Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai: Trách nhiệm chung của các tỉnh, thành trong khu vực
Nhiều kết quả tích cực
Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Bảo vệ MT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (UBSĐN), tình hình triển khai Đề án bảo vệ sông Đồng Nai dù mới được triển khai trong một thời gian ngắn nhưng đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Chất lượng MT nước tại các sông, kênh, rạch ở một số đô thị lớn như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đã có sự cải thiện đáng kể so với trước. Sau khi một số dự án xử lý nước thải và vệ sinh MT đô thị được đầu tư, đưa vào vận hành, chất lượng MT nước tại các địa phương trong lưu vực sông đã được nâng cao rõ rệt.
Môi trường lưu vực sông Đồng Nai cần được bảo vệ nghiêm ngặt bởi sự ảnh hưởng của dòng sông này để cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Ngày 17-2, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Chủ tịch UBSĐN Lê Thanh Cung đã ký Văn bản số 06/TB-UBSĐN thông báo kết luận phiên họp thứ 6 của UBSĐN. Theo đó, UBSĐN có kế hoạch triển khai Đề án sông Đồng Nai năm 2014 đã đề nghị tập trung vào việc tăng cường đầu tư các công trình thu gom, xử lý chất thải đô thị và đề án thống kê nguồn thải, xây dựng kế hoạch quản lý, xử lý các nguồn thải lỏng trên toàn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Văn bản cũng đề nghị các ủy viên của UBSĐN là đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trên lưu vực tập trung chỉ đạo tại địa bàn các địa phương mình.
Ngày 21-3-2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cũng có Công văn số 956/BTNMT-TCMT gửi các bên có liên quan. Theo đó, Bộ TN-MT yêu cầu các tỉnh, thành phố trong lưu vực sông Đồng Nai khẩn trương ưu tiên tổ chức triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án sông Đồng Nai của địa phương đã được phê duyệt. Đồng thời, các địa phương cũng tập trung vào triển khai đề án thống kê, xây dựng các cơ sở dữ liệu các nguồn xả thải ra lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn của mình. Ngày 2-4-2014, UBSĐN cũng có thêm một văn bản chỉ đạo quan trọng là Công văn số 07/UBSĐN yêu cầu các tỉnh, thành phố tích cực triển khai các hoạt động khai thông dòng chảy và vệ sinh MT nước trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Có thể nói, năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 là thời gian vô cùng quý giá đối với công tác bảo vệ MT sông Đồng Nai. Trong thời gian qua, nhiều hoạt động thiết thực của UBSĐN không chỉ trực tiếp tác động đến MT nước mà còn tạo những hành lang pháp lý quan trọng để tăng cường hoạt động kiểm soát, giám sát và thực hiện bảo vệ MT.
Cần có tiếng nói chung
Tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua, nhưng công tác bảo vệ MT sông Đồng Nai vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế và chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Tình trạng ô nhiễm MT nước ở nội thành, đô thị, ô nhiễm do nước thải công nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận. Khó khăn lớn nhất có lẽ là việc huy động các nguồn tài chính để đầu tư các công trình xử lý nước thải, quan trắc và kiểm soát nguồn thải. Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN-MT cho biết: “Trong thời gian qua, việc tìm kiếm nguồn vốn ngân sách từ Trung ương phân bổ về địa phương là rất khó khăn. Chính vì thế, chúng tôi luôn phải tranh thủ tìm kiếm nguồn tài chính từ các tổ chức tài chính, vốn ODA hoặc vốn tài trợ từ các tổ chức nước ngoài. Hiện nay, tất cả các tỉnh, thành trong lưu vực đều rất khó khăn trong việc tìm kiếm vốn đầu tư cho xử lý MT”.
Ý kiến của ông Tuyến cũng được đại diện lãnh đạo các địa phương đồng tình. Ông Hoàng Duy Chuyển, Giám đốc Sở TN-MT Đắc Nông cho biết: “Địa phương chúng tôi ở khu vực đầu nguồn, việc bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước là rất cấp thiết cho hạ du nhưng thiếu vốn nên chúng tôi không biết xoay xở từ đâu”. Trong khi đó, ông Nguyễn Song Đoàn, Giám đốc Sở TN-MT Bình Phước lại cho rằng: “Chính phủ cần cân nhắc phân bổ thêm vốn trực tiếp cho các địa phương trong công tác bảo vệ MT lưu vực sông Đồng Nai. Bởi lẽ, tình hình ô nhiễm MT ở các địa phương đang diễn biến phức tạp, cần mạnh tay xử lý và giải quyết”.
Theo ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và là Chủ tịch UBSĐN thì vốn là khó khăn lớn nhất nhưng chưa phải là duy nhất. Sự khó khăn về cơ chế, quyền hạn của UBSĐN cũng là một vấn đề lớn. Bởi cho đến nay, UBSĐN có rất ít quyền được tự giải quyết các vụ việc xử lý vi phạm ô nhiễm về MT trong lưu vực sông. Phát biểu tại cuộc họp ngày 31-5, ông Lê Thanh Cung cho rằng: “Muốn bảo vệ MT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai tốt hơn nữa, các tỉnh, thành cần có nhiều tiếng nói chung mạnh mẽ để kiến nghị lên các cấp trên có hiệu quả hơn. Điều quan trọng nhất trước mắt là phải nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu, thu thập các thông tin quan trắc về nguồn thải ra MT để tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ MT chung cho cả lưu vực”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN VĂN NAM: Bình Dương tuân thủ nghiêm cam kết bảo vệ môi trường
Chúng ta luôn xác định, phát triển kinh tế muốn bền vững thì MT phải trong lành. Bởi thế nên trong thời gian tới, Bình Dương không thể quên được giải pháp tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp chung tay bảo vệ MT lưu vực sông Đồng Nai. Ngoài ra, tỉnh sẽ rà soát lại các khu, cụm công nghiệp để có kế hoạch xây dựng các hệ thống xử lý MT, kể cả hệ thống thu gom rác thải nguy hiểm. Các cam kết chung về bảo vệ MT với cả vùng, Bình Dương đều thực hiện sớm, đúng thời gian và tuân thủ nghiêm ngặt.
Giám đốc Sở TN-MT Tây Ninh NGUYỄN MINH XUÂN: Tây Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp
Trong thời gian qua, Tây Ninh luôn cố gắng tuân thủ công tác kiểm soát, giám sát nguồn xả thải ra MT. Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện nhiều biện pháp cụ thể để bảo vệ MT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, bảo đảm cam kết chung với toàn vùng, bảo đảm tính liên kết vùng trong vấn đề bảo vệ MT. Trong thời gian tới, Tây Ninh tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về MT để tiếp tục cải thiện chất lượng nguồn nước, bảo đảm MT cho cá nhân, doanh nghiệp làm ăn, sinh sống”.
KHÁNH VINH