Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai: Rất cần sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía

Thứ năm, ngày 01/12/2011

Kỳ 1: Rất cần... một đề án khả thi!

Bình Dương là một trong 12 tỉnh, thành nằm trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, có diện tích đất tự nhiên 2.694,4km2, chiếm 0,83% diện tích cả nước. Hệ thống sông Đồng Nai chảy qua địa phận tỉnh bao gồm sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé. Ngoài 3 sông chính này, Bình Dương còn có hệ thống kênh rạch chằng chịt với mật độ từ 0,4 - 0,8km/km2. Trong đó, hệ thống sông Đồng Nai có vị trí và vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh. Đây là nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp trên địa bàn. Ngoài cung cấp nước, các kênh, rạch, sông, suối thuộc hệ thống sông Đồng Nai còn là nguồn cung cấp và nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy và du lịch sinh thái. 

Môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cần được bảo vệ

Là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong cả nước, từ năm 2001 đến nay, tốc độ tăng trưởng GDP của Bình Dương luôn đạt ở mức 15%, cơ cấu kinh tế của tỉnh thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Việc phát triển nhanh về KT-XH trong thời gian qua đã làm cho bộ mặt của tỉnh ngày càng thay đổi, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên, quá trình phát triển nhanh về kinh tế trong khi đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở kỹ thuật như cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải và chất thải rắn thiếu đồng bộ và chưa theo kịp tốc độ phát triển đã gây nên những tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là chất lượng nước hệ thống sông Đồng Nai.

Kết quả quan trắc cho thấy chất lượng nước hệ thống sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn Bình Dương ở phần thượng lưu còn khá tốt, trong khi chất lượng nước ở hạ lưu các sông ngày càng có xu hướng xấu đi, đặc biệt mức độ ô nhiễm tăng cao tại các kênh rạch trong nội ô các đô thị. Cụ thể là chất lượng nước mặt đã có xu hướng suy giảm từ ngã ba hợp lưu sông Đồng Nai và sông Bé đến bến đò Tân Ba, đồng thời có hiện tượng ô nhiễm dinh dưỡng bởi vì hàm lượng Amonia vượt giới hạn cho phép. Chất lượng nước hệ thống sông Đồng Nai có chiều hướng suy giảm không những ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển KT-XH.

Vì thế, “Đề án bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực hệ thống sông Đồng Nai” là vấn đề cấp thiết cần thực hiện về lâu, về dài, với mục tiêu cụ thể là 100% các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để, ngăn chặn và kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm; 100% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; 100% bệnh viện, trung tâm y tế đóng trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; 100% các khu đô thị, khu nhà ở xây dựng hệ thống thoát nước thải và xử lý nước thải tập trung theo đúng quyết định phê duyệt; thu gom và xử lý trên 90% chất thải rắn và 100% chất thải y tế; 100% các dự án đầu tư mới được bố trí phù hợp quy hoạch và 60% cơ sở sản xuất - kinh doanh đạt quy chuẩn môi trường; nâng tỷ lệ che phủ rừng, cây lâm nghiệp và cây công nghiệp lâu năm trên địa bàn tỉnh đạt 57% và phải đạt được sự đồng thuận và hợp tác chặt chẽ của người dân với chính quyền trong công tác BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

Đạt mục tiêu đó, giải pháp để thực hiện Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, đó là xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa Luật BVMT và hướng dẫn về BVMT lưu vực sông; Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đối với các doanh nghiệp thay đổi, cải tiến công nghệ sản xuất ít gây ô nhiễm và thân thiện với môi trường; tiếp tục kiện toàn hệ thống quản lý Nhà nước về môi trường từ tỉnh đến cơ sở, tăng cường thêm nhân lực quản lý Nhà nước về BVMT ở cấp huyện và xã; Nâng cao năng lực hệ thống mạng lưới quan trắc, giám sát, dự báo diễn biến môi trường tự nhiên lưu vực sông và xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật có thể điều chỉnh hoặc bổ sung thêm các dự án mới, ưu tiên các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị khu vực TX.TDM, Thuận An, Dĩ An; xã hội hóa các hoạt động BVMT, phòng ngừa, xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái môi trường để huy động mọi nguồn lực phục vụ công tác BVMT lưu vực sông; triển khai nhân rộng tổ tự quản môi trường nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào việc BVMT lưu vực sông.

Giải pháp quan trọng hơn cả là tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, các doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về ý thức và trách nhiệm BVMT nói trung và BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nói riêng.

MAI HUY

Kỳ 2: Hiệu quả bước đầu