Bão số 5 gây mưa rất to tại Trung Bộ, các địa phương sẵn sàng ứng phó

Thứ sáu, ngày 10/09/2021

(BDO)

Bản đồ đường đi của bão số 5. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung Trung Bộ cùng với gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh kết hợp với hoàn lưu cơn bão số 5 (tên quốc tế là bão Côn Sơn), từ ngày 11-14/9, Trung Bộ sẽ có mưa rất to.

Cụ thể, từ ngày 11-13/9, khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to. Lượng mưa từ Quảng Trị đến Đà Nẵng phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt; Quảng Nam-Quảng Ngãi phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt.

Từ ngày 12-14/9, các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, riêng Hà Tĩnh và Quảng Bình có nơi trên 250mm/đợt.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên ngày và đêm 10/9, khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ có mưa rào và dông, tập trung vào chiều, tối, cục bộ có mưa to với lượng mưa 30-50mm/24h, có nơi trên 70mm/24h; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá cấp 1.

Theo phóng viên TTXVN tại địa phương, các tỉnh miền Trung đã kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn cũng như thực hiện các phương án ứng phó với bão số 5.

Tại Quảng Bình, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã và thành phố tiếp tục rà soát các địa điểm, khu vực sơ tán dân ở khu vực thấp, trũng, ven biển, cửa sông, nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; khẩn trương tiêu độc khử trùng các khu vực, địa điểm sơ tán đảm bảo an toàn cho nhân dân khi bão, lũ xảy ra đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Từng xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố ở Quảng Bình thiết lập, công khai số điện thoại để tiếp nhận thông tin, kịp thời triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất; nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan và nhân dân khẩn trương tổ chức chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế…; cắt tỉa cây, chống cây tránh ngã đổ và khơi thông cống rãnh chống thiệt hại do mưa lũ.

Tại Quảng Trị, các ban, ngành và địa phương sẵn sàng phương án sơ tán dân đảm bảo quy định về phòng, chống dịch COVID-19, nhất là ở các điểm sơ tán, khu cách ly tập trung; theo dõi kiểm điểm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão; đảo an toàn cho các công trình, nhà cửa; kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du.

Các địa phương cũng đang vận động nông dân khẩn trương thu hoạch khoảng hơn 4.000ha lúa Hè Thu còn lại, cùng với hoa màu tránh để thiệt hại do mưa lũ.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ sơ tán dân an toàn trong thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo phòng, chống dịch tại các điểm sơ tán, khu cách ly.

Tỉnh yêu cầu tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi; tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ an toàn.

Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên-Huế có phương án đảm bảo an toàn cho các tàu hàng hải neo đậu tránh va, trôi…

Ủy ban Nhân dân các quận, huyện ở Đà Nẵng dựa theo tình hình cụ thể, tạo điều kiện cho người dân di chuyển an toàn để sửa chữa, kiên cố nhà cửa chống bão.

Dự phòng trường hợp nếu bão đổ bộ thành phố, trước đó ít nhất 6 tiếng, các quận, huyện phải tháo dỡ các khung lều bạt tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19, cất thiết bị máy móc và cho nhân viên trực chốt kiểm soát dịch nghỉ.

Nếu bão không vào trực tiếp nhưng bị ảnh hưởng, các địa phương vẫn phải có biện pháp gia cố các chốt để đảm bảo an toàn cho nhân viên./.

Theo TTXVN

Từ khóa: