Báo Sông Bé – Báo Bình Dương: Những trang vàng hào hùng
Bài 2: Số báo Phú Lợi cuối cùng đẫm máu!
> Bài 1: Những cánh hoa bất tử
Phải luôn đối mặt cái đói vàng mắt, cơn bệnh sốt rét cấp tính ở những khu rừng già đang ngày đêm chực chờ cướp đi sinh mạng, nhất là những đợt tấn công, càn quét theo kiểu hủy diệt của kẻ thù, nhưng những người làm báo đất Thủ vẫn kiên trung bám giữ trận địa tuyên truyền. Báo Phú Lợi sau khi để lại bản hùng ca khó phai trong ngày ra số cuối cùng, đã được tiếp nối bằng tờ Tin Tức, duy trì cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.
Tên tờ báo Phú Lợi - tiền thân báo Sông Bé - ra đời nhằm tưởng niệm vụ thảm sát tù nhân chính trị nhà tù Phú Lợi. Trong ảnh: Tranh vẽ minh họa vụ thảm sát tại Nhà tù Phú Lợi vào ngày 1-12-1958. (Ảnh: LONG VĨNH)
Thứ đáng sợ hơn kẻ thù
Đã xế trưa, mặt trời đứng bóng rọi thẳng tia nắng xuống dàn cây xanh trong vườn, nhưng chúng tôi và ông Mười Nghĩa (Hà Minh Nghĩa, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Phân khu 5 từ năm 1968-1975) vẫn tiếp tục câu chuyện về những tháng năm hào hùng không phai của báo chí Bình Dương - Sông Bé - Thủ Dầu Một. Ông Nghĩa hỏi chúng tôi, thời chiến tranh ở trong rừng mình sợ gì nhất? Hỏi xong, ông liền giải đáp: “Không sợ biệt kích, bom đạn của kẻ thù mà chỉ sợ thiếu lương thực, chính xác là sợ không còn chỗ dựa là cơ sở, nhân dân”. Ông Nghĩa thuật lại, có những thời điểm, khi địch bao vây phong tỏa, không thể nhận được tiếp tế lương thực, thực phẩm. Đói quá nên anh em báo chí, thông tấn, điện ảnh… của Phân khu 5, trong đó có các đồng chí ở báo Phú Lợi đi đào củ chụp, củ mài, hái rau tàu bay, lá bướm để nấu lên ăn. Tuy nhiên, do không còn muối ăn nên dùng như thế được một hai hôm, thì không thể nào nuốt trôi. Bị bao vây chừng 15 ngày, thì anh em hầu như không thể đi nổi do thiếu muối, gây bệnh thủng. Anh em mới bàn nhau cố gắng tranh thủ tìm cách đốt cỏ tranh gạn tro lấy nước mặn thay muối. Cách này cũng chỉ dùng cho qua ngày được một hai hôm, rồi phải cắt đường máu, tìm về dân, đến cơ sở để tải muối, lương thực.
Ông Mười Nghĩa xúc động cho biết, trong những lúc thắt ngặt như vậy mới thấy hết cái tình của anh em báo chí, thông tấn. Một cậu phóng viên báo Phú Lợi đã tình nguyện xin nhường khẩu phần của mình cho thủ trưởng bồi dưỡng để mau hồi phục sau trận sốt rét, nhưng tôi làm sao mà nhận cho đành. Anh em ngoài vai trò là chiến sĩ, sẵn sàng chống càn, bảo vệ căn cứ, bảo vệ tài liệu, phương tiện in ấn thì còn là tay viết, cần phải có sự đáp ứng về năng lượng dinh dưỡng để tư duy”.
Vượt qua được kẻ thù đáng sợ nhất là cái đói, cơn bệnh oặt người hành hạ, người chiến sĩ- phóng viên lại phải đối mặt với những mất mát đôi khi thật thảm khốc.
Trong cuộc trò chuyện mới đây với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Quang, nguyên phóng viên báo Phú Lợi, nguyên Tổng Biên tập báo Sông Bé, kể lại: “Vẫn biết chiến tranh là khốc liệt, mất mát, nhưng tôi không bao giờ quên được thời khắc mà toàn đội điện ảnh của Ban Tuyên huấn Phân khu 5 bị xóa sổ. Tôi vẫn còn nhớ như in đó là ngày 12- 12-1970. Loạt bom B52 rải thảm rơi trúng hầm trú ẩn đã cướp đi 6 người bạn thân thiết, ngay trước mắt tôi - lúc đó ở hầm gần đấy. Tôi may mắn sống được đến giờ, chứ không đó đã là ngày giỗ của tôi, cũng giống như các đồng đội năm xưa đã vĩnh viễn nằm xuống tại khu vực cầu Cháy, Sở Cao su Phước Hòa”.
Ông Hà Minh Nghĩa (phải) đang trả lời phỏng vấn của PV Báo Bình Dương
Tờ báo xuân Phú Lợi cuối cùng đẫm máu
Ông Nguyễn Xuân Vinh, nguyên Tổng Biên tập báo Sông Bé - Bình Dương (từ năm 1986-2003) tiếp nối câu chuyện: “Tôi biết đến báo Phú Lợi khi thoát ly vào hoạt động cách mạng trong rừng (tháng 5-1968), công tác tại Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Thủ Dầu Một lúc đó đặt tại Rẫy Gạch (chiến khu Đ). Không chỉ là người đọc báo Phú Lợi do giao liên mang đến, mà một năm sau, tôi có dịp công tác chung khi về nhận nhiệm vụ tại tổ thông tấn (do ông Tư Bạch làm tổ trưởng), thuộc Ban Tuyên huấn Phân khu 5. Lúc này tôi biết tổ làm báo Phú Lợi gồm 4 người là ông Năm Tùng, ông Sáu Giò, ông Hai Quang (Nguyễn Xuân Quang) và cô Quế Anh. Dù ít người, nhưng tổ báo vẫn hoàn thành nhiệm vụ xuất bản tờ báo Phú Lợi, với nội dung vận động quần chúng đấu tranh binh vận, địch vận, nhất là phổ biến chủ trương chính sách của Trung ương, của Tỉnh ủy để các đoàn thể biết mà triển khai thực hiện. Tôi nhớ tờ báo Phú Lợi lúc đó in chữ chì trên giấy khổ A3, được cơ sở, quần chúng và các đoàn thể đón nhận rất nồng nhiệt. Một điểm cần lưu ý là trong thời gian những năm 1969-1970, lúc đó ở chiến trường miền Đông, gần như chỉ có tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa là còn duy trì được tờ báo của Đảng. Vì thế, sự tồn tại của tờ báo đã là một sự kỳ diệu và những người làm ra tờ báo thời kỳ đó càng hết sức đáng trân trọng”.
Ông Nguyễn Xuân Quang nhớ lại: “Trong thời khắc ngặt nghèo, đói khổ, địch càn quét, chà xát ném bom liên tục, nhưng với trọng trách được giao phó, tổ báo phải hoàn thành trách nhiệm xuất bản tờ báo xuân Phú Lợi dày 12 trang. Và đây cũng là tờ báo Phú Lợi cuối cùng được xuất bản. Sau khi công tác in ấn được hoàn thành, do thiếu người nên Ban Tuyên huấn đã huy động nhà in, đoàn văn công, tham gia công tác phát hành, mang đến giao tại các trạm giao bưu, đưa đến cơ sở. Các cô Rết, Xuân, Vân và anh Triên được huy động để tải 3 bao chứa khoảng 1.000 tờ báo xuân Phú Lợi đi giao. Lúc đó là khoảng 14 tháng chạp năm 1969, tức tháng 1-1970, khi nhóm phát hành vừa mang báo rời nhà in một đoạn không xa, đến đồng cỏ tranh, thì các cô bị máy bay trực thăng của Mỹ và ngụy phát hiện, ập đến. Chúng dùng rốc kết, súng phun lửa đốt đồng cỏ, giết chết cả 3 cô gái trong sự tiếc thương, căm thù của đồng đội.
Kiên cường bám trụ trận địa tuyên truyền
“Phải chờ đến khi địch rút hẳn, cơ quan mới có thể cho người ra lấy xác đồng đội hy sinh về chôn cất”, ông Quang nói trong giọng trầm lắng vì xúc động. “Nói đây là tờ báo Phú Lợi cuối cùng được xuất bản, bởi sau đó địch phát hiện ra bộ não tuyên truyền của Tỉnh đảng bộ Thủ Dầu Một nằm ở khu vực suối Đá Chét (chiến khu Đ) nên đã tăng cường lực lượng, khí tài quân sự vào càn quét để quét sạch vùng này. Căm thù trước sự hy sinh của 3 đồng đội trong tuổi thanh xuân đã trở thành động lực, giúp bộ đội cùng với các chiến sĩ bảo vệ Ban Tuyên huấn, phóng viên chắc tay súng kiên cường chống trả, đánh chặn làm tiêu hao khá nhiều sinh lực địch trước khi rút đi an toàn đến nơi khác”.
Sau sự kiện bi hùng này, báo Phú Lợi ngưng xuất bản. Tổ làm báo sau đó di chuyển về căn cứ tại suối Đá Bàn (xã Đất Cuốc, Tân Uyên) chuẩn bị các điều kiện để ra ấn phẩm thay thế tờ Phú Lợi. Tuy nhiên, do phương tiện quá thô sơ, dùng gỗ cây lồng mức để khắc măng-sét (mang tên Tin Tức), còn lại phải viết tay trên giấy dầu, khổ A4, với 1 tờ duy nhất dùng kín cả 2 mặt, nên tổ làm báo chỉ có thể xuất bản tờ tin. Nội dung của tờ Tin Tức theo ông Quang là kịp thời chuyển tải những thông tin chiến sự, động viên tinh thần chiến đấu của quân ta, đồng thời vận động quần chúng tiến hành địch vận, binh vận…
Điều đặc biệt là tờ tin này khá cơ động, gọn nhẹ, có thể được xuất bản theo chỉ thị của Tỉnh ủy ngay sau đợt hành quân, ít bị chi phối bởi điều kiện in ấn, máy móc kỹ thuật như trước kia nên ấn phẩm đặc biệt này vì thế mà tồn tại cho đến tận ngày đất nước toàn thắng, non sông thu về một mối, 30-4-1975 lịch sử.
Bài 3: Những đỉnh cao chói lọi
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, những người làm báo Thủ Dầu Một bước vào mặt trận mới cũng cam go không kém thời chiến. Làm thế nào để báo Sông Bé vươn lên trở thành một trong 4 tờ báo Tỉnh đảng bộ có lượng phát hành lớn nhất nước. Báo Bình Dương đã tiến lên nhật báo như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi tiếp bài 3: Báo Sông Bé - Bình Dương: Những đỉnh cao chói lọi.
CHÍ THANH - HUY BÌNH