Bảo vệ “lá phổi xanh” trong lòng đô thị
(BDO) Dù Bình Dương đang trải qua những ngày nắng nóng, oi bức nhưng người dân có thể cảm nhận được sự mát lành khi đi dưới những tuyến phố rợp bóng cây xanh. Có được thành quả này là nhờ sự nỗ lực trong nhiều năm của người dân, chính quyền địa phương và ngành chức năng trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh đô thị.
Dưới bóng cây dầu cổ thụ, thầy trò trường THPT Trịnh Hoài Đức (TP.Thuận An) ôn lại truyền thống phát triển của nhà trường
Cây xanh rợp bóng phố phường
Đầu tháng 4, Bình Dương đang trong những ngày thời tiết oi bức, khiến không ít người ngán ngẩm mỗi khi ra đường. Thế nhưng vẫn có những tuyến phố, con đường tưởng sẽ bị nung nóng lại được phủ bóng cây xanh, qua đó làm dịu đi sự oi bức của mùa nắng.
Dưới bóng cây cổ thụ trên đường An Mỹ (phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một), chúng tôi như cảm thấy được xoa dịu sự oi bức của những ngày tháng 4 nắng như đổ lửa nhờ hàng cây rợp bóng mát. Anh Nguyễn Văn Lành, tiểu thương ở chợ Phú Mỹ, cho biết từ khi còn bé anh đã thấy hàng cây vươn cao, rợp bóng che nắng cho người dân mưu sinh nơi đây. Hàng cây đã gắn bó với nhiều thế hệ tiểu thương, như người bạn đồng hành suốt chiều dài phát triển của địa phương.
Ngoài hàng cây cổ thụ trên, TP.Thủ Dầu Một còn có những tuyến phố gắn với một loài cây đặc trưng. Cụ thể như hàng cây me tây mới trồng trên đường Trần Văn Ơn nhưng đã rợp bóng xanh rờn; đường Đồng Cây Viết với hàng lim xẹt nở rộ hoa vàng hay hàng dầu cao sừng sững trên đường Lê Hồng Phong, Huỳnh Văn Lũy… Còn tại TP.Thuận An có đường Nguyễn Du mộng mơ với hàng bằng lăng tím nở rộ vào đầu năm, hay đường Nguyễn Trãi (TP.Dĩ An) nồng nàn hương hoa sữa về đêm...
Cùng góp vào không gian xanh ở đô thị còn phải kể đến những cây cổ thụ rợp bóng mát trong các cơ quan, trường học. Dẫn chúng tôi tham quan sân trường, thầy Quách Đức Thịnh, Hiệu trưởng trường THPT Trịnh Hoài Đức (TP.Thuận An), cho biết trong khuôn viên nhà trường có hàng trăm cây xanh các loại được trồng từ ngày đầu thành lập trường cho đến những năm gần đây. Trong đó phải kể đến 4 cây dầu khoảng 70 năm tuổi tại vị trí đặt tượng Hiệp biện Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức. Trong sân trường còn có những cây phượng vĩ, cây giá tỵ, cây bàng từ 30-40 năm tuổi do thầy cô giáo, học sinh qua nhiều thế hệ trồng và chăm sóc. Những cây này không chỉ tỏa bóng mát, tạo không gian xanh mát mẻ trong sân trường mà còn chan chứa nhiều kỷ niệm của bao thế hệ học trò nơi đây.
Còn với người dân khu vực TP.Dĩ An đã khá quen thuộc với hình ảnh “cụ” me tây với tán lá rộng sum suê tỏa bóng mát trong sân trụ sở UBND phường Đông Hòa. Trong bao năm qua, cây me tây đã chứng kiến Đông Hòa “thay da đổi thịt” trở thành một phường có tốc độ đô thị hóa nhanh ở cửa ngõ phía Nam của Bình Dương. Ông Huỳnh Công Minh, Chủ tịch UBND phường Đông Hòa, cho biết trong 7 phường ở TP.Dĩ An chỉ có Đông Hòa là có cây me cổ thụ với tuổi đời khoảng 50 năm. Nhờ có cây me này mà khuôn viên UBND phường trở nên mát mẻ hơn vào những ngày cao điểm nắng nóng và tạo điểm nhấn khó quên đối với những người dân khi đến đây. Theo ông Minh, do cây me tây đã lớn tuổi nên UBND phường phải thường xuyên “kiểm tra sức khỏe” của cây cũng như cắt tỉa những nhánh cây bị sâu bệnh, có khả năng gãy đổ để đề phòng sự cố đáng tiếc xảy ra.
Ngoài các cây trên vẫn còn một số cây cổ thụ như cây me tây ở trụ sở UBND phường Thái Hòa hay cây dầu “mẹ bồng con” khoảng 150 tuổi ở đình Dư Khánh, phường Thạnh Phước… Tất cả những cây cổ thụ trên đã trở thành “hàng hiếm”, chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của đất và người TP.Tân Uyên.
Trong khi cơ quan chức năng ra sức bảo vệ, chăm sóc cây xanh thì một bộ phận người dân lại tìm cách “bức tử” những cây trồng trên vỉa hè với lý do gây cản trở việc đi lại và hoạt động buôn bán. Việc xâm hại cây xanh thường diễn ra âm thầm, bất kể ngày đêm với nhiều phương thức tinh vi nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện, xử lý. Điều này không những làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và về lâu dài cây xanh dễ bị chết, gãy đổ làm mất an toàn. Căn cứ theo Điều 54, Nghị định 16/2022/ NĐ-CP ngày 28-1-2022 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng thì hành vi “bức tử” cây xanh sẽ bị phạt từ cảnh cáo đến 50 triệu đồng, đồng thời buộc trồng lại cây xanh bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, chủng loại, tiêu chuẩn theo quy định. |
Chung tay bảo vệ “lá phổi xanh”
Để giữ được “lá phổi xanh” giữa phố phường nhộn nhịp là sự nỗ lực của ngành chức năng trong việc quản lý, chăm sóc cây xanh, nhất là vào lúc tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh và thời tiết có nhiều bất thường như hiện nay. Ông Huỳnh Quốc Việt, Trưởng phòng Quản lý đô thị TX.Bến Cát, cho biết địa phương đã yêu cầu đơn vị chức năng tăng cường quản lý, chăm sóc cây xanh đô thị tại địa phương; đồng thời rà soát, cắt tỉa những cây xanh có nguy cơ gãy, đổ nhằm phòng ngừa sự cố đáng tiếc xảy ra khi có giông lốc. Bên cạnh đó, địa phương cũng đề nghị chủ đầu tư, đơn vị quản lý các khu công nghiệp quan tâm đến việc chăm sóc, cắt tỉa cây xanh, nhất là tại những giao lộ và gần hành lang an toàn lưới điện.
TP.Thủ Dầu Một là một trong những địa phương có nhiều cây xanh đô thị với hơn 28.500 cây các loại. Thời gian qua, Phòng Quản lý đô thị TP.Thủ Dầu Một đã tiến hành phân loại từ cây mới trồng đến cây có đường kính lớn hơn 30cm và cây kiểng để thuận tiện cho việc chăm sóc, cắt tỉa. Ông Dương Thái Khanh, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Thủ Dầu Một, cho biết từ đầu năm đến nay, đơn vị chức năng đã cắt tỉa 10.050 cây, chiếm 35,23% tổng số cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố. Trong đó ưu tiên cắt tỉa cây có tàn lớn dễ gãy và cây ở các tuyến đường có phương tiện tham gia giao thông nhiều, như: Yersin, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Văn Tiết, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Đức Thuận, Thích Quảng Đức, Hoàng Hoa Thám… Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tập trung cắt tỉa cây xanh để đối phó với mùa mưa bão, nhằm phòng ngừa sự cố đáng tiếc xảy ra.
Trong khi đó trên địa bàn TP.Thuận An hiện có trên 5.700 cây xanh đô thị các loại trong công viên, trồng trên vỉa hè. Thời gian qua, ngành chức năng TP.Thuận An thường xuyên đôn đốc, theo dõi, giám sát việc cắt tỉa cây xanh có nguy cơ gãy, đổ trên nhiều trục đường. Theo ghi nhận, đến những ngày đầu tháng 4, cây xanh trên một số tuyến đường như: Cách Mạng Tháng Tám, Phan Thanh Giản, 22-12, Thủ Khoa Huân, ĐT743A, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi… đã được cắt tỉa gọn gàng, bảo đảm mỹ quan đô thị.
Theo đại diện Phòng Quản lý đô thị TP.Thuận An, ngoài việc cắt tỉa cành cây xanh trồng trên vỉa hè, đơn vị luôn quan tâm đến việc gia cố cọc chống những cây có nguy cơ ngã đổ, mất cọc chống trên các tuyến đường. Song song đó, đơn vị còn rà soát số lượng cây xanh bóng mát có nguy cơ không an toàn trong các trường học để có biện pháp khắc phục. Nhờ vậy mà trong nhiều năm nay, trên địa bàn TP.Thuận An không xảy ra tình trạng cây xanh ngã đổ khi xảy ra thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến người dân.
Ông Võ Văn Hồng, Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết trên 55 tuyến phố của thành phố hiện có khoảng 10.000 cây xanh các loại. Ngay từ đầu năm, lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo ngành chức năng triển khai công tác cắt tỉa cành, hạ độ cao, chặt hạ các cây sâu mục, cây chết khô. Trong đó, ưu tiên cắt tỉa các loại cây nặng tán, cây nghiêng nguy hiểm, cây mọc lệch tán, có cành vươn, đặc biệt là cành khô, sâu mục… để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa mưa, bão. Tại các trường học trên địa bàn TP.Thuận An hiện có 2.210 cây xanh với các chủng loại như, phượng vĩ, sao đen, Osaka, tràm bông vàng… Cô Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo TP.Thuận An, cho biết những hàng cây không chỉ tỏa bóng mát, tạo không gian xanh trong học đường mà còn là điểm nhấn trong lòng đô thị. Do đó, địa phương rất quan tâm đến công tác quản lý, chăm sóc cây xanh trong trường học. Đặc biệt vào đầu mùa mưa, đơn vị đã chỉ đạo các trường chủ động kiểm tra, cắt tỉa cây xanh trong sân trường để đề phòng nguy cơ gãy đổ, gây mất an toàn cho thầy cô và học sinh. |
NGUYỄN HẬU