Bảo hiểm y tế: Giúp người nhiễm HIV tiết kiệm chi phí điều trị ARV
(BDO) Bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nhiễm HIV có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp người nhiễm HIV tiết kiệm chi phí và yên tâm điều trị bệnh. Tuy nhiên, hiện nay mới có 90% người nhiễm HIV đang điều trị ARV có thẻ BHYT. Do đó, để 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT cần có nhiều giải pháp hơn trong thời gian tới…
Theo bác sĩ Nguyễn Kiều Uyên, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/ AIDS tỉnh, để bảo đảm tính bền vững trong phòng, chống HIV/AIDS, cần sử dụng nguồn từ BHYT để thanh toán chi phí chăm sóc, điều trị, xét nghiệm cho người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm cả thuốc điều trị kháng vi rút ARV. BHYT giúp người nhiễm HIV được tiếp tục điều trị ARV khi không còn nguồn tài trợ quốc tế, nhất là khi điều trị ARV là liên tục và suốt đời. Khi cắt giảm nguồn cung cấp thuốc điều trị miễn phí mà bệnh nhân chưa tiếp cận BHYT, nguy cơ xuất hiện tình trạng ngừng điều trị, tăng nguy cơ kháng thuốc. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh mà còn ảnh hưởng lớn đến cả cộng đồng.
Người bị nhiễm HIV cần tham gia BHYT để tiết kiệm chi phí điều trị. Trong ảnh: Nhân viên y tế đang tư vấn cho người nghi nhiễm HIV tại Phòng Xét nghiệm HIV thuộc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Ảnh: CẨM LÝ
Hiện nay, tại các Phòng Khám ngoại trú của Bình Dương, 90% người nhiễm HIV đang điều trị ARV đã có thẻ BHYT. Tuy nhiên, số người dùng BHYT để thanh toán các dịch vụ khám, điều trị vẫn chưa nhiều. Người nhiễm HIV ngoài cộng đồng chưa sử dụng BHYT, chưa có thẻ BHYT còn khá cao. Bác sĩ Kiều Uyên cho rằng, nguyên nhân có thể do người nhiễm HIV (chưa phải điều trị ARV) rất ngần ngại tiếp cận các dịch vụ thông qua BHYT vì phần lớn họ sợ lộ danh tính. Bên cạnh đó còn nhiều lý do như ngại chờ đợi khi phải khám BHYT; không có nhân viên cộng đồng hỗ trợ tư vấn tại các cơ sở điều trị; do kinh tế khó khăn không đủ nguồn tài chính mua BHYT theo hộ gia đình. Một số người do thiếu giấy tờ tùy thân hoặc thông tin trên các giấy tờ có sự khác biệt, do đó có tiền cũng không đủ điều kiện tham gia BHYT…
Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số… được Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%. Như vậy, người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa 20% tiền chữa bệnh. Theo quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 2 Nghị định 105/2014/NĐ-CP: “Mức đóng của tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình theo quy định tại Khoản 5, Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật BHYT: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất”. Với mức lương cơ bản từ 1-1-2017 là 1,3 triệu đồng/tháng, phí đóng BHYT tự nguyện người thứ nhất là 702.000 đồng/năm; người thứ hai là 492.000 đồng/năm, người thứ ba là 422.000 đồng/ năm; người thứ tư là 351.000 đồng/ năm; người thứ năm trở lên 281.000 đồng/ năm… Mặt khác, theo phác đồ điều trị ARV bậc 1 thì mỗi năm người nhiễm HIV/AIDS phải tốn trung bình từ 4-5 triệu đồng. Đối với người dùng phác đồ bậc 2, chi phí này cao gấp 6 lần. Như vậy, nếu có thẻ BHYT người nhiễm HIV/ AIDS sẽ tiết kiệm khoảng 4 triệu đồng/ năm, đó là chưa kể các chi phí cho các xét nghiệm và dịch vụ khác.
Nhằm tạo điều kiện để 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT trong thời gian tới, bác sĩ Kiều Uyên cho rằng, cần tăng tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV khám chữa bệnh bằng BHYT. Đặc biệt, cần đẩy mạnh truyền thông về lợi ích và sự cần thiết của BHYT cho người nhiễm HIV, để người bệnh chủ động tiếp cận với BHYT; giảm kỳ thị với bệnh nhân từ nhiều phía cơ sở y tế, nhân viên y tế, người thân và cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần có các quy định “mở” giúp người nhiễm HIV/ AIDS dễ dàng mua thẻ BHYT trong một số trường hợp đặc biệt.
CẨM LÝ