Bao la tình mẹ Việt Nam anh hùng

Thứ bảy, ngày 17/01/2015

(BDO) Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam đã ra chiến trường, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Có những người tuổi chưa tròn đôi mươi, có người đồng đội còn chưa kịp biết rõ thân thế. Sự hy sinh ấy mãi luôn được đất nước nghiêng mình. Nhưng có những hy sinh còn nhiều hơn thế, ở đó có nỗi đau của những người mẹ mất chồng, mất con sau cuộc chiến vẫn còn dai dẳng theo các mẹ đến hết cuộc đời.

 Có hạnh phúc nào mà không phải hy sinh!

 Mẹ VNAH Đặng Thị Út

 Xã An Điền (TX.Bến Cát) là một trong ba xã của vùng đất Tam giác sắt anh hùng. Nơi đây có địa đạo Tây Nam Bến Cát, cũng từng là nơi dừng chân của các cơ quan đầu não kháng chiến Khu bộ miền Đông, Xứ ủy Nam bộ, Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Cũng chính vì thế mà người dân địa phương ở đây sớm được giác ngộ cách mạng và đã từng đương đầu với biết bao thử thách ác liệt nhất trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ của nhân dân ta.

Chồng của mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Út là liệt sĩ Phan Văn Lắm (SN 1928) cũng đã hy sinh trên mảnh đất quê hương anh dũng này. Ông là cán bộ cơ sở cách mạng, vào tháng 7-1964, trong một lần tham gia tiêu diệt địch ở rừng Kiến An và đã hy sinh anh dũng. Mẹ Út hay tin nhưng giấu nỗi đau vào lòng vờ như không biết để địch khỏi nghi ngờ. Chồng hy sinh, mẹ một mình tần tảo nuôi 5 người con khôn lớn.

Nỗi đau mất chồng cùng với sự căm thù giặc, mẹ Út và gia đình vẫn tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Do buôn bán ở chợ nên mẹ tạo được mối quan hệ với lính Mỹ. Cũng từ mối quan hệ này, mẹ trở thành giao liên, liên lạc cho bộ đội ta. Mẹ kể, ban ngày vừa ngồi bán hàng, vừa xin thuốc men của lính Mỹ, vừa lấy thông tin từ chúng. Tối đến, mẹ lại đi tiếp tế lương thực, thuốc men và thông tin cho quân ta. Nhiều gia đình gửi lương thực, thực phẩm cho con cũng thông qua mẹ. Cứ thế, mẹ lặn lội suốt ngày đêm, vừa nuôi con, vừa nuôi giấu cán bộ ngay trong lòng địch.

Tưởng sau giải phóng, hòa bình lặp lại mẹ vơi bớt đi phần nào nỗi đau mất chồng, nhưng chiến tranh vẫn còn đó phía biên giới Tây Nam. Năm 1976, người con trai đầu của mẹ là anh Phan Văn Xuân (SN 1958) vừa tròn 18 tuổi, lại noi gương cha lên đường tham gia cách mạng. Vào bộ đội được vài tháng, anh được cấp trên cử ra Bắc học nghiệp vụ trinh sát. Học xong, anh được điều động đi tham gia trực tiếp chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam. Năm 1978, trong một lần đi trinh sát tại tỉnh Xiêm Riệp (Campuchia), tiểu đội của anh Xuân bị Khmer Đỏ phục kích và anh đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi. Đồng đội của anh đã cố đem xác anh và các liệt sĩ khác về chôn tại huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước để sau này về báo tin cho gia đình.

Một lần nữa nhận hung tin, thêm một lần trái tim người mẹ rung lên, nghẹn ngào. Thế nhưng mẹ dằn lòng lại. Mẹ nghĩ, có hạnh phúc nào mà không phải hy sinh. Chắc con trai mẹ trước khi ngã xuống cũng nghĩ thế. Vậy nên mẹ nhẹ nhàng gạt tình riêng, lao vào công tác. Về lại đời thường, mẹ gắn bó với vườn tược như bao người nông dân khác. Xã, ấp có phong trào gì thì gia đình của mẹ cũng là nòng cốt tham gia. Ngồi nhìn ra con đường nhựa vừa làm xong trước cửa nhà, mẹ tự hào: An Điền bây giờ đã đổi thay nhiều quá! Cuộc sống của người dân thật sung túc, ấm no… Mẹ đang mong thật nhanh đến tết. Mẹ bảo, mỗi khi năm hết, tết đến mẹ lại nôn nao, mong ngóng. Mẹ lại được đưa “đi thăm” con trai ở trên Bù Đốp. Mẹ bảo vẫn để anh nằm lại đấy bầu bạn với các đồng chí của anh, nhưng sẽ sớm đưa anh về gần mẹ, để sau này khi mẹ con ở gần nhau, mẹ sẽ lại được chăm sóc và bù đắp cho anh!

 Một lòng, một dạ theo cách mạng

 Mẹ VNAH Nguyễn Thị Năm

Tân Bình (Bắc Tân Uyên) là xã có truyền thống cách mạng. Trong kháng chiến, người dân Tân Bình đã nhất tề đứng lên đánh đuổi quân thù. Có những ấp hầu như nhà nào cũng có người tham gia cách mạng. Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Năm cũng có 3 người con đi theo con đường chính nghĩa, trong đó có 2 người là liệt sĩ.

Chỉ còn 1 năm nữa là mẹ Năm bước sang tuổi 100. Sau bao nhiêu năm tảo tần nuôi 7 người con nên người, thời gian đã bào mòn sức khỏe của mẹ rất nhiều. Giờ đây, ở cái tuổi xưa nay hiếm, chân mẹ đã run, mắt đã mờ hẳn. Với mẹ, dù không còn nhìn thấy rõ xung quanh, nhưng những ký ức về cuộc đời 2 người con liệt sĩ vẫn còn in dấu trong tâm trí mẹ.

Ngày người anh thứ 4 là Đoàn Văn Rô tham gia cách mạng vào năm 1959, chị Đoàn Thị Khai đã lớn nên còn nhớ rất rõ. Ngày đó, anh được cách mạng cài vô lòng địch, với vỏ bọc là dân quân tự vệ. Ở trong lòng địch, thấy bọn chúng đàn áp, bắt bớ dân lành và cán bộ cách mạng, anh càng sục sôi chí căm thù giặc. Ngoài nhiệm vụ nắm những tin tức quan trọng của giặc, anh còn quyết chí tiêu diệt bọn ác ôn bán nước. Lúc đó, nhìn tên phản quốc tề Cách, anh thấy như cái gai trong mắt mình và nhất định phải gỡ cái gai ấy để trừ mối họa cho cách mạng. Nhờ thông minh, gan dạ, không chỉ giết được tề Cách, anh còn giết được 1 tên dân quân tự vệ phản động khác. Sau đó anh lấy 2 khẩu súng của chúng rồi thoát ly ra chiến đấu ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại đây anh làm nhiệm vụ trinh sát. Người lính bộ đội Cụ Hồ ấy tiếp tục lập thêm nhiều chiến công khác. Trong một trận đối đầu với giặc, anh bị thương và đã nằm xuống ở nơi này. Gia đình mới tìm được mộ liệt sĩ Rô ở Vũng Tàu. Rồi đây gia đình sẽ đưa anh về quê hương để dễ bề nhang khói.

Người anh theo cách mạng chưa được bao lâu, người em kế là anh Đoàn Văn Công cũng nối gót theo anh. Anh Công cũng làm bộ đội trinh sát ở chiến trường chiến khu Đ. Anh đã từng tham gia chiến đấu nhiều trận đánh ác liệt, trong đó có trận Bình Giã. Cũng giống như liệt sĩ Đoàn Văn Rô, anh Công cũng bị thương nặng và đã hy sinh.

Ngoài 2 liệt sĩ trên, người con gái thứ 6 của mẹ là chị Đoàn Thị Khai cũng tham gia cách mạng. Chị làm cơ sở mật cho cách mạng, đưa thư, rải truyền đơn, đào hầm nuôi giấu cán bộ. Do nghi ngờ, có lần chị bị địch bắt, tra khảo, nhưng chị vẫn nhất quyết không khai. Không moi được gì từ chị, bọn giặc rất hậm hực nhưng phải trả tự do cho chị. Trở về, chị tiếp tục tham gia cách mạng cho đến ngày đất nước thống nhất. Những đóng góp của chị cho cách mạng đã được Nhà nước ghi nhận qua tấm Huy chương Kháng chiến hạng nhì.

Mỗi khi nhắc đến những người con, mẹ Năm rất tự hào khi các con của mẹ đã nhìn ra chân lý, đi theo con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Dẫu biết rằng, tham gia cuộc chiến này sẽ đổ máu, sẽ hy sinh, nhưng các con của mẹ vẫn không chùn bước,và các anh đã ngã xuống cho đất nước đứng lên. Riêng mẹ, dù phải nuôi 7 người con, nhưng mẹ vẫn san sẻ từng hạt gạo, con khô nuôi du kích và tiếp tế cho con. Bản thân mẹ cũng từng bị giặc bắt đưa lên Phú Giáo. Một khi đã rơi vào tay chúng thì ai mà không bị đòn roi, dù vậy, mẹ vẫn một lòng, một dạ theo Đảng, theo cách mạng cho đến ngày đất nước toàn thắng.

NGỌC THANH - HỒNG THÁI

Từ khóa: