nhà, ai có nhu cầu thì đến lấy dùng, không phải trả tiền. Đến nay, ông cũng đã làm được hơn 100 cái ky như vậy.

Trong những lần đi quét rác trên các tuyến đường, ông Hà nhận thấy đơn vị thi công khi làm đường đã xây các miệng cống quá lớn. Do vậy những khi trời mưa, bao nhiêu rác, lá cây, túi bóng đã nhanh chóng trôi xuống cống, lâu ngày phát sinh mùi hôi gây ô nhiễm nặng. Trước thực trạng đó, ông Hà nghiên cứu và xin phép ngành chức năng cho ông thí điểm xây dựng loại miệng cống nhỏ hơn và có miếng mika ngăn mùi hôi từ cống thoát ra. Ông đã bỏ tiền túi làm thử nghiệm 10 miệng cống trên các tuyến đường ở khu phố 3. Sau khi đưa vào sử dụng miệng cống do ông Hà cải tạo lại đã khắc phục tình trạng rác bị cuốn xuống lòng cống, đồng thời miếng chắn mika đã ngăn mùi hôi thối bốc lên từ các đường cống.

Những ưu điểm của chiếc miệng cống sau khi được ông Hà cải tiến đều nhận được sự đồng tình của bà con trong khu phố. Tình trạng nghẹt cống hay rác thải bị cuốn xuống cống vào những lúc trời mưa lớn đã được khắc phục. Ông Hà mong muốn được áp dụng kiểu miệng cống này ở các tuyến đường để góp phần ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường do rác.

Nói về những việc làm của ông Đinh San Hà trong việc tham gian bảo vệ môi trường, ông Trần Hoàng Tuấn, Trưởng ban Điều hành khu phố 3, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát cho biết” “Bà con ở khu phố rất trân trọng những việc ông Hà đã làm. Đồng thời, việc làm của ông Hà cũng đã tác động tích cực đến suy nghĩ và hành động của bà con trong công tác bảo vệ môi trường ở khu phố. Ông Hà là điển hình trong học tập và làm theo Bác của khu phố 3 chúng tôi”.

 “Tôi mong muốn sắp tới, ngành chức năng cần nghiên cứu trồng những loại cây xanh ít rụng lá trên các tuyến đường để hạn chế rác thải từ lá cây. Điều này vừa đỡ vất vả cho công nhân vệ sinh thu gom vừa hạn chế ô nhiễm môi trường ở các con sông, suối do lá cây phân hủy… ”
(ông Đinh San Hà)

 TRÍ DŨNG

Từ khóa: