Bảo tàng tỉnh: Nhiều hoạt động bảo tồn di tích và văn hóa phi vật thể
(BDO) Bảo tồn di tích và văn hóa phi vật thể là một trong những hoạt động chuyên môn quan trọng của Bảo tàng tỉnh nhằm góp phần tăng cường thực hiện công tác gìn giữ và bảo vệ hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh...
Khách tham quan một hoạt động triển lãm tại Bảo tàng tỉnh
Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết năm 2020 là năm sẽ diễn ra các sự kiện chính trị và các ngày lễ lớn của đất nước. Do đó, Bảo tàng tỉnh đã xây dựng chương trình kế hoạch công tác với nhiều hoạt động ý nghĩa và quy mô, trong đó hoạt động bảo tồn di tích và văn hóa phi vật thể đóng vai trò chủ lực. Một trong những hoạt động nổi bật của công tác bảo tồn di tích và văn hóa phi vật thể phải kể đến công tác tổ chức tổng kết 2 đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” và “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020”. Qua đó, ngành sẽ đánh giá kết quả tổ chức triển khai thực hiện đề án trong thời gian qua, đồng thời tham mưu xây dựng nội dung đề án thực hiện đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh triển khai tổ chức hội thảo khoa học “Bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Theo ông Lê Văn Phước, hội thảo được tổ chức nhằm tiếp tục khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của các di tích quốc gia; đánh giá khách quan, khoa học thực trạng công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di tích quốc gia trong những năm qua, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy hiệu quả nhất giá trị của di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh, góp phần vào công tác giáo dục truyền thống, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch tại địa phương. Cùng với đó, để tăng cường công tác quản lý di tích, ngăn chặn các hoạt động xâm hại, lấn chiếm đất di tích, Bảo tàng tỉnh tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện thủ tục đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc lập thủ tục sở hữu đất đai đối với các di tích đã được xếp hạng, công nhận trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 60 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 13 di tích quốc gia, 47 di tích cấp tỉnh. |
Đối với công tác bảo tồn di tích, Bảo tàng tỉnh đang phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin TX.Tân Uyên, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bàu Bàng triển khai thực hiện công tác lập hồ sơ khoa học để đề nghị UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng 2 di tích cấp tỉnh đối với di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ Dương Văn Hổ (xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên) và di tích lịch sử Chiến thắng Bót Cây Trường (xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng). Ông Phước cho biết thêm, sau khi các di tích này được xếp hạng sẽ góp phần làm phong phú cho nguồn sử liệu về lịch sử hình thành, phát triển vùng đất và con người Bình Dương, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan, học tập của công chúng; đồng thời góp phần vào việc hoạch định các chính sách đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị của di tích trong những năm tới.
Hoạt động bảo quản, tu bổ di tích luôn được Bảo tàng tỉnh quan tâm chú trọng và duy trì thực hiện thường xuyên, nhằm bảo quản, chống xuống cấp cho các di tích. Trong năm nay, Bảo tàng tỉnh thực hiện công tác tu bổ di tích quốc gia Nhà cổ Trần Văn Hổ; thực hiện đánh bóng cấu kiện gỗ di tích Nhà cổ Trần Công Vàng...
Trong công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, Bảo tàng tỉnh đẩy mạnh công tác lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa 3 loại hình di sản phi vật thể vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là các di sản: Nghề gốm ở Bình Dương, Võ thuật Tân Khánh - Bà Trà, Lễ hội Kỳ yên đình Tân An. Đây được xem là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm vinh danh các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, những hoạt động nổi bật trong công tác bảo tồn di tích và văn hóa phi vật thể của Bảo tàng tỉnh là điểm nhấn quan trọng trong chương trình công tác chung của ngành, đồng thời góp phần bảo vệ và phát huy giá trị của hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
H.THUẬN - T.MẾN