Bạo lực học đường vẫn là vấn đề gây nhức nhối xã hội

Thứ tư, ngày 25/05/2022

(BDO) Tình trạng bạo lực học đường hiện nay có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp, trở thành vấn nạn nhức nhối của ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) và toàn xã hội. Đặc biệt, tình trạng này diễn ra ở lứa tuổi còn rất nhỏ, có những trường hợp các em còn đang học cấp THCS. Điều này đã trở thành một hồi chuông đáng báo động.

 Phòng GD-ĐT huyện Bắc Tân Uyên phối hợp với Huyện đoàn tổ chức diễn đàn, các buổi tuyên truyền về xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường

Vẫn còn nhức nhối

Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao khi xuất hiện một đoạn clip một nữ sinh bị đánh hội đồng. Vụ việc xảy ra tại trường THCS Tân Thành (thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên). Theo đó, mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn clip dài khoảng 1 phút ghi lại cảnh một nữ sinh bị vây đánh hội đồng. Một nữ sinh mặc đồng phục đứng yên, mặt nhìn xuống đất bị nhóm nữ sinh khác có khoảng 5 người đứng vây quanh, sau đó có hành vi dùng tay, chân và ghế nhựa đánh vào người nạn nhân. Đoạn clip sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội đã nhanh chóng lan truyền, gây bức xúc trong dư luận.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Anh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bắc Tân Uyên, cho biết phòng đã nắm được thông tin vụ việc học sinh (HS) trường THCS Tân Thành bị bạo lực và đã nhanh chóng yêu cầu Ban Giám hiệu nhà trường báo cáo thông tin cụ thể để có căn cứ xử lý tùy vào từng mức độ của vụ việc trên. Nguyên nhân xuất phát sự việc ban đầu được xác định do mâu thuẫn trong quán nước. Một nữ sinh lấy nước của một người trong nhóm cho bạn uống mà không xin phép dẫn đến việc bị nhóm bạn tấn công, quay clip và đưa lên mạng xã hội Facebook.

Theo báo cáo của trường THCS Tân Thành gửi tới Phòng GD-ĐT huyện Bắc Tân Uyên, nhóm HS tham gia đánh bạn và quay lại clip xảy ra tại thị trấn Tân Thành gồm 5 HS. Sau khi nắm toàn bộ thông tin từ các bên liên quan, Ban Giám hiệu nhà trường đã mời phụ huynh của 5 HS lên để trao đổi và ký tên vào các bảng kiểm điểm của con em mình. Đồng thời, Ban Giám hiệu nhà trường cũng mời phụ huynh của HS bị đánh để trấn an tinh thần và tìm cách giải quyết tốt nhất. Sau khi họp Hội đồng nhà trường, trường THCS Tân Thành đã đưa ra hình thức kỷ luật 5 HS. Trong đó, có 3 HS nhận hình thức kỷ luật là cảnh cáo trước toàn trường, 2 HS còn lại nhận hình thức kỷ luật buộc thôi học trong 1 tuần.

Có thể thấy tuy mức độ vụ việc không nghiêm trọng như những trường hợp đã từng xảy ra ở các tỉnh khác, nhưng cho thấy tình trạng bạo lực học đường vẫn là vấn nạn nhức nhối. Từ vụ việc này, không riêng gì trường THCS Tân Thành mà các trường học khác trong tỉnh cần duy trì và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục HS.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Anh cho biết ngay sau khi xảy vụ việc, Phòng GD-ĐT huyện cũng đã ra văn bản gửi đến hiệu trưởng các trường mầm non, TH, THCS trên địa bàn huyện về việc kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, không gây hoang mang dư luận; qua đó hạn chế đến mức thấp nhất bạo lực học đường, góp phần nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật, chấp hành pháp luật của HS và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Phòng GD-ĐT cũng đã yêu cầu hiệu trưởng các trường thực hiện nghiêm túc và báo cáo kịp thời các tình huống bạo lực học đường (nếu có) về phòng GD-ĐT.

Cũng theo ông Nguyễn Tấn Anh, thời gian qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên đã tích cực, chủ động triển khai các giải pháp để phòng ngừa và đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường. Thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT huyện đã yêu cầu các trường nghiêm túc triển khai thực hiện đầy đủ các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tăng cường các biện pháp nhằm giáo dục đạo đức, nâng cao nhận thức cho HS thông qua các buổi sinh hoạt đầu giờ; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện để tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, như: Tổ chức các diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường”, “Lắng nghe trẻ em nói”… rèn luyện kỹ năng sống, tích cực nêu gương người tốt việc tốt, những tấm gương điển hình để HS học tập noi theo.

Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, HS, gia đình và cộng đồng về phòng, chống bạo lực học đường; thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường… Có thể thấy, để ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước chấm dứt tình trạng bạo lực học đường rất cần sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội.

 Để ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước chấm dứt tình trạng bạo lực học đường rất cần sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội.

 HỒNG PHƯƠNG