Bảo đảm việc làm, nâng cao mức sống cho người lao động

Thứ năm, ngày 31/12/2020

(BDO) Quan tâm từ nhiều phía

Xác định được tầm quan trọng của việc nâng cao mức sống, bảo đảm việc làm cho NLĐ trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, cấp ủy Đảng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bằng các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể để hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm cho NLĐ; các chính sách về tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, định hướng nghề nghiệp, thông tin dự báo thị trường lao động nhằm kết nối cung cầu lao động... Song song đó là chính sách tín dụng ưu đãi cũng được tỉnh triển khai hiệu quả, giúp cho hàng ngàn lao động tại Bình Dương vay vốn tự tạo việc làm, mở rộng sản xuất. Chỉ tính trong năm 2020, Ngân hàng Chính sách - Xã hội Bình Dương đã cho 19.950 NLĐ vay với dư nợ là 1.664 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay, NLĐ đã triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế như người khuyết tật, người nghèo, lao động di cư, lao động nữ, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho nhân dân và khôi phục các ngành nghề truyền thống của địa phương.

Bà Mai Thanh Thảo, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp Bình Dương trao quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn trong tỉnh luôn quan tâm và tập trung chăm lo phúc lợi, lợi ích vật chất cho đoàn viên và NLĐ. Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết công đoàn thể hiện sự quan tâm đến NLĐ thông qua đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo hướng có lợi hơn cho đoàn viên và NLĐ; tập trung vào các nội dung về tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chất lượng bữa ăn ca, điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động. Nổi bật là các hoạt động thăm hỏi, tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn trong dịp lễ, tết, đau ốm; hỗ trợ vé tàu, xe; họp mặt gia đình công nhân không có điều kiện về quê đón tết; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… với kinh phí hàng chục tỷ đồng, tạo không khí phấn khởi, đầm ấm, động viên NLĐ hăng hái thi đua lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

“An cư lạc nghiệp”

Ngày cuối tuần, căn nhà của chị Nguyễn Thị Hường ở tầng 4 dãy nhà A (Khu nhà ở đô thị Hòa Lợi, phường Hòa Phú (TP.Thủ Dầu Một) khá rộn ràng. Chị Hương vào Bình Dương lập nghiệp hơn 10 năm, hai vợ chồng tích góp mới mua được căn nhà này cách đây 5 năm với giá 130 triệu, được trả góp trong vòng 5 năm. “Lương công nhân chẳng được bao nhiêu mà phải chi nhiều khoản cho cuộc sống nên chúng tôi chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ có một chỗ ở ổn định. Cũng may nhờ chính sách nhà ở xã hội (NƠXH), chúng tôi mới có chỗ để an cư lạc nghiệp, yên tâm làm việc. Chúng tôi vừa hoàn thành trả góp căn nhà năm vừa rồi nên trong năm này đỡ được phần nào chi phí hàng tháng. Căn nhà không rộng nhưng thoải mái hơn nhiều so với ở trọ, đủ để cả gia đình chúng tôi sinh hoạt, nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi”, chị Hương chia sẻ.

Với những NLĐ làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh mơ ước có căn nhà để ổn định vẫn quá xa vời khi đồng lương hạn hẹp. Tuy nhiên, khi dự án NƠXH ra đời đã biến giấc mơ của những NLĐ thành hiện thực. Đây chính là động lực để họ yên tâm lao động sản xuất, ổn định đời sống và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

“An cư lạc nghiệp”, Bình Dương là điểm sáng trong việc xây dựng nhà ở cho NLĐ. Trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020 sẽ phát triển khoảng 2 triệu m2 sàn NƠXH dành cho người thu nhập thấp tại đô thị, nông thôn, công nhân viên, học sinh, sinh viên đang lao động, học tập trên địa bàn tỉnh. Chương trình phát triển NƠXH của Bình Dương không những đem lại niềm phấn khởi cho NLĐ mà còn tạo ấn tượng tốt đối với doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Bởi chương trình này góp phần giảm sức ép về nhu cầu nhà ở của NLĐ, giúp DN giảm bớt gánh nặng về nhà ở cho đội ngũ nhân công của mình. Đây cũng có thể xem là một yếu tố hết sức thuyết phục đối với các nhà đầu tư khi chọn Bình Dương để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có hơn 1,2 triệu lao động đang làm việc trong các DN (lao động ngoài tỉnh chiếm tỷ lệ 75%, lao động nữ chiếm 56%). Đây là nguồn lực lao động quan trọng đóng góp to lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song, mặt khác lại đặt ra khá nhiều thách thức cho tỉnh trong công tác chăm lo đời sống, giải quyết việc làm, nhà ở cho NLĐ. Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp các ngành tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách, chế độ liên quan lao động - việc làm cho đơn vị có liên quan, người sử dụng lao động và NLĐ; thực hiện công tác kết nối giữa NLĐ và DN qua tư vấn giới thiệu việc làm trực tiếp; tổ chức sàn giao dịch việc làm qua hình thức trực tuyến, online; thực hiện đề án bảo đảm NLĐ có tay nghề, đáp ứng nhu cầu DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 - 2020 và đến năm 2025; đẩy mạnh công tác xã hội hóa về dạy nghề; tiếp tục thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn để giúp nguồn lao động nông thôn trong tỉnh tự tạo việc làm, ổn định đời sống. Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh chương trình NƠXH để tạo điều kiện cho công nhân lao động được ổn định chỗ ở, an tâm làm việc.

HỒNG PHƯƠNG - THU THẢO

Từ khóa: