Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích

Thứ ba, ngày 17/09/2013

Bài 2: Cần bảo tồn, tôn tạo và công nhận di tích “Mật khu Hố Trầu”

> Bài 1: Mật khu Hố Trầu - Một thời oai hùng

Giữ vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong những năm tháng đấu tranh với kẻ địch để góp phần bảo vệ quê hương, là nơi bảo bọc, che chở lực lượng cách mạng để đánh những đòn chí mạng vào bọn Mỹ - ngụy nên khi nói đến Mật khu Hố Trầu (MKHT) là địch phải khiếp sợ… Nhưng sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, bắt tay vào việc khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng lại quê hương, thì ngoài sự quan tâm bảo tồn, giữ gìn của chính quyền địa phương xã Tương Bình Hiệp (TBH), hình như địa danh này đã dần bị quên lãng…

Một góc xã Tương Bình Hiệp hôm nay

Có dịp trở lại thăm MKHT vào những ngày tháng 9 lịch sử này, chúng tôi thật sự cảm thấy băn khoăn, trăn trở cho địa danh cách mạng oai hùng một thời này. Đi cùng chúng tôi, ông Trần Quốc Cường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, nguyên là Đội trưởng Đội du kích xã TBH cho biết: Đường vào mật khu nay đã không còn, một mặt do cây cối mọc um tùm chắn lối đi, mặt khác nhiều chỗ nay thuộc sở hữu của người dân vì vậy đã bị rào lại. Hiện tại hệ thống đường hầm của MKHT chỉ còn khoảng 1,5km và đang bị xuống cấp trầm trọng…

Miệng hầm MKHT lộ ra trong quá trình khai thác đất đá

Qua quan sát thực tế chúng tôi nhận thấy, hệ thống đường hầm nơi đây tương tự hệ thống địa đạo của các di tích lịch sử nổi tiểng khác như địa đạo Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), địa đạo Tam giác sắt (Bến Cát)… với nhiều ngõ ngách và nhiều hạng mục xây ngầm dưới lòng đất, đủ sức chứa hàng trăm người cùng lúc. Tuy nhiên, như ông Cường đã cho biết, việc tiếp cận hệ thống mật khu là rất khó khăn và nguy hiểm. Đường vào mật khu khá sình lầy lại vô cùng hiểm trở, bên cạnh đó lại thuộc sở hữu tư nhân nên càng khó tiếp cận. Trải qua nhiều năm tháng, nhiều đoạn đường hầm đã bị sập, sạt lở chỉ còn lại vết tích. Tại một số nơi, qua quá trình khai thác đất, đá của người dân, nhiều miệng hầm và công trình ngầm đã lộ ra phơi mình cùng mưa gió không biết đến ngày nào sẽ… sập.

Sau nhiều năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã TBH tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực; người dân tin tưởng vào đường lối đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng; kinh tế địa phương tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp dịch vụ và nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng 56,4% - 33% và 10,6%. Văn hóa xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác quốc phòng được tăng cường… Những kết quả đó là cơ sở và là điều kiện thuận lợi cho địa phương tiếp tục vững bước đi lên trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Tấn Lợi, Chủ tịch UBND xã TBH cho biết: Trong thời gian qua, xã đã tiến hành một số biện pháp như phát quang cây cối, bụi rậm đồng thời vận động các hộ dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ các hạng mục của MKHT. Tuy nhiên, việc bảo vệ và tôn tạo là việc làm quá sức đối với địa phương. Bởi, nguyên nhân chính là phần lớn diện tích của MKHT nằm trong đất của dân nên rất khó để quản lý. Chúng tôi đang tiến hành làm thủ tục để đề nghị xét chuẩn di tích đối với MKHT. Mong mỏi hiện nay của Đảng bộ, chính quyền và người dân xã TBH là MKHT được các ngành, các cấp quan tâm cùng địa phương thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo và đề nghị lên trên xét đề nghị là di tích lịch sử cấp tỉnh để ghi nhận lại những đóng góp lớn lao của MKHT và của người dân nơi đây đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, góp phần lưu giữ, tuyên truyền truyền thống tốt đẹp của địa phương đối với các thế hệ sau này…

Nếu việc giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo MKHT trước mắt quá khó khăn, các cấp, các ngành có thể xem xét và xét công nhận di tích đối với MKHT, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã làm mát lòng những cựu chiến binh đã từng sống và chiến đấu tại mật khu oai hùng này… Ông Trần Quốc Cường chia sẻ.

Thiết nghĩ, việc giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và đề nghị công nhận di tích đối với MKHT, hoặc chí ít cũng là quy hoạch một diện tích với tấm bia ghi công để đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng chính đáng của lãnh đạo địa phương, người dân xã TBH và những cựu chiến binh đã từng sống, chiến đấu ở MKHT là việc rất cần làm trong thời gian tới đây.

- Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP.TDM Đào Hữu Gia:

Trước đây, Phòng VH-TT TP.TDM đã phối hợp với các ban, ngành tiến hành thị sát MKHT. Và theo dự kiến trong quy hoạch xây dựng Trung tâm VH-TT xã TBH, sẽ để một phần đất tại đây để xây dựng bia vinh danh MKHT. Tuy nhiên, vì một số lý do, đến nay kế hoạch này vẫn chưa thực hiện được. Hiện tại, nếu xã TBH có đề nghị công nhận di tích đối với MKHT, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ. Trước mắt là về công tác hướng dẫn thực hiện các thủ tục đề nghị…

- Bí thư Đảng ủy xã TBH Nguyễn Văn Chánh:

Trong thời gian tới, nếu đề nghị xét công nhận di tích đối với MKHT được thông qua, chính quyền và nhân dân xã TBH sẽ cùng nhau góp sức xây dựng bia vinh danh cho MKHT. Đây là việc làm thiết thực và mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tại địa phương…

 

BÌNH MINH - VIỆT KHÁNH