Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nghề sơn mài ở Bình Dương

Thứ sáu, ngày 06/12/2024

(BDO) Trong dòng chảy thời gian, sản phẩm sơn mài ở Bình Dương cũng bị ảnh hưởng trước sự cạnh tranh của nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác trên thị trường. Dù không còn phát triển mạnh như thời cực thịnh, song những sản phẩm của nghề truyền thống này đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và vẫn được khách hàng đón nhận. Làm gì để bảo tồn, phát huy giá trị của nghề truyền thống này vẫn luôn là điều mà các nghệ nhân làm nghề, chính quyền địa phương hết sức quan tâm.


Thế hệ trẻ vẫn nặng lòng với nghề sơn mài nhằm bảo tồn, phát huy giá trị

Bảo tồn nghề truyền thống

Quá trình hình thành nghề làm sơn mài Bình Dương, hay cụ thể hơn là nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một) gắn liền với quá trình hình thành các cộng đồng cư dân trên vùng đất này. Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp cũng là một trong những nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của tỉnh, được kế thừa và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Cùng với thời gian, từ “chiếc nôi” Tương Bình Hiệp, nghề sơn mài được lan tỏa đến nhiều địa phương khác trong tỉnh. Trải qua bao thăng trầm, thử thách, các thế hệ làm sơn mài trên đất Bình Dương đã bỏ ra biết bao công sức để từng bước hoàn thiện, giữ gìn những kỹ thuật làm sơn mài, để tạo nên một giá trị lịch sử làng nghề, một thương hiệu sơn mài của Bình Dương và sau này là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

So với sơn mài truyền thống ban đầu, sản phẩm sơn mài sau này đã từng bước được các nghệ nhân sáng tạo, kết hợp với nước sơn, chất liệu mới để tạo ra những sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu phong phú của thị trường. Bên cạnh sản xuất sơn mài hiện đại, một số cơ sở, doanh nghiệp ở phường Tương Bình Hiệp vẫn duy trì làm sơn mài truyền thống hoặc kết hợp sơn mài truyền thống với máy móc kỹ thuật mới để tăng năng suất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường.

Trao đổi với P.V, Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội sơn mài Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn (Công ty sơn mài Tư Bốn), cho biết gắn bó với nghề sơn mài khoảng 40 năm qua, bản thân ông đã chứng kiến bao thăng trầm của nghề sơn mài Bình Dương. “Sản phẩm sơn mài không thuộc ngành hàng thiết yếu, khi điều kiện kinh tế khá giả người ta mới chơi. Vì thế, mình có đơn hàng để làm, để duy trì nghề là mừng rồi. Mong sao nghề truyền thống này sẽ được giữ gìn, phát triển để vừa tạo kinh tế cho các gia đình, công ty, vừa góp phần gìn giữ truyền thống, nét văn hóa xưa để thấy được Bình Dương có nghề sơn mài độc đáo, khác với các nơi khác” .

“Bảo tàng sơn mài” đón khách

Cơ sở sản xuất của Công ty TNHH MTV sơn mài Định Hòa ở phường Tương Bình Hiệp nhiều năm qua đã trở thành nơi tham quan, trải nghiệm làm sơn mài cho nhiều đoàn khách tham quan. Ngoài đối tượng học sinh, sinh viên, nơi đây cũng đã chào đón rất nhiều đoàn khách du lịch, khách quốc tế mỗi khi có dịp đến Bình Dương.


Những đoàn khách là học sinh, sinh viên đến tham quan, trải nghiệm làm sơn mài tại Cơ sở sơn mài Định Hòa

Nghệ nhân ưu tú Trương Quan Tịnh, chủ cơ sở dành ra một phòng riêng để trưng bày những bức tranh, sản phẩm sơn mài truyền thống có giá trị cao do ông sưu tập được từ các họa sĩ, nghệ nhân nổi tiếng của Bình Dương từ trước năm 1975 đến nay. Đây được xem là “bảo tàng sơn mài” để các nghệ nhân, những người yêu thích sơn mài truyền thống thường xuyên lui tới cùng trao đổi, nghiên cứu, tìm hiểu.

Phát huy giá trị

Trước sự cạnh tranh của thị trường đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm sơn mài bây giờ không được sử dụng phổ biến như thời kỳ đỉnh điểm. Các cơ sở sản xuất sơn mài, những người thợ gắn bó với nghề từ đó cũng giảm đi đáng kể. Làm gì để làng nghề sơn mài phát triển, phát huy giá trị, tạo được công ăn việc làm cho người làm nghề là điều mà những người trong nghề cũng như chính quyền địa phương đang hết sức quan tâm.

Trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển các ngành nghề nông thôn ở địa phương, trong đó có nghề sơn mài. Năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã triển khai thực hiện dự án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống tỉnh Bình Dương”. Đặc biệt, năm 2016, nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự của người dân làng nghề Tương Bình Hiệp nói riêng, của TP.Thủ Dầu Một và tỉnh Bình Dương nói chung.

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp, năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một” và giao cho UBND TP.Thủ Dầu Một triển khai thực hiện. Đề án hướng đến mục tiêu xây dựng tổng thể làng nghề, quy hoạch và xây dựng khu sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp sơn mài để bảo đảm về vấn đề môi trường, xây dựng nơi trưng bày sản phẩm chung cho làng nghề; đồng thời kết hợp xây dựng các tour du lịch tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến du khách trong và ngoài nước; tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi truyền nghề, dạy nghề cho thế hệ trẻ.

Đến nay, đề án đã thông qua quy hoạch 1/500 và sẽ triển khai các bước tiếp theo trong thời gian tới. Theo những người gắn bó với nghề sơn mài ở Bình Dương, đề án được triển khai thì ai cũng phấn khởi khi nghĩ đến tương lai tươi sáng hơn của làng nghề đã có hơn trăm năm tồn tại, phát triển trên vùng đất này. “Anh em trong nghề chúng tôi mong muốn đề án sẽ được hoàn thành sớm để có nơi trưng bày sản phẩm, vừa quảng bá du lịch, vừa bảo tồn, gìn giữ những giá trị truyền thống và phát huy di sản văn hóa của tỉnh nhà”, ông Lê Bá Linh bày tỏ.

Ngoài sự quan tâm của chính quyền các cấp, các nghệ nhân làng nghề sơn mài cũng luôn trăn trở, tìm cách để duy trì, giữ gìn, phát triển nghề truyền thống này. Điều đó không chỉ thể hiện qua việc người đi trước truyền nghề cho thế hệ sau, tìm đầu ra để tiêu thụ sản phẩm, mà còn thể hiện thông qua những hoạt động kết nối du lịch để quảng bá nghề truyền thống địa phương, sản phẩm của làng nghề đến với mọi người.

Với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, cùng sự đồng lòng trong việc gìn giữ nghề truyền thống địa phương của các nghệ nhân, người làm nghề tâm huyết, hy vọng làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp sẽ sớm được triển khai xây dựng hoàn thành để di sản văn hóa đặc trưng của Bình Dương sẽ tiếp tục được bảo tồn, phát huy, phát triển hơn trong thời gian tới.

Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh, đỉnh cao của nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp là vào thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, với hơn 90% hộ gia đình tại địa phương tham gia làm nghề. Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp được bán rộng rãi tại các nước Đông Nam Á, thậm chí đến tận châu Âu.

Nhiều năm trở lại đây, nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Rất nhiều hộ gia đình sản xuất sơn mài làm ăn nhỏ, lẻ không đủ sức cạnh trên thị trường đành phải bỏ nghề. Một số cơ sở sản xuất lớn cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, có những cơ sở, công ty sản xuất sơn mài do thích ứng được với thị trường nhanh, mạnh dạn đầu tư và năng động trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nên vẫn hoạt động có hiệu quả.

HỒNG THUẬN