Bảo vệ chính quyền sau ngày đất nước thống nhất - Bài 2
(BDO) Bài 2: Phá tan các tổ chức phản động
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, một số bộ phận trong chính quyền chế độ cũ vẫn được lưu dụng để phục vụ công việc vì chưa có người thay thế. Lợi dụng tình thế này, một số đối tượng đã thành lập các tổ chức phản động âm mưu lật đổ chính quyền.
Triệt phá chuyên án P176
Theo lịch sử Công an Bình Dương, ngay sau giải phóng, để bảo đảm trật tự xã hội, giao thông, điện… chính quyền cách mạng tạm thời lưu dụng một số nhân viên kỹ thuật, máy móc, thông tin, phòng cháy chữa cháy của địch đảm nhận công tác này. Ngoài ra, có một tiểu đội giao thông của địch cùng một bộ phận lực lượng vũ trang cách mạng làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự giao thông ở những nơi công cộng. Số nhân viên lưu dụng này ta vừa làm vừa giáo dục đường lối, chính sách của Đảng. Tuy nhiên, có đối tượng đã lợi dụng cơ hội này để âm mưu thành lập các tổ chức nhằm chống phá, điển hình là tổ chức “Bình Nam Phạt Bắc” của Lâm Thị Hòa Nhã, một cán bộ lưu dụng của Ty Điện lực.
Lực lượng công an hăng say luyện tập nhằm bảo đảm an ninh trật tự những ngày đầu sau giải phóng
Ngày 4-8-1975, lực lượng an ninh phát hiện 1 tờ truyền đơn kêu gọi thanh niên, ngụy quân đứng lên chống lại cách mạng tại trường Tiểu học Vinh Sơn, TX.Thủ Dầu Một. Xác minh bước đầu, ta lập chuyên án mang bí số P176 và bí mật bắt giữ tên Hoài, một mắt xích quan trọng của vụ án. Sau đó ta đã giao nhiệm vụ cho đối tượng này chui sâu vào tổ chức địch. Chỉ 20 ngày khẩn trương xác minh, ta đã nắm được toàn bộ hồ sơ, chứng cứ của vụ án liên quan đến Lâm Thị Hòa Nhã, cán bộ lưu dụng của Ty Điện lực, nhân viên “Phượng Hoàng” cầm đầu liên lạc với bọn tàn quân, ngụy quân, ngụy quyền đang lẩn trốn dựng ra tổ chức phản động lấy tên là “Bình Nam Phạt Bắc” nhằm xây dựng lực lượng vũ trang, điều tra tình hình lực lượng bộ đội và các cơ quan, kho tàng của ta, chuẩn bị truyền đơn, cờ, khẩu hiệu để kích động quần chúng biểu tình, kết hợp lực lượng vũ trang đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trên địa bàn tỉnh.
Sau khi thu thập đủ các tài liệu, chứng cứ, ngày 28-8-1975, Ty An ninh tỉnh quyết định phá án và bắt 21 đối tượng, thu giữ nhiều truyền đơn, vũ khí và tài liệu mật. Lúc 10 giờ ngày 23-11-1975, Ty An ninh tỉnh Thủ Dầu Một phối hợp huyện Châu Thành tổ chức một cuộc tập hợp quần chúng tại thị xã và mời người dân, đại diện các ban ngành đến dự việc đưa các đối tượng trong tổ chức này ra xét xử. Sau khi nghe trình bày bản luận tội, Ủy ban cách mạng tuyên án tử hình 4 đối tượng; cải tạo dài hạn 9 đối tượng; quản chế lao động tại chỗ 6 đối tượng; tha bổng 1 đối tượng.
Theo nhận định thì tổ chức này do tình báo Mỹ, ngụy cài lại nhằm hoạt động chống phá chính quyền cách mạng ở tỉnh Thủ Dầu Một sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Quá trình đấu tranh phá án nhanh, xét xử công khai đã góp phần trấn áp bọn phản cách mạng và củng cố được niềm tin của quần chúng nhân dân.
Cũng trong thời gian này, nhờ phát động phong trào bảo vệ an ninh sâu rộng trong nhân dân, xây dựng các cơ sở bí mật, cũng như sự phối hợp giữa an ninh và quân sự nên ta đã phát hiện nhiều đối tượng tàn quân lẩn trốn. Tại huyện Phú Giáo, nhờ quần chúng phát hiện và báo tin, ta đã kịp thời vây bắt tên tình báo Dương Văn Su đội lốt nhà sư mang danh đại đức Dương Ngọc Ẩn…
Tấn công tội phạm hình sự
Thừa lúc chính quyền cách mạng còn bận trăm công ngàn việc, các đối tượng hình sự, đối tượng rã ngũ tụ tập thành từng nhóm hoạt động giết người cướp của, tống tiền. Tệ nạn xã hội ngày càng phức tạp, tập trung ở Thủ Dầu Một, Lái Thiêu, Dĩ An… Ở vùng quê thì bọn du đảng chạy về ẩn nấp, tổ chức cướp giật… Vì vậy, cùng biện pháp quản lý đối tượng chính trị, ta cũng tiến hành hàng loạt biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa các hành động của tội phạm hình sự. Một số đối tượng trộm cắp, cờ bạc, xì ke… ta tiến hành gặp gỡ giáo dục, cảnh cáo. Đối với các đối tượng chuyên cướp của, giết người mà dưới chế độ cũ đã bị bắt hoặc kết án, ta tạm thời đưa vào các trại giam để tiếp tục quản lý, giúp họ sửa đổi trở lại con đường lương thiện.
Từ sau ngày giải phóng đến tháng 2-1976 toàn tỉnh đã xảy ra 38 vụ án mạng, hàng trăm vụ trộm cắp, phá hủy cơ sở sản xuất… Lực lượng an ninh đã đấu tranh làm rõ 5 vụ án mạng, phá 42 vụ trộm, ngăn chặn 34 vụ trộm xe máy… Đặc biệt, lực lượng an ninh đã triệt phá các băng cướp có vũ trang hoạt động ở Phú Văn, Phú Hòa, khu Sóng Thần…
Tại thời điểm này một số đối tượng bất lương giả làm bộ đội đón xin đi nhờ xe để cướp tài sản hoặc xin vào nhà dân để gây án. Trước tình trạng này, lực lượng an ninh đã tiến hành tuyên truyền người dân mạnh dạn cung cấp thông tin nếu phát hiện đối tượng có biểu hiện nghi vấn.
Có thể nói, nhờ tiến hành các biện pháp đồng bộ, biết phát huy khí thế cách mạng đang lên của mọi tầng lớp nhân dân, lực lượng an ninh Thủ Dầu Một đã làm tốt công tác tiếp quản, từng bước thực hiện công tác quản lý xã hội, ổn định tình hình giúp mọi tầng lớp nhân dân an tâm lao động, sản xuất, xây dựng quê hương.
Nhằm quán triệt cho lãnh đạo an ninh các cấp về tình hình và nhiệm vụ công tác bảo vệ an ninh trật tự giai đoạn cách mạng mới, từ ngày 18 đến 20-8-1975, Ty An ninh tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai công tác của ngành lần đầu tiên sau khi nước nhà thống nhất. Hội nghị đã quán triệt tinh thần nhiệm vụ chung là tiếp tục truy quét tàn quân, trấn áp phản động một cách liên tục và có trọng điểm, tăng cường phát triển lực lượng mới, chấn chỉnh tổ chức, sửa đổi lề lối làm việc phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của giai đoạn mới, phát huy chức năng của ngành, giữ vững an ninh chính trị, ổn định trật tự xã hội, trực tiếp tham gia phát động quần chúng xây dựng chính quyền cách mạng... Từ đó, hội nghị đã thống nhất đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm cho công tác an ninh toàn tỉnh 4 tháng cuối năm 1975, trong đó đáng chú ý là việc triển khai các biện pháp quản lý hành chính và trật tự xã hội, tổ chức đổi giấy phép lái xe, giấy tờ xe, tổ chức đăng ký quản lý hộ khẩu, quản lý ngành nghề…
Bài 3: Phát huy sức mạnh từ nhân dân
P.V (Theo Lịch sử Công an Bình Dương)