Bảo vệ môi trường phải là kim chỉ nam cho sự phát triển

Thứ sáu, ngày 20/11/2015

(BDO)

Sáng qua (19-11), Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch phối hợp bảo vệ môi trường (BVMT) và tài nguyên thiên nhiên giai đoạn 2011- 2015. Tham dự hội nghị có ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phạm Đình Đôn, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Nam (Tổng cục Môi trường - Bộ TN-MT).

 Đoàn viên thanh niên, công nhân và doanh nhân tỉnh Bình Dương đi bộ đồng hành BVMT nhân Ngày Môi trường thế giới (5-6) vừa qua. Ảnh: XUÂN VĨ

 Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Sở TN-MT cho biết từ năm 2011 đến nay, nguồn vốn của tỉnh Bình Dương dành cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị cơ sở vật chất, xử lý chất thải lên đến gần 3.900 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là 1.936 tỷ đồng. 5 năm qua, đã có 13 dự án được triển khai thực hiện, trong đó có 8 dự án hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Cùng với đó, ngành TN-MT cũng hoàn thành 23/27 nhiệm vụ, đề án trọng tâm. Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu về môi trường tỉnh Bình Dương đã đạt và vượt kế hoạch của Trung ương vào năm 2020 như: Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn đạt 90%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải y tế đạt 100%; tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch đạt 99%; tỷ lệ khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 100%...

  Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015- 2020, Bình Dương đã đưa ra quan điểm về công tác bảo BVMT trong giai đoạn 2016-2020: BVMT vừa là mục tiêu, vừa là nội dung cơ bản của phát triển. BVMT phải theo phương châm lấy phòng ngừa là chính, đi đôi với kiểm soát, xử lý ô nhiễm, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu… hướng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại, là thành phố đáng sống.

Những thành tựu mà ngành TN-MT tỉnh Bình Dương đạt được có công rất lớn của công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của tỉnh nhà. Theo đó từ năm 2011 đến nay, ngành đã mở 310 lớp tập huấn về BVMT cho hơn 35.000 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, hội thi tuyên truyền viên giỏi về BVMT cũng thường xuyên được ngành tổ chức với sự tham dự của hơn 800 người...

Ông Phạm Danh, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết đối với việc BVMT, cần sự đồng thuận rất lớn của mọi tầng lớp nhân dân. Chính vì thế công tác tuyên truyền đã được sở hết sức quan tâm, bằng nhiều hình thức, đa dạng về nội dung, phong phú về cách thể hiện. Từ đó giúp mọi người hiểu rõ tầm quan trọng của BVMT ngay tại chính nơi mình sinh sống, làm ăn và sản xuất, kinh doanh.

Thực tế cho thấy, qua công tác tuyên truyền nhiều chương trình hành động đã đi vào cuộc sống như: Doanh nghiệp xanh, Ngày chủ nhật xanh, Ngày môi trường thế giới, Nhà vườn - đường phố sạch, Tiết học xanh… Các chương trình này đã trở thành phong trào lan tỏa khắp nơi từ nông thôn tới thành thị, từ nhà dân tới nhà máy sản xuất.

Chắt chiu tài nguyên

Về tài nguyên đất đai, Bình Dương đã sớm xây dựng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Địa phương cũng đã ban hành quy định vùng hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất, bên cạnh đó là tăng cường hợp tác với các tổ chức, tỉnh, thành nâng cao chất lượng môi trường; đồng thời phối hợp với các tỉnh, thành trong lưu vực sông Đồng Nai để kiểm tra, xử lý vi phạm về khai thác cát. Về hợp tác quốc tế, Bình Dương cùng 7 tỉnh, thành phố trên cả nước đã tích cực tham gia quản lý nhà nước cấp tỉnh về BVMT (VPEG) do Chính phủ Canada tài trợ. Thông qua đó, năng lực quản lý nhà nước về BVMT từ cấp huyện đến cấp tỉnh đã được nâng cao và ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành môi trường trong giai đoạn tới là đầu tư mở rộng hệ thống xử lý nước thải tại TP.Thủ Dầu Một; triển khai đầu tư mới cho hệ thống xử lý nước thải tại các đô thị Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên; đồng thời đầu tư mở rộng và nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo các chuyên gia, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch là một trong những điều kiện bắt buộc để Bình Dương được công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương. Chính vì thế, công tác quản lý, khai thác nguồn nước sạch vừa bảo đảm trữ lượng cho các thế hệ sau là bài toán mà tỉnh Bình Dương sẽ quan tâm giải quyết.

Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết thêm để bảo tồn đa dạng sinh học, hiện tỉnh Bình Dương đang triển khai 10 dự án với kinh phí lên đến 19 tỷ đồng. Ngành TN-MT cũng tích cực chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Chỉ riêng giai đoạn 2013-2015, Bình Dương đã triển khai 7 dự án phi công trình và 1 dự án công trình với kinh phí là 14 tỷ đồng. Ông Nguyên nhận định, công tác BVMT cần phải được tính toán kỹ lưỡng nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững và lâu dài.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết sở dĩ công tác BVMT tại Bình Dương được Trung ương đánh giá cao chính là nhờ tỉnh nhà đã vào cuộc rất quyết liệt. Bình Dương đang có nhu cầu phát triển nhanh để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Nhưng không vì thế mà tỉnh đánh đổi tất cả, BVMT phải là kim chỉ nam cho sự phát triển. BVMT, sử dụng hợp lý tài nguyên, khoáng sản vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh nhà, vừa bảo đảm nguồn TN, MT trong sạch cho các thế hệ sau này.

 XUÂN VĨ