Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam
(BDO)
Cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, tỉnh Quảng Nam, cùng người dân thường xuyên kiểm tra các nhà cổ trong những thời điểm mưa bão để đảm bảo an toàn cho người dân và di tích. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1230/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu của chương trình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, các công trình có giá trị tiêu biểu quốc gia, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước.
Nhiệm vụ chủ yếu của chương trình nhằm hoàn thành việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di sản đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh, các di tích quốc gia đặc biệt đã được xếp hạng; thực hiện các dự án chỉnh trang nội dung trưng bày, nâng cấp trang thiết bị và hệ thống trưng bày bảo tàng; xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ, kế hoạch bảo vệ phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu có giá trị tiêu biểu...
Bên cạnh đó, chương trình có nhiệm vụ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong di sản văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực di sản văn hóa; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa ở trong nước và nước ngoài.
Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của chương trình, đề xuất của địa phương và thực trạng của di sản, dự toán kinh phí hằng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng nội dung, kế hoạch, phương án phân bổ kinh phí cho từng nhiệm vụ chi thường xuyên cho các bộ, ngành, địa phương phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ được giao, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối quản lý việc triển khai và chịu trách nhiệm xây dựng nội dung chương trình; hằng năm, chủ trì phối hợp với các địa phương, các đơn vị có liên quan rà soát đề xuất danh mục di sản cần được tu bổ, tôn tạo, các nội dung nhiệm vụ của chương trình; xây dựng chương trình, kế hoạch, kinh phí bảo đảm phù hợp với chương trình tổng thể, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách và khả năng thu hút các nguồn lực.
Kinh phí thực hiện chương trình được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước, phù hợp với khả năng cân đối theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và quy định của pháp luật về đầu tư công.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan chủ trì thực hiện chương trình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về số liệu, tiến độ thực hiện, kết quả và hiệu quả của chương trình; tổng kết việc thực hiện chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức đánh giá, quyết định lựa chọn các di sản, di tích ưu tiên đầu tư tu bổ, tôn tạo thuộc phạm vi thực hiện của chương trình.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương liên quan bố trí ngân sách sự nghiệp, xây dựng định mức cho các hoạt động để triển khai thực hiện chương trình theo quy định, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước.
Các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội thuộc lĩnh vực di sản văn hóa căn cứ chức năng, nhiệm vụ và điều lệ hoạt động, chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương liên quan tuyên truyền, vận động hội viên tham gia thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của chương trình, tham gia giám sát thực hiện chương trình theo quy định./.
Theo TTXVN