Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu: Áp dụng mô hình nào cho hiệu quả?

Thứ sáu, ngày 21/05/2010
Ông Nguyễn Anh Đức - Trưởng phòng Bảo hiểm hỏa hoạn rủi ro Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, đã trao đổi thêm về vấn đề này nhằm cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn đầy đủ hơn về loại hình bảo hiểm đặc thù và khá mới mẻ đó. Theo ông Đức, BHTDXK là hình thức bảo đảm tài chính cho nhà xuất khẩu trong các hợp đồng xuất nhập khẩu có điều kiện thanh toán theo hình thức tín dụng mở (open account) trước rủi ro nợ xấu, mất khả năng thanh toán của nhà nhập khẩu do mất khả năng thanh toán, phá sản hoặc vì bất ổn chính trị tại quốc gia nhập khẩu. Tùy theo tính chất, giá trị hàng hóa (hàng hóa thông thường như nông sản, nguyên liệu, thiết bị điện tử...; hàng hóa tư liệu sản xuất như trang thiết bị, máy móc đến các dự án lớn) và phương thức thanh toán, hình thức sản phẩm BHTDXK có thể là ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn. Không chỉ đóng vai trò là công cụ che chắn và giảm thiểu rủi ro cho nhà xuất khẩu, BHTDXK còn tạo ra lợi thế cạnh tranh rõ rệt cho nhà xuất khẩu trong việc chủ động cung cấp tín dụng cho người mua (không có được ở các phương thức thanh toán L/C, thanh toán trả trước), tự tin khi xâm nhập thị trường xuất khẩu mới, tăng năng lực tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng và tổ chức tài chính, qua đó phát huy tối đa năng lực sản xuất và cung cấp hàng hóa dịch vụ, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng xuất khẩu (ECA) cũng là nguồn cung cấp thông tin thị trường, năng lực và tình trạng tài chính của người mua giúp nhà xuất khẩu thực hiện các giao dịch kinh doanh an toàn và hiệu quả. Theo đánh giá của ông Nguyễn Anh Đức, thì dù cho là sản phẩm ngắn hạn hay trung, dài hạn, quy trình cung cấp BHTDXK tương đối phức tạp do phát sinh yêu cầu đánh giá và thẩm định năng lực trả nợ của đối tác nước ngoài cũng như các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia nhập khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu có thể lựa chọn tham gia bảo hiểm cho toàn bộ kim ngạch hay một nhóm người mua hoặc một hợp đồng cụ thể (thường có giá trị lớn hơn 2 triệu USD) nhưng trong từng trường hợp, mức độ đánh giá năng lực tài chính và khả năng trả nợ của người mua, môi trường kinh doanh vẫn là yếu tố quyết định để ECA có nhận bảo hiểm hay không, nếu nhận thì với hạn mức tín dụng thế nào và phí bảo hiểm bao nhiêu. Bên cạnh phí bảo hiểm, nhà xuất khẩu cũng phải chi trả thêm khoản lệ phí đánh giá và xác lập hạn mức tín dụng đối với nhà nhập khẩu yêu cầu, thường từ 10 - 15% phí bảo hiểm. HỒNG PHÚC