Bảo đảm tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu HĐND các cấp
(BDO) Để góp phần đạt chỉ tiêu 30% nữ đại biểu HĐND các cấp, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong chị em phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh còn chú trọng đến công tác tập huấn cho nữ ứng cử viên (ƯCV) lần đầu tham gia ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh và huyện, thị xã, phường, thị trấn.
Một buổi trao đổi tại lớp tập huấn cho nữ ƯCV lần đầu tham gia ứng cử HĐND cấp tỉnh và huyện, thị do Hội LHPN tỉnh tổ chức Ảnh: T.THẢO
Bà Đặng Thị Mộng Huyền, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh phấn khởi cho biết, sau hội nghị hiệp thương lần 3 để lựa chọn, lập danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp đều vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, cấp tỉnh có 46 ƯCV nữ trên tổng số 115 ƯCV, đạt tỷ lệ 40%; cấp huyện 239 ƯCV nữ trên tổng số 568 ƯCV, đạt trên 42% và cấp xã 1.803 ƯCV nữ trên tổng số 4.570 ƯCV, đạt trên 39%.
Bà Đặng Thị Mộng Huyền cũng chia sẻ, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc tham gia hoạt động chính trị đối với chị em phụ nữ (PN) vẫn là những định kiến của xã hội cho rằng, chính trị không phù hợp với PN; nam giới lãnh đạo, quản lý tốt hơn vì PN thường thiếu quyết đoán, rụt rè và tự ti về năng lực ứng cử vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt, ứng cử vào các cơ quan dân cử… Ngoài ra còn có nhiều ý kiến, PN nên dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Bên cạnh đó, một số quy định khác biệt giữa nam và nữ về độ tuổi lao động, tuổi nghỉ hưu trong quá trình quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, bố trí sử dụng… đã hạn chế sự tham gia của PN vào các lĩnh vực đời sống xã hội.
Trong khi đó, việc trở thành ĐB HĐND không hề đơn giản, đòi hỏi PN cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi. Ngoài việc bản thân tự phấn đấu thì rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ của xã hội và gia đình nhằm tạo điều kiện cho đại biểu nữ thực hiện tốt vai trò đối với cử tri. Vì vậy, để giảm bớt khó khăn cho chị em PN, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn cho nữ ƯCV ĐB HĐND các cấp, đặc biệt là nữ ƯCV lần đầu tham gia ứng cử. Cụ thể, tổ chức 1 lớp cho 200 nữ ƯCV lần đầu ở cấp tỉnh, huyện, thị và 9 lớp cho nữ ƯCV cấp xã, phường, thị trấn.
Tham gia lớp tập huấn, các ƯCV nữ đã được nghe bà Trần Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam trình bày các nội dung như: Tại sao PN có thể trở thành những nhà lãnh đạo tốt; PN và sự tham gia vào hệ thống chính trị ở Việt Nam; hệ thống chính trị của Việt Nam, Quốc hội và HĐND; quy trình ứng cử; các bước xây dựng chương trình hành động; chuẩn bị cho hội nghị tiếp xúc cử tri và kỹ năng trình bày chương trình hành động; cách thức làm việc với truyền thông. Đồng thời, các ƯCV còn được nghe bà Trần Thị Kim Vân, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chia sẻ về những kinh nghiệm thực tế khi đi tiếp xúc cử tri, cách viết và thể hiện chương trình hành động.
Lần đầu có tên trong danh sách ƯCV nên không ít chị em PN bỡ ngỡ, vì vậy những lớp tập huấn đã giúp các ƯCV nữ thêm phần tự tin. Sau khi học tập, thực hành, các nữ ƯCV đã có thể xây dựng và trình bày được chương trình hành động; kỹ năng tuyên truyền vận động thông qua phương tiện thông tin đại chúng… Những kiến thức này giúp chị em tự tin và chủ động hơn khi tham gia ứng cử. Theo bà Đặng Thị Mộng Huyền, dẫu có nhiều khó khăn, nhất là với các chị tham gia ứng cử lần đầu cũng như chị em hiện còn chịu nhiều áp lực, định kiến về giới, nhưng để khẳng định được vị trí, vai trò của nữ giới, chị em phải cố gắng hết mình, thật sự bản lĩnh, tự tin tham gia ứng cử.
THU THẢO