Bão số 13 sắp đổ bộ vào đất liền
Áp thấp nhiệt đới được dự báo sẽ mạnh lên thành bão và đổ bộ vào đất liền ngay trong đêm nay. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đang khẩn cấp thực hiện các biện pháp phòng chống bão.
Bão sẽ đi qua địa phận Bình Dương?
Thông tin cập nhật từ Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cho thấy lúc 7 giờ sáng nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm ở vào khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc, 111,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Tây bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (56 km/h). Dự kiến khoảng 19 giờ đêm nay, bão sẽ đổ bộ vào đất liền với tâm bão ở vị trí khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc, 108,7 độ Kinh Đông, tại Bình Thuận, sức gió tâm áp thấp nâng lên cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.
Cũng theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, từ 19 giờ đêm nay đến 7 giờ sáng ngày 7-11, bão sẽ đi qua một loạt các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Tây Ninh và Long An. Đến 7 giờ sáng ngày 7-11, tâm bão sẽ đi qua địa phận tỉnh Đồng Tháp trước khi sang Campuchia và sang Vịnh Thái Lan.
Như vậy, khả năng Bình Dương nằm trên đường đi của bão đã hiển hiện. Nếu trong vài giờ tới không có gì thay đổi, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão và gây nên những hậu quả khôn lường về tính mạng và tài sản của người dân. Tuy theo dự báo tâm bão chỉ đi qua Tp.HCM và các huyện, thị xã, thành phố ở phía Nam của tỉnh nhưng đây lại là các địa phương có địa hình thấp, nằm kẹp giữa lưu vực 2 con sông Sài Gòn và Sông Đồng Nai. Hơn nữa, vùng ảnh hưởng của bão lên đến hàng trăm km. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, bão sẽ gây mưa cục bộ với lượng mưa rất lớn, lên đến 500-600 mm. Cộng với triều cường đang lên cao, nhiều khả năng bão sẽ gây lũ lụt lớn tại các vùng phía Nam của tỉnh.
Chạy đua với thời gian
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong cuộc họp trực tuyến chiều qua, các địa phương phải nỗ lực hoàn thành công tác chuẩn bị đón bão trước 13 giờ chiều nay. Tuy nhiên, ngay trong thời gian diễn ra cuộc họp kể trên, Bình Dương đã ban hành công văn hỏa tốc Chỉ thị số 15 của UBND tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố. Căn cứ vào công văn này, các địa phương đã phổ biến xuống tận các xã phường.
Sáng nay, chúng tôi tháp tùng đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống lụt bão tỉnh xuống tận các địa phương xung yếu trên địa bàn.
Tại Thuận An, đoàn đã kiểm tra hệ thống đê bao Vĩnh Phú và Bình Nhâm, được cho là 2 vị trí nguy hiểm nhất của toàn tuyến đê bao trên sông Sài Gòn. Tại đây, theo đánh giá của đoàn kiểm tra, địa phương đang làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó sự cố, kịp thời gia cố đê bao liên tục đôn đốc nhân dân sẵn sàng khắc phục hậu quả của bão.
Tại TP.Thủ Dầu Một đoàn đã kiểm tra tại đoạn đê bao thuộc xã Chánh Mỹ. Ở đây, ghi nhận một số vị trí bị xuống cấp nên Ban phòng chống lụt bão địa phương đã nhanh chóng đóng thêm cừ tràm gia cố. Lực lượng tại chỗ cho biết trước 13 giờ chiều nay, các vị trí đê bao xung yếu của Chánh Mỹ sẽ được sửa sang, gia cố hoàn thiện.
Tại Huyện Tân Uyên cũng đã tích cực, khẩn cấp triển khai công tác phòng chống lụt bão từ chiều qua. Ngay sau khi nhận được công văn hỏa tốc của UBND tỉnh, Ban phòng chống lụt bão Tân Uyên đã triển khai bằng điện khẩn xuống 22 xã, thị trấn. Qua đó, các lực lượng đã triển khai trực ban 24/24 và 4 tại chỗ. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, bà Bùi Thị Lý, phó Ban phòng chống lụt bão Tân Uyên cho biết: “Chúng tôi đã triển khai mọi biện pháp phòng chống, ứng phó với bão cho các lực lượng và nhân dân. Từ sáng nay đài truyền thanh huyện liên tục phát thanh cập nhật tình hình cơn bão cho người dân nắm thông tin”.
Thông tin từ Bến Cát cho biết, hiện nay mọi biện pháp phòng chống lụt bão đã được triển khai nhanh chóng và chặt chẽ. Các biện pháp thông tin tuyên truyền cho người dân được gấp rút hoàn thành. Qua đợt lũ lụt tại Mỹ Phước vừa qua, huyện Bến Cát đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý giá để ứng phó đợt bão lũ lần này. Điều quan tâm lo lắng của người dân về việc chứa nước của hai hồ Từ Vân 1 và Từ Vân 2 được giải đáp thắc mắc khi Công ty Cấp thoát nước – môi trường Bình Dương khẳng định đã xả bớt nước còn 42% dung lượng hồ chứa từ rạng sáng nay. Hồ còn có khả năng tích thêm 58% lượng nước nếu xảy ra tình trạng mưa lớn kéo dài.
Như vậy, toàn tỉnh đã và đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để ứng phó khẩn cấp cơn bão số 13 nếu cơn bão này đổ bộ Bình Dương đúng theo dự đoán.
KHÁNH VINH – CAO SƠN