Bảo tồn tê giác bằng cách tiêm thuốc độc vào sừng
Chiều 15-4, tại buổi đối thoại trực tuyến giữa khoảng 30 phóng viên đại diện cho 30 cơ quan truyền thông báo chí tại TP.HCM, Bình Dương với tiến sĩ Lorinda và bác sĩ Charles Van Niekerk, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi xoay quanh giải pháp tiêm thuốc độc vào sừng tê giác mà Tổ chức Rhino Rescue đang tiến hành tại Nam Phi nhằm giảm thiểu tình trạng săn bắt và buôn bán sừng tê giác hiện nay…
(BDO)
Cận cảnh chi tiết truyền dịch độc vào sừng tê giác. Ảnh: T.TRANG
Một con số được công bố tại buổi đối thoại khiến nhiều người giật mình là hơn 1.200 con tê giác đã chết do nạn săn bắt ở Nam Phi trong năm 2014. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ở Việt Nam và Trung Quốc lại tăng theo cấp số nhân. Nếu vấn đề này tiếp tục xảy ra thì không có cách nào bảo vệ loài tê giác khỏi sự săn bắt và giết chóc đang ở mức cực kỳ báo động.
Để bảo vệ loài tê giác trước nguy cơ tuyệt chủng, tiến sĩ Lorinda và Rhino Rescue (Dự án giải cứu tê giác) đã đưa ra giải pháp tiêm một loại độc tố vào sừng tê giác, loại chất độc này sẽ gây nguy hại cho người sử dụng sừng tê giác nhưng an toàn với động vật…
Việt Nam là thị trường lớn tiêu thụ sừng tê giác
Theo báo cáo mới nhất, có khoảng 25.000 con tê giác sống ở Nam Phi (chiếm 85%). Năm 2014 có 1.200 con tê giác bị săn bắt hợp pháp ở Nam Phi. Năm 2013, có khoảng 1.004 con tê giác bị giết ở Nam Phi, tăng 100% so với 448 con bị giết năm 2011. Năm 2012 có khoảng 668 con tê giác bị giết ở Nam Phi, tăng 5.000% so với 13 con ở năm 2007. Người ta ước tính, trong một ngày có trên 2 con tê giác bị giết tại đây.
Việc giết tê giác lấy sừng ngày càng trở nên phổ biến ở Nam Phi. Thị trường tiêu thụ sừng tê giác chủ yếu của bọn săn trộm chính là các nước châu Á, trong đó mạnh nhất là ở Trung Quốc và Việt Nam. Năm 1993, Trung Quốc ban hành lệnh cấm buôn bán sừng tê giác và công bố công khai việc truy tố những người buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác.
“Đối với con người, khi sử dụng sừng tê giác có tiêm độc sẽ có triệu chứng: Buồn nôn, nặng bụng, co giật, mệt mỏi và có nguy cơ tử vong nếu sử dụng ở liều lượng lớn…”. (Tiến sĩ Lorinda) |
Một số quốc gia ở châu Á đã đẩy mạnh chiến dịch nâng cao nhận thức cho cộng đồng đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng đối với sừng tê giác và số lượng bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, từ năm 2008, việc săn bắt bất hợp pháp lại gia tăng trở lại do sự tham gia của tội phạm có tổ chức và khi các nước châu Á bắt đầu trở nên giàu có, sung túc hơn.
Ở Việt Nam, nhiều người cho rằng sừng tê giác có khả năng chữa bệnh nên việc mua bán sừng tê giác lại càng phổ biến, dễ dàng hơn. Từ năm 2008 đến 2013, Việt Nam đã phát hiện 13 vụ buôn bán sừng tê giác, tổng cộng có 121,5kg sừng bị thu giữ.
Mặc dù chưa có bằng chứng y tế nào chứng minh công dụng của sừng tê giác với bệnh ung thư nhưng người dân vẫn không tiếc tiền đổ xô tìm mua cho bằng được vì những đồn thổi về công dụng của nó.
Giải pháp tiêm thuốc độc vào sừng tê giác
Để làm giảm giá trị của sừng tê giác, từ năm 2010, tiến sĩ Lorinda và bác sĩ Charles Van Niekerk cùng một số thành viên đã sáng lập ra Dự án Giải cứu tê giác. Chương trình của dự án tập trung chính vào việc làm giảm giá trị của sừng tê giác trên khía cạnh thương mại. Tiến sĩ Lorinda và tổ chức cứu hộ tê giác thực hiện giải pháp này bằng cách tiêm vào sừng tê giác một loại độc tố. Chất này gây nguy hiểm cho người nhưng an toàn cho động vật, đồng thời cũng tăng cường các biện pháp an ninh bảo vệ chúng như gắn vi mạch theo dõi, lấy và lưu giữ mẫu DNA.
Theo Tiến sĩ Lorinda, Dự án Giải cứu tê giác được thành lập năm 2010. Đây là tổ chức đầu tiên tiến hành tiêm chất độc vào sừng tê giác, cũng là nhóm tiên phong trong việc sử dụng công nghệ này ở châu Phi. Nhiệm vụ của dự án là cung cấp chiến lược phòng vệ hiệu quả với chi phí hợp lý để bảo vệ tê giác khỏi việc săn bắt trộm ở Nam Phi cũng như những nơi khác.
Bác sĩ Charles Van Niekerk, cho biết: “Chúng tôi sẽ gây mê tê giác, sau đó tiêm một hợp chất gồm ectoparasiticides và thuốc nhuộm không phai màu để làm nhiễm độc và làm bẩn sừng khiến nó không còn hữu dụng cho việc chữa bệnh cũng như trang trí nữa”.
Theo Tiến sĩ Lorinda thì sừng tê giác giống như móng tay con người vẫn cứ mọc dài ra. Sau khi chất độc tác động đến sừng tê giác sẽ duy trì hiệu quả trong khoảng 3 - 4 năm. Đây là một chu kỳ phát triển đầy đủ của sừng. Sau đó, quá trình này được lặp lại. Việc tiêm độc vào sừng không gây tác dụng phụ đối với sức khỏe và những hoạt động hàng ngày của tê giác. Việc lựa chọn acaricides để đưa vào hợp chất tiêm được nghiên cứu rất cẩn thận và chỉ những sản phẩm thân thiện với động vật mới được sử dụng. Nếu có chút nguy cơ nào trong quá trình này, nó cũng chỉ dừng lại ở việc những loài thú lớn hơn tê giác bị rơi vào trạng thái bất động. Hơn thế, vì tất cả những sản phẩm được sử dụng đều tự phân hủy sinh học và thân thiện môi trường nên không có những ảnh hưởng đến môi trường.
Tiến sĩ Lorinda bắt đầu quan tâm đến khủng hoảng trong việc săn bắn trộm tê giác sau tai nạn săn bắn trộm xảy ra với tài sản của gia đình cô tại Nam Phi năm 2010. Lớn lên cùng với tê giác, mất mát này gây chấn động mạnh đến Lorinda, thôi thúc cô tìm giải pháp chống lại nạn săn bắt trộm. Cô quyết định hợp tác với bác sĩ Charles Van Niekerk, người đã tiến hành nghiên cứu việc tiêm thuốc vào sừng tê giác từ năm 2011. Hiện nay, Lorinda làm việc toàn thời gian cho Dự án Giải cứu tê giác. Lorinda có bằng thạc sĩ Quản lý chiến lược của Đại học Pretoria và học vị nghiên cứu tiến sĩ trong cùng lĩnh vực. Cô vẫn tham gia giảng dạy bán thời gian ở Đại học Pretoria chuyên ngành Khả năng kinh tế.
TÂM TRANG