Báo động nạn bạo lực ở sân chơi V-League 2019
(BDO) V-League 2019 chỉ vừa mới trải qua 5 vòng đấu, nhưng đã xuất hiện rất nhiều án phạt kỷ luật, thẻ phạt dành cho các cầu thủ vì hành vi bạo lực trên sân cỏ. Đây là tín hiệu đáng báo động cho sân cỏ Việt khi mà những người có trách nhiệm đang muốn bóng đá Việt Nam đi theo hướng xanh, sạch, đẹp.
Tiêu chí bóng đá “xanh, sạch, đẹp” không chỉ là mong muốn của các lãnh đạo bóng đá Việt Nam. Đó còn là tiêu chí mà rất nhiều các đội bóng hiện nay đang hướng đến. Nhưng mong muốn là một chuyện, làm được hay không lại là câu chuyện khác. Bởi, các cầu thủ vào sân, nếu không giữ được cái đầu lạnh, dễ nóng sau một vài tình huống va chạm, để rồi từ đó trận đấu nóng lên, dẫn đến những pha va chạm hơn mức cần thiết… Để rồi từ đó trận đấu bị vỡ vụn bởi những tình huống bạo lực không đáng có.
Kết thúc lượt trận thứ 5, V-League 2019, các trọng tài đã rút ra tổng cộng 20 thẻ vàng và 3 thẻ đỏ sau những tình huống phạm lỗi thô bạo của các cầu thủ. Trong chiến thắng 1-0 của SLNA trước Thanh Hóa, ngoại binh Alves Marcio của đội bóng xứ Nghệ phải rời sân chỉ sau 8 phút thi đấu với tình huống vào bóng thô bạo với cầu thủ của đội khách. Ở trận hòa 1-1 giữa Hải Phòng và Đà Nẵng, trọng tài chính Trần Trung Hiếu đã phải rút ra hai thẻ đỏ dành cho Bùi Tiến Dụng (Đà Nẵng) và Hữu Phúc (Hải Phòng) và 4 thẻ vàng sau những tình huống vào bóng trên mức va chạm cần thiết của cầu thủ hai bên. Ngoài ra, trận đấu còn nhiều lần ngắt quãng, vỡ vụn vì những lần cầu thủ hai đội đòi ăn thua đủ với nhau bằng tay chân.
Tất nhiên, sau những pha bóng bạo lực như thế, cầu thủ vi phạm sẽ nhận án phạt nóng từ trọng tài chính trên sân. Và nếu như kết thúc trận đấu mà cầu thủ bị phạm lỗi dính chấn thương nặng, người phạm lỗi còn phải nhận án phạt nguội từ Ban kỷ luật VFF. Trường hợp Quế Ngọc Hải bị phạt nguội mới đây sau pha phạm lỗi rợn người với Văn Kiên (Hà Nội) là ví dụ. Bóng đá Việt Nam không thiếu những án phạt nặng, thậm chí là rất nặng, không cần liệt kê ắt hẳn người hâm mộ vẫn sẽ dễ dàng liệt kê khi cần thiết. Thế nhưng, vì sao vấn nạn bạo lực sân cỏ vẫn tồn tại? Vì sao và tại sao?
Điều này nằm ở ý thức và trách nhiệm của cầu thủ với chính sự nghiệp của mình. Nếu họ tôn trọng đối thủ, trân trọng đôi chân của đồng nghiệp như của mình. Bởi đó là cần câu cơm của họ để nuôi sống cả gia đình, bạo lực sân cỏ sẽ không còn nữa. Và chỉ cần từng cầu thủ vào sân biết giữ được cái đầu lạnh, giữ được hòa khí, nương nhẹ nhau ở những tình huống 50/50, trận đấu sẽ không bị vỡ vụn sau những tình huống bạo lực không đáng có. Bóng đá là môn thi đấu đối kháng, không thể thiếu những tình huống va chạm, nhưng va chạm khác hoàn toàn với bạo lực. Hãy nên suy nghĩ trước một pha xoạc bóng, tình huống ác ý với đồng nghiệp, bởi sau đó là những án phạt lơ lửng treo trên đầu từ Ban kỷ luật và cả cộng đồng mạng.
HẢI NGUYỄN