Báo Nam Phi: Việt Nam với cơ hội, sự ngưỡng mộ và đánh giá cao

Thứ tư, ngày 07/04/2021

(BDO)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ngày 6/4, chuyên trang về đối ngoại The Diplomatic Society đăng bài của nhà sáng lập và Tổng biên tập Kirtan Bhana về cơ hội, sự ngưỡng mộ và sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các lãnh đạo chủ chốt mới được bầu của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Theo tác giả bài báo, các nhà lãnh đạo thế giới, người đứng đầu các tổ chức quốc tế và các cơ quan khu vực đã chúc mừng các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam mới được bầu gần đây. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chính thức đảm nhận các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Việt Nam có cơ cấu lãnh đạo tập thể gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội với vai trò quan trọng của Bộ Chính trị hiện gồm 18 thành viên. Thủ tướng Phạm Minh Chính đang nắm giữ ảnh hưởng quan trọng đối với nguồn vốn của các dự án và thực thi các chính sách cụ thể.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ Việt Nam sẽ "tập trung các biện pháp để hoàn thiện cơ bản các yếu tố của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xử lý tốt hơn mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội. Những thành tựu phát triển, uy tín được ghi nhận và vị thế ngày càng được nâng cao của Việt Nam trong 5 năm qua đã tạo điều kiện thuận lợi để quốc gia Đông Nam Á này hiện thực hóa tiềm năng."

Việc bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư phản ánh mức độ hiệu quả của công tác chuẩn bị nhân sự, trong đó sàng lọc những người không đủ tiêu chuẩn hoặc không đủ tiêu chuẩn vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cũng như chọn lựa những người có đạo đức, tài năng và uy tín.

Đoàn kết và trách nhiệm là những định hướng lớn về phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2021-2030. Nghị quyết nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo cơ chế thị trường, có chính sách hỗ trợ nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việc cải thiện khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là về quyền sở hữu trí tuệ và các tranh chấp dân sự, sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được tái cử làm Tổng bí thư tại Đại hội XIII, trong khi nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Chủ tịch nước nhằm đảm bảo sự tiếp nối trong các chính sách. Cựu Bộ trưởng Tài chính, cựu Phó Thủ tướng, cựu Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.

Trong khi đó, xuất thân từ lực lượng an ninh và có bằng Tiến sỹ Luật, cũng như kinh nghiệm trong đấu tranh chống tham nhũng, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ là điểm kết nối quan trọng của Việt Nam với thế giới.

Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ lãnh đạo Chính phủ Việt Nam thực hiện các nghị quyết của Đại hội XIII, tập trung vào 5 nhiệm vụ chủ chốt. Thứ nhất, ban hành và thực thi kế hoạch hành động để hiện thực hóa các nghị quyết của Đại hội Đảng XIII. Thứ hai, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước và xã hội. Thứ ba, quản lý, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước. Thứ tư, tập trung kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, cũng như xây dựng cơ chế, chính sách, điều kiện phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng và Chính phủ mới dành ưu tiên đặc biệt về ngoại giao. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, quan hệ quốc tế và ngoại giao sắc sảo của Việt Nam trong nhiệm kỳ 2016-2021 đã góp phần quan trọng vào việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước, cũng như đảm bảo an ninh quốc gia. Ngành ngoại giao đã có những đóng góp quan trọng trong 5 năm qua thông qua sự kết hợp hài hòa giữa ngoại giao Đảng, Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Thời gian gần đây, Việt Nam đã thiết lập thêm quan hệ đối tác toàn diện với 5 nước và nâng cấp quan hệ với 2 nước khác thành đối tác chiến lược, nâng tổng số đối tác chiến lược của Việt Nam lên 17 và đối tác toàn diện lên 13, bao gồm tất cả các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên ASEAN.

Việc ký kết 5 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đưa Việt Nam vào vị trí trung tâm của mạng lưới 16 hiệp định tự do (FTA), giúp thu hút nhiều hơn nguồn lực và đầu tư cho đất nước.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp ở Biển Đông, Việt Nam đã huy động được sự ủng hộ của quốc tế nhằm phản đối các hành vi đơn phương xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như chủ trương giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời duy trì quan hệ ổn định với các nước láng giềng có liên quan.

Trong bài phát biểu trước Đại hội XIII, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gửi lời cảm ơn tới 5,3 triệu kiều bào đã đặt niềm tin vào Đảng và Nhà nước, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước cả về tri thức và nguồn lực kinh tế, với mức kiều hối đạt khoảng 90 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2020.

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định ngành ngoại giao đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế của đất nước, thể hiện qua việc đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018, Hội nghị thường niên lần thứ 26 của châu Á-Diễn đàn Nghị viện Thái Bình Dương năm 2018, hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên năm 2019, cũng như vai trò Chủ tịch ASEAN và AIPA năm 2020 và tư cách thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Chính phủ mới sẽ dành ưu tiên đúng mức đối với việc thực thi những nhiệm vụ trọng tâm về đối ngoại trong nhiệm kỳ tới, bao gồm tăng cường tin cậy chính trị, kết hợp lợi ích với 30 đối tác chiến lược và toàn diện, lấy phát triển làm trọng tâm trong quan hệ, coi châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chiến lược, đồng thời tăng cường quan hệ với các đối tác tiềm năng khác trong khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế, đồng thời nêu bật ý nghĩa của ngoại giao kinh tế đối với sự phát triển quốc gia. Ngoại giao cần chiếm ưu thế trong việc ngăn ngừa và loại bỏ các nguy cơ an ninh thông qua thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và tôn trọng pháp luật./.

Theo TTXVN