Bảo vệ môi trường: Phát huy hiệu quả hệ thống quan trắc tự động

Thứ năm, ngày 30/05/2019

(BDO) Nhận thức được nguồn tài nguyên nước không phải là vô tn, rất dễ bị ô nhiễm nhưng khó phục hồi, chính vì vậy công tác bo vệ môi trường (BVMT), bảo vệ tài nguyên nước luôn được tỉnh chú trọng và đầu tư hệ thống quan trắc tự động nhằm kịp thời cảnh báo, xử lý vi phạm lĩnh vực tài nguyên nước, môi trường.


Tuổi trẻ huyện Bắc Tân Uyên diễu hành hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường.
Ảnh: THẤT SƠN

BVMT là vấn đề sống còn

Phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2019 tổ chức tại huyện Bắc Tân Uyên, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết nước sạch và vệ sinh môi trường là vấn đề tiên quyết trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sống của con người, góp phần phát triển bền vững đất nước. Do đó, việc bảo vệ nguồn nước, BVMT trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề sống còn, là nhiệm vụ và quyền lợi của toàn dân.

Thực hiện chủ trương mọi người dân đều được tiếp cận, hưởng thụ thành quả kinh tế - xã hội của tỉnh mang lại, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Đầu tư khai thác thủy lợi và nước sạch, môi trường Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư 32 công trình nước sạch nông thôn tại 31 xã thuộc 4 huyện, 1 thị xã trong tỉnh, mỗi công trình công suất trung bình 1.000m3/ngày đêm (tổng công suất 28.516m3/ ngày đêm), phục vụ 94.422 hộ, đạt tỷ lệ 32,67% tổng số hộ dân ở các xã này.

Trên địa bàn tỉnh hiện đang có song song 2 mô hình quản lý vận hành, khai thác cung cấp nước sạch tập trung cho nông thôn, gồm Trung tâm Đầu tư khai thác thủy lợi và nước sạch, môi trường chịu trách nhiệm cung cấp nước sạch cho nười dân nông thôn và Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương cung cấp nước sạch cho cư dân đô thị, sản xuất công nghiệp, đồng thời mở rộng hệ thống sang các xã nông thôn. Nhờ các mô hình này nên đến đầu năm 2018, tỷ lệ số hộ dân nông thôn trong tỉnh có nước sạch và nước hợp vệ sinh sử dụng sinh hoạt đạt 99%, trong đó tỷ lệ nước sạch đạt 68,1%; tỷ lệ số hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 97%; tỷ lệ chuồng trại chăn nuôi được xử lý chất thải đạt 88%.

Tiếp tục công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các tổ chức, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường; tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân tham gia giữ gìn, bảo vệ nguồn nước, BVMT. UBND tỉnh cũng yêu cầu sở phối hợp với ngành liên quan quản lý các cơ sở hành nghề khoan giếng và hạn chế khoan giếng nhỏ lẻ khai thác nước ngẩm ở vùng có nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm tầng nước ngầm; phối hợp UBND các phường vận động dân đấu nối hệ thống nước thải sinh hoạt hộ gia đình vào hệ thống thu gom nước thải của Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương đã xây dựng.

Sử dụng hiệu quả các công trình quan trắc

Xác định tầm quan trọng của nước dưới đất (nước ngầm) đối với cuộc sống và sự phát triển, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 1471/QĐ-UBND ngày 19-5-2011 về việc phê duyệt danh mục và bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất khu vực phía nam Bình Dương, Quyết định 3258/ QĐ-UBND ngày 10-12-2015 về việc phê duyệt danh mục vùng cấm, vùng hạn chế, vùng đăng ký khai thác nước dưới đất và bản đồ phân khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương; đồng thời khẩn trương triển khai thực hiện Đề án “Xác định vùng cấm và hạn chế khai thác nước dưới đất khu vực phía nam tỉnh Bình Dương”, Đề án “Điều chỉnh, xác định bổ sung vùng cấm và hạn chế khai thác nước dưới đất tỉnh Bình Dương”.

Kết quả thực hiện các quyết định, nhiệm vụ nói trên cho thấy đã hạn chế được tình trạng khai thác bừa bãi, lãng phí nguồn nước dưới đất, đặc biệt là tại những khu vực nhạy cảm, có nguy cơ ô nhiễm cao như nghĩa trang, bãi rác, khu vực nhiễm mặn và khu vực có nguy cơ suy thoái, cạn kiệt trên địa bàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp nằm trong vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện trám lấp giếng khoan và chuyển sang sử dụng nước cấp tập trung cho toàn bộ các mục đích.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá, vẫn còn nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa chấp hành tốt quy định về vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, đặc biệt là các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp. Cụ thể là những doanh nghiệp này không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn nhưng vẫn tiếp tục khai thác sử dụng nước dưới đất; khi hay tin ngành chức năng công bố quyết định kiểm tra thì thường đối phó bằng cách tháo dỡ thiết bị bơm hút nước hoặc tự thực hiện việc trám lấp giếng khoan không đúng theo quy định. Đây không chỉ là tình trạng phổ biến tại Bình Dương, mà là tình trạng của chung các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phát triển công nghiệp có nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất với lưu lượng lớn.

Thạc sĩ Bùi Đức Thuận, Trưởng phòng Quan trắc tự động và dữ liệu thuộc Trung tâm Quan trắc kỹ thuật tài nguyên và môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết thể hiện quyết tâm của tỉnh là “Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với BVMT”, UBND tỉnh đã đầu tư 38 công trình quan trắc phủ toàn địa bàn, đặc biệt bám sát bản đồ vùng cấm và hạn chế khai thác nước dưới đất theo quyết định của UBND tỉnh. Năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường được đầu tư thêm công trình giám sát nước tại các điểm quan trắc, tập trung vào 3 vị trí trọng yếu như Sóng Thần, An Phú và Vĩnh Phú. Kết quả quan trắc được truyền trực tiếp về bộ phận quản lý để kịp thời thông báo, cảnh báo các trường hợp vi phạm quy định theo giấy phép đăng ký, xả thải không đạt tiêu chuẩn...

Hành động vì môi trường

Một trong những yêu cầu khó khăn, bức xúc tại nhiều địa phương trong tỉnh hiện nay là việc xử lý các cơ sở kinh doanh phế liệu. Do hiện nay phần lớn các cơ sở này trên địa bàn tỉnh hoạt động không phép hoặc không đúng với giấy phép đăng ký, không thực hiện đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, BVMT dẫn đến nhiều hậu quả cho xã hội như cháy, cháy lan, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống người dân xung quanh.

Xác định việc xử lý các cơ sở kinh doanh phế liệu là vấn đề khó nhưng được cộng đồng xã hội ủng hộ, phù hợp với mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường, thời gian qua UBND TX.Tân Uyên đã yêu cầu các xã, phường lập quy hoạch khu vực được phép kinh doanh phế liệu để tổ chức di dời các hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh vào hoạt động.

Ông Nguyễn Tấn Lập, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TX.Tân Uyên, cho biết đến nay, các xã, phường đã hoàn thành công tác quy hoạch địa điểm, khu vực kinh doanh phế liệu và sẵn sàng tiếp nhận các cơ sở, hộ kinh doanh dời vào hoạt động. Riêng các xã Thạnh Hội, Bạch Đằng và phường Tân Phước Khánh là không có quy hoạch vì trên địa bàn không có cơ sở kinh doanh phế liệu. Sau khi có thông báo cụ thể về việc di dời, thời hạn kiểm tra, ngành chức năng sẽ phối hợp với địa phương tiến hành kiểm tra và tổ chức di dời, xử lý dứt điểm các cơ sở hộ kinh doanh không đúng quy định. Thời gian thực hiện kiểm tra, tổ chức di dời là cuối tháng 6-2019.

Cùng với việc xử lý dứt điểm các cơ sở, hộ kinh doanh phế liệu không đúng quy định, TX.Tân Uyên còn thực hiện việc chấm dứt nuôi heo trong khu dân cư trên toàn địa bàn. Hiện tại các xã, phường đang ráo riết thực hiện thống kê, lập danh sách, kiểm tra thời hạn chấm dứt chăn nuôi theo cam kết của các hộ. Dự kiến, việc chăn nuôi heo trong khu dân cư sẽ chấm dứt trong năm 2019.

 Diễn biến quan trắc thủy văn sông Đồng Nai

Kết quả quan trắc thủy văn sông Đồng Nai đoạn chảy qua tỉnh Bình Dương - đoạn sông bị ảnh hưởng bởi chế độ bán nhật triều không đều của biển Đông cho thấy, biên độ triều lớn nhất trong tháng 4-2019 đo được tại Trạm thủy văn Tân Uyên là 367cm; mực nước lớn nhất 208cm, xuất hiện 3 ngày liên tục vào ngày 18, 19 và 20-4; mực nước nhỏ nhất là -159cm xuất hiện ngày 14-4; mực nước trung bình 64cm, cao hơn tháng 3-2019 là 7cm. Nhiệt độ nước trên đoạn sông trung bình 30,6 độ C, cao hơn 0,7 độ C so với tháng 3-2019; nhiệt độ không khí trung bình 30,1 độ C, cao hơn 1,1 độ C so với tháng 3-2019.

Tháng 4-2019 là tháng cuối mùa khô, mực nước trên sông chủ yếu chịu sự ảnh hưởng của thủy triều biển Đông. So với cùng kỳ năm 2018, mực nước thấp nhất thấp hơn 10cm, mực nước lớn nhất cao hơn 3cm và mực nước bình quân thấp hơn 11cm so với tháng 4-2018.

DUY CHÍ

 

 TÔN THẤT SƠN