Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa Óc Eo
(BDO) Ngày 30-9, tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nền văn hóa Óc Eo - những cung bậc lịch sử và định hình ngày truyền thống văn hóa Óc Eo Nam Bộ”.
PGS.TS Đặng Văn Thắng, Ủy viên Hội đồng giám định cổ vật Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội thảo.
Sự kiện thu hút khoảng 100 học giả, nhà quản lý, nhà khoa học tham dự và đóng góp ý kiến.
Di tích văn hóa Óc Eo được phát hiện và khai quật khảo cổ lần đầu tiên vào ngày 10/2/1944 tại cánh đồng Óc Eo, nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Từ đó đến nay, nhiều địa phương ở Nam Bộ, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long đã liên tục khám phá, phát hiện nhiều di tích, di chỉ có giá trị mới thuộc nền văn hóa Óc Eo. Tiêu biểu, quan trọng nhất là Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê ở An Giang với tổng diện tích quy hoạch bảo tồn khoảng 433,1 ha, trong đó, diện tích khu vực sườn và chân núi Ba Thê là gần 144 ha, cánh đồng Óc Eo trên 289 ha.
Ông Nguyễn Hữu Giềng, Giám đốc Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo cho biết, Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Cũng trong năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định phê duyệt thực hiện xây dựng hồ sơ Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Đến nay, hồ sơ này đã hoàn thành giai đoạn 1. Tỉnh đang khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục, sẵn sàng tổ chức đấu thầu rộng rãi, lựa chọn nhà thầu lập hồ sơ, trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. An Giang phấn đấu hoàn thành toàn bộ hồ sơ và trình UNESCO vào năm 2026.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu cho biết: Những năm gần đây, bên cạnh các loại hình du lịch tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng thì du lịch tìm hiểu văn hóa, khảo cổ ngày càng thu hút du khách, nhất là du khách nước. Di tích khảo cổ Óc Eo An Giang đang trở thành điểm đến hấp dẫn với những người yêu thích lịch sử và khảo cổ học. Năm 2023, Óc Eo đón hơn 27.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu.
Ông cho rằng các sở, ngành và huyện Thoại Sơn cần nhanh chóng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, cải thiện và mở rộng các tuyến đường bộ, đường thủy; đồng thời tổ chức các tour du lịch khảo cổ chuyên đề, kết hợp tham quan di tích văn hóa Óc Eo với trải nghiệm văn hóa địa phương.
Tại hội thảo, các đại biểu thông tin kết quả nghiên cứu mới về văn hóa Óc Eo để bổ sung, làm rõ thêm tính toàn vẹn, xác thực và giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê. Đồng thời thảo luận việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, biến di tích, di vật văn hóa Óc Eo thành sản phẩm du lịch, thu hút khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới.
Các đại biểu đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định chọn ngày 10/2 (ngày Louis Malleret thực hiện cuộc khai quật khảo cổ học đầu tiên tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê) làm Ngày truyền thống văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ.
Theo TTXVN