Báo động ô nhiễm nước ngầm ở Bến Cát
Nước ngầm là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên do ý thức của người dân hạn chế cộng với ảnh hưởng từ sản xuất công nghiệp đã làm ô nhiễm nước ngầm (ONNN). Bến Cát là một trong những điển hình báo động tình trạng này. Nước thải công nghiệp đen ngòm, có mùi hôi xả ra môi trường là một trong những nguyên nhân chính gây ONNN
Ông Lê Văn Tâ“Ẩn họa” từ ô nhiễm giếng khoan...n, Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản (TTN-KS) Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết ONNN xuất phát từ 2 nguyên nhân, một là ý thức con người và hai là từ quá trình sản xuất công nghiệp. Việc các giếng đào, giếng khoan đã hư hỏng hoặc không còn sử dụng của các hộ dân đang là “ẩn họa” khôn lường đối với mạch nước ngầm phục vụ dân sinh. Đây là một trong những tác nhân gây ô nhiễm mạch nước ngầm trong thời gian dài. Mặc dù sở đã tiến hành khảo sát, thống kê số lượng giếng đào, giếng khoan bị bỏ hoang hoặc không còn nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Bến Cát nói riêng để tiến hành trám lấp nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm trước các hóa chất gây ô nhiễm thải ra từ quá trình sản xuất, sinh hoạt, nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện.
Bằng chứng là cuối năm 2010, đại diện Phòng TNN-KS phải đứng ra làm việc, thông báo kết quả khảo sát các giếng ô nhiễm của một số hộ dân tại ấp 3, xã Hưng Hòa (Bến Cát). Nguyên nhân là do một hộ dân kiến nghị nước giếng của nhà mình bị ô nhiễm khi nước bơm lên có mùi tanh khó chịu. Tuy nhiên, sau khi lấy mẫu nước từ hai bên để phân tích, so sánh thì phòng kết luận: “Nước thải từ lò bún không phải là tác nhân gây ONNN trong khu vực. Nguyên nhân gây ONNN chính là do giếng khoan hiện tại nằm gần giếng đào trước đây nay đã bị lấp bởi rác thải hoặc do hệ thống vệ sinh chưa xử lý triệt để trong khu vực”. Giải thích kết luận này, ông Tân còn cho biết khi đi khảo sát, đoàn phát hiện cách cái giếng có mùi tanh khoảng 10m trước đây từng tồn tại một giếng đào lớn. Thay vì phải lấp giếng đúng quy cách thì người chủ cũ của khu đất đã chôn lấp rất nhiều loại chất thải vào đó trước khi bịt kín hoàn toàn. Đây nguyên nhân chính gây ra tình trạng ONNN cho khu vực xung quanh. Ông Tân tiếp tục giải thích trước đây, người dân có thói quen đào giếng để lấy nước ngầm tự nhiên phục vụ cho sinh hoạt. Sau này, người dân chuyển dần sang sử dụng các giếng khoan do chúng có nhiều ưu thế hơn. Thế nhưng, quá trình thay thế này làm cho các giếng đào bị bỏ hoang trở thành “hố chứa nước thải”, từ đó làm phát tán các tạp chất, mầm bệnh theo mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
... và do sản xuất công nghiệp
Bên cạnh ONNN từ giếng khoan hư hỏng, quá trình sản xuất công nghiệp cũng đã góp phần không nhỏ làm gia tăng ONNN từ hóa chất, chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp; từ ô nhiễm không khí khi trời mưa... Trước thực trạng này, thời gian qua, người dân trên địa bàn nhiều lần kiến nghị và Phòng TNN-KS cũng lấy mẫu phân tích ở khu vực Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé (xã Trừ Văn Thố) và Công ty TNHH GHP International Việt Nam (xã An Điền). Kết quả phân tích, cho biết mức độ ô nhiễm Amoni, Cloform, COD, Xylen, Benzen... vượt rất nhiều lần so với chỉ tiêu cho phép. Theo ông Tân sau đó, phòng đã đề ra nhiều giải pháp để hạn chế ONNN; đồng thời Chi cục Bảo vệ môi trường cũng hướng dẫn cho các công ty phương pháp cải tạo hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn và hỗ trợ khoan giếng tầng sâu 76m hoặc dẫn đường ống cấp nước sạch đến cho các hộ dân có giếng bị ô nhiễm và tổ chức trám lắp giếng bị ô nhiễm, không còn sử dụng...
ONNN ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Vì vậy, cứu mạch nước ngầm đang là yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Để làm được điều này đòi hỏi sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Trong đó việc làm đơn giản nhất là tổ chức trám lấp những giếng đào không còn sử dụng đúng quy cách, không để nó trở thành những hầm chứa nước thải, rác thải.
THU THẢO