Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Có tăng nhưng chưa đạt như mong muốn
(BDO) Năm học 2022-2023, trên địa bàn tỉnh có 2 địa phương đạt tỷ lệ học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) 100% là TP.Tân Uyên và huyện Dầu Tiếng. Số HSSV tham gia BHYT trên toàn tỉnh đạt 99,45%, tăng 0,85 so với năm học 2021-2022. Để 100% HSSV tham gia BHYT trong năm học 2023- 2024, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đặt ra nhiều giải pháp, đồng thời phải có sự phối hợp tốt giữa nhà trường, chính quyền địa phương và các ban, ngành trong tỉnh.
Để 100% học sinh, sinh viên trên toàn tỉnh tham gia bảo hiểm y tế trong năm học 2023-2024, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã đặt ra nhiều giải pháp, phối hợp tốt với các trường, địa phương và phụ huynh cùng thực hiện
Chính sách xã hội quan trọng
Theo bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh, BHYT HSSV là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc; thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện bảo đảm ổn định chính trị, an sinh xã hội. Công tác thực hiện chính sách BHYT cho HSSV tại Bình Dương luôn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể.
Bà Lê Minh Lý thông tin thêm, trong năm học 2022- 2023, BHXT tỉnh phối hợp tốt với các sở, ngành và chính quyền địa phương triển khai thực hiện BHYT cho HSSV trên toàn tỉnh. Bên cạnh kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện BHYT cho HSSV đến BHXH cấp huyện, các cơ sở giáo dục (CSGD) trên toàn tỉnh, BHXH tỉnh còn phối hợp tốt với các phòng giáo dục nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để phối hợp giải quyết trong quá trình triển khai thực hiện. Đơn vị cũng đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHYT đến đội ngũ giáo viên, HSSV, phụ huynh. Cùng với đó BHXH tỉnh rà soát danh sách HS thuộc đối tượng ngân sách đóng, danh sách thuộc đối tượng phải tham gia BHYT để thống kê, theo dõi tiến độ và thông báo đến phụ huynh đóng BHYT cho các em ngay từ đầu năm học.
Ông Nguyễn Tấn Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Dầu Tiếng, cho biết để số học sinh tham gia BHYT trên địa bàn đạt 100% trong nhiều năm trở lại đây, phòng phải đặt ra chỉ tiêu đồng thời phải thực hiện rất nhiều việc ngay từ đầu năm học. Đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa BHYT đến HS, phụ huynh; công việc này phải thực hiện xuyên suốt. Bên cạnh đó, phòng phải tiến hành rà soát, xem có bao nhiêu HS rơi vào diện gia đình khó khăn, số HS thuộc diện ngân sách đóng. Với số HS thuộc diện khó khăn, hàng năm, phòng đã tích cực vận động các nguồn xã hội hóa, chính quyền địa phương, thậm chí thầy cô giáo có điều kiện để chung tay hỗ trợ, mua BHYT cho các em...
Hướng đến 100% HSSV tham gia BHYT
Trong năm học 2022-2023, cơ quan BHXH đã trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) cho 183 trường học trên địa bàn với tổng số tiền là 9,9 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí quan trọng để các trường thực hiện y tế học đường cho HSSV. Số kinh phí CSSKBĐ được sử dụng để mua sắm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để phục vụ công tác CSSKBĐ cho HSSV ngay tại nhà trường.
Bà Lê Minh Lý chia sẻ: “Chính sách BHYT HSSV nhằm mục đích giúp HSSV được thụ hưởng đầy đủ quyền lợi về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe để yên tâm học tập, giúp giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình khi không may bị ốm đau, bệnh tật cần điều trị với chi phí cao. Thời gian qua, với trách nhiệm tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, ngành BHXH Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện tốt việc bảo đảm quyền lợi BHYT cho HSSV; tăng cường cải cách thủ tục tham gia BHYT, sử dụng thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh theo hướng đơn giản, thuận tiện cho HSSV”.
Theo BHXH tỉnh, đối tượng các địa phương cũng như nhiều trường chưa đạt 100% HSSV tham gia BHYT chủ yếu tập trung ở nhóm SV, mặc dù đây là nhóm đối tượng sống xa nhà, rất cần sự chăm sóc, bảo vệ từ chính sách BHYT. Các em SV thường sống xa gia đình, mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường lại không được thường xuyên và liên tục như đối tượng HS; gia đình chuyển tiền cho các em thường thông qua tài khoản ngân hàng, rất khó để kiểm soát được việc chi tiêu. Một số ít SV nghĩ mình còn trẻ, ít ốm đau nên không tham gia BHYT, không nhận thức được tính nhân văn, sự chia sẻ thông qua chính sách BHYT...
Qua đó, trong năm học 2023-2024, BHXH tỉnh đã đặt ra nhiều giải pháp, như: Tiếp tục tuyên truyền Luật BHYT và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đến HSSV và phụ huynh. Cơ quan BHXH tiếp tục thực hiện cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc tham gia BHYT đối với HSSV; sử dụng hình thức giao dịch điện tử trong việc tiếp nhận danh sách tham gia, trả kết quả thông qua dịch vụ bưu chính (nếu có) tại các CSGD. Đơn vị cũng sẽ phối hợp với các CSGD trên địa bàn hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số trên thiết bị di động cho HSSV, phụ huynh để thay thế thẻ BHYT giấy khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Cùng với đó, BHXH tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở Y tế hướng dẫn các CSGD quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí phục vụ cho công tác y tế học đường, trong đó có nguồn kinh phí CSSKBĐ được trích từ quỹ BHYT, bảo đảm tất cả HSSV đều được CSSKBĐ ngay tại trường học. Định kỳ, BHXH tỉnh phối hợp với ngành GD&ĐT trực tiếp đến trường học có tỷ lệ HS tham gia BHYT chưa đạt 100% để cùng Ban Giám hiệu nhà trường đề ra giải pháp tuyên truyền, vận động HSSV tham gia BHYT; đồng thời kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại từng trường.
QUANG TÁM