Bao giờ thịt nóng bớt “lạnh”?

Thứ sáu, ngày 12/05/2023

(BDO) Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong quý I-2023, xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam tăng 70,3% về lượng và 81,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số nhiều suy ngẫm về sự phát triển của doanh nghiệp ngành chăn nuôi. Theo tính toán, trung bình mỗi ngày người Việt chi hơn 3,3 triệu đô la Mỹ, tương đương khoảng 75 tỷ đồng để nhập thịt và các sản phẩm dạng thịt từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ. Vấn đề mà người chăn nuôi Việt Nam đang đối mặt không phải là thịt ngoại mà cụ thể là thịt đông lạnh nhập khẩu giá rẻ - đặc biệt là các loại phế phẩm và phụ phẩm dạng thịt. Ở các nước, đa phần những loại phế phụ phẩm này, đặc biệt là nội tạng, các nhà sản xuất phải tốn chi phí xử lý, Việt Nam lại tốn tiền nhập về với chi phí 1 đô la Mỹ/kg.

Hiện giá heo hơi trong nước đang ở mức 49.000 - 50.000 đồng/kg, mức giá này thấp hơn giá thành sản xuất ít nhất 5.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi thua lỗ. Thế nhưng trên thị trường, nhiều sản phẩm thịt đông lạnh từ các chợ truyền thống, siêu thị phổ biến chỉ 30.000 - 40.000 đồng/ kg. Rõ ràng thịt ngoại đang đặt doanh nghiệp vào thế cạnh tranh khốc liệt.

Thêm vào đó, sau đại dịch Covid-19, thói quen tiêu dùng của một bộ phận người dân đã thay đổi, họ bắt đầu chấp nhận thịt đông lạnh. Vì thế, thời gian qua lượng thịt đông lạnh vào các bếp ăn tập thể rất nhiều. Điều này làm ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ thịt tươi. Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn làm cho người tiêu dùng tiết kiệm hơn và họ thường ưu tiên giá cả thay vì chất lượng sản phẩm. Đó chính là cơ hội để thời gian gần đây, các sản phẩm thịt đông lạnh bày bán phổ biến ở các chợ truyền thống, đẩy thịt nóng vào trạng thái “lạnh”. Vì vậy, để cạnh tranh công bằng, ngay cả việc bán thịt đông lạnh như thế nào cũng là vấn đề cần phải được quản lý và giám sát để bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.

 KHẢI ANH