Bao la lòng mẹ...
Buổi chiều, chúng tôi đến thăm mẹ con bà, nắng chênh chếch chiếu vào hàng hiên căn nhà tình nghĩa. Nắng rọi cả vào gian phòng khách làm cho gương mặt của hai mẹ con bà đang ngồi đó như tươi hơn. Một người trong đoàn cảm thán: “Đúng là mẹ già trăm tuổi còn thương con tám mươi!”...
Mẹ
Chúng tôi tổ chức thành một đoàn từ thiện đến thăm bà Nguyễn Thị Nguyệt, năm nay 77 tuổi ở ấp 2A, xã Phước Hòa, Phú Giáo khi nghe thông tin bà mẹ già yếu còn phải nuôi đứa con bệnh tật đã 55 tuổi. Con trai bà, ông Phạm Cao Thăng bị bệnh từ năm 10 tuổi. Với nét mặt hiền lành, phúc hậu và già hơn tuổi do khắc khổ, bà Nguyệt kể: “Khi sinh ra nó cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng tới 10 tuổi là phát bệnh. Mỗi lần lên cơn bệnh nó bị co giật, sùi cả bọt mép rồi té ngã nếu không có ai đỡ kịp”. Thỉnh thoảng, con bà lên cơn bệnh và bà Nguyệt đã miệt mài chăm con như thế trong 45 năm qua. Chồng bà mất đã lâu và con cái ở riêng, bà nhận phần chăm lo cho đứa con bệnh tật với tình thương bao la của người mẹ.
Đã 45 năm nay bà Nguyệt chăm lo cho đứa con bệnh tật của mình
Bà có 8 đứa con. Những người kia bình thường, chí thú làm ăn và chỉ riêng một mình ông Thăng bị bệnh. Căn nhà 2 mẹ con đang ở là nhà tình nghĩa được xây tặng cho người con thứ tư của bà Nguyệt - anh Phạm Cao Đăng là thương binh. Năm 1979, anh Đăng nhập ngũ và bị thương ở chiến trường biên giới Campuchia. Căn nhà nhỏ, gọn gàng và sạch sẽ. Ngay nơi gian phòng khách bà Nguyệt để bộ ván cho con ngủ, nghỉ và “ngồi chơi, nhìn người xe qua lại ngoài đường cho đỡ buồn”.Khi còn trẻ, thỉnh thoảng ông Thăng cũng đi làm thuê như cưa củi điều cho người ta nhưng lại “nghỉ hoài vì lên cơn động kinh”. Những năm gần đây, ông hoàn toàn nhờ cậy vào sự chăm bẵm của mẹ. Bà lo cho con từng li từng tí của bữa ăn, giấc ngủ. Rồi vệ sinh, giặt giũ quần áo cho con. Ngày đều đặn đỏ lửa 3 lần nấu cơm cho con bởi “cơm mình nấu mới nóng sốt, dẻo ngọt”. Một ngày, bà chỉ dành 20.000 đồng đi chợ và gói ghém sao cho đủ để lo cho con, còn mình thì “ăn sao cũng được”. Khi nào có việc gì cần đi bà mới mua cho con hộp cơm để đó mới đi.
Bà lo sợ con có chuyện gì khi không có mẹ bên cạnh. Là vì bà kể, hồi đó nhà nghèo chưa có tivi. Khi thấy con ngủ say, bà kéo cái chăn mỏng đắp cho con rồi “đi coi ké tuồng cải lương” đang phát trên tivi... nhà người ta. Khi coi xong về phát hiện con mình nằm im ru dưới đất. Té ra ông Thăng định gom hết thuốc để uống, chết quách cho mẹ hết khổ vì mình. Lần đó, bà khóc hết nước mắt và khi cứu được con, bà tự hứa với lòng mình càng phải chăm con kỹ hơn!
Con bệnh, bà cũng bị bệnh tim nhưng bà luôn cho rằng bệnh tình của mình không đáng gì, ráng lo cho con. Hàng tháng, con út gửi bà vài trăm, chế độ tàn tật của con có được hơn 500.000 đồng/tháng. Những đứa cháu gần đó cũng phụ thêm chút đỉnh. Bà tính toán chi li để lo cho con ăn uống, thuốc thang.
Con
Mấy chục năm quanh quẩn bên mẹ như đứa con nít làm cho ông Thăng cũng lắm lúc... bực mình! Nhất là những khi lên cơn ông càng cộc tính hơn nữa. Không vợ con, mọi chuyện trong cuộc sống ông phải dựa hết vào mẹ. Cuộc sống của ông hiện tại gói gọn trong mấy chục mét vuông căn nhà. Mỗi lần ăn uống, vệ sinh phải có mẹ lo giúp. Đi đứng cũng mẹ một bên và chiếc nạng chống nách một bên.
Trong câu chuyện, đôi lúc ông cũng nói vài câu không đầu không cuối. Ông bảo ông là người vô dụng, là thằng con bất hiếu làm khổ mẹ mình cả đời. Ông khóc nói làm con mà bắt mẹ lo cho như đứa bé mãi thế này tủi thân lắm. Rồi, đang ngồi nói chuyện, cả thân người ông bỗng cứng đơ, giật giật mấy cái và bà mẹ nhanh nhẹn chạy tới đỡ ông nằm xuống bộ ván. Mọi người trong đoàn hôm đó hốt hoảng. “Nó lên cơn đó” - bà giải thích và lặng lẽ ngồi cạnh chăm sóc con.
Nghĩ mình vô dụng, làm khổ mẹ nên đã 2 lần ông Thăng tìm cách chết cho mẹ nhẹ nợ, cho mẹ được sống khỏe hơn. Lần mẹ đi coi tivi nhà hàng xóm là ông... giả bộ ngủ! Ông tính từ trước rồi, rằng tất cả số thuốc bệnh mới theo mẹ đi lấy định kỳ về mình “chơi” hết một lần sẽ chết thôi. Nên ông tìm thuốc, uống hết và nằm chờ chết thì mẹ về phát hiện được. Cũng sau lần đó, bà Nguyệt giấu biệt gói thuốc mỗi khi đi bệnh viện về và chỉ đưa cho con uống từng lần một.
Lần tự tử khác là ông Thăng trầm mình xuống giếng. Hồi đó nhà có cái giếng. Ông Thăng nhảy xuống giếng và chìm lỉm. May, đôi dép Lào ông mang theo nổi lên. Người hàng xóm phát hiện la toáng lên kêu cứu và ông thoát chết! Cái giếng bị lấp luôn từ đó...
Tình thương đọng lại
Bà Nguyệt móm mém, thủng thẳng nói chuyện cùng mọi người. Bà hiếm có dịp bày tỏ tâm tình của mình nên nói say sưa. Rồi bà hát cho mọi người nghe nữa. Hát những bài có giọng điệu vui tươi và... hồn nhiên nữa chứ! Có lẽ sự lạc quan này, tình yêu thương này giúp bà có thêm nghị lực để sống và lo cho con.
Rất dung dị, thật thà trong cách nói chuyện của bà. Bà tâm tình rằng; nếu nói không than van, không bực dọc và mệt mỏi khi chăm con chừng ấy năm là không đúng. Thời gian đầu khi chăm con bệnh, tôi còn đau khổ dữ lắm. Tôi kêu trời kêu đất rằng sao tôi phải chịu cái cảnh này? Nhưng dần dà, tôi ngộ ra nhiều điều. Tôi thấy đó là cái nghiệp, là “phần số” của mình và chính bản thân mình phải lo. Đó là con mình mà. Thương những đứa con khác, tôi dành hết phần chăm sóc con trai bệnh để những đứa con mình còn làm lụng lo cho cuộc sống, lo cho đàn cháu của mình.
Hỏi người mẹ mong ước điều gì nhất, bà nói: “Tôi mong mình... đi sau nó để còn lo cho con! Tôi sợ mình đi trước, không ai lo cho nó bằng mẹ”. Hỏi người con đang đưa mắt lơ ngơ nhìn mọi người mong gì nhất, nói: “Tôi mong mình... đi cho rồi để mẹ nhẹ nợ!”. Ôi trời, mẹ con có nhau vậy tốt rồi, đừng mong “đi” đâu nữa. Có người đùa và dặn người con đừng tìm cách tự tử nữa kẻo mẹ khổ. Ông Thăng lại cười ngây ngô “dạ, dạ”...
Tình mẹ bao la như biển. Lòng mẹ ấm êm và luôn bao dung vỗ về con. Trong ngôi nhà đơn sơ này chứa đầy hạnh phúc đơn sơ của tình mẫu tử. Và tôi nghĩ, càng khó khăn, vất vả bao nhiêu, tình mẹ lại càng lấp lánh bấy nhiêu...
QUỲNH NHƯ