Bảo đảm tốt nguồn nước sạch theo lộ trình

2016-01-06 08:03:27

Tại kỳ họp lần thứ 18 HĐND tỉnh khóa VIII vừa qua, đại biểu HĐND tỉnh và cử tri đã rất quan tâm đến vấn đề cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt là giai đoạn 2016-2020 khi Bình Dương tiến tới đạt chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

 

 Phòng quản lý, vận hành liên thông các nhà máy trong hệ thống bằng công nghệ Scada tại Xí nghiệp cấp nước Dĩ An, rất thuận tiện trong việc bổ sung, chuyển nguồn nước hoặc phát hiện, xử lý sự cố trên hệ thống. Ảnh: DUY CHÍ

Sử dụng vốn vay hiệu quả

Tại buổi tiếp và làm việc của lãnh đạo tỉnh Bình Dương với đại diện Ngân hàng châu Á (ADB) về chương trình tài trợ vốn vay tiếp theo cho Dự án thu gom xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải đô thị khu vực Dĩ An - Tân Uyên thuộc Dự án thu gom xử lý nước thải sinh hoạt Nam Bình Dương vừa qua, ngài Artur Andrysiak, Vụ trưởng Vụ Quản lý ADB đã đặt vấn đề: Có hay không sự tài trợ từ phía Nhà nước mà Bình Dương đã chậm điều chỉnh tăng giá nước theo cam kết 2 năm 1 lần. Trong khi các tỉnh, thành lân cận đều đã điều chỉnh tăng giá giá nước, còn Bình Dương vẫn chưa tăng.

Chia sẻ về mối quan tâm của ngài Artur Andrysiak, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bình Dương được Chính phủ đánh giá là địa phương sử dụng vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hiệu quả nhất cả nước, bằng rất nhiều công trình cụ thể như: Nhà máy thu gom xử lý rác thải, Nhà máy cấp nước Dĩ An, Dự án thu gom xử lý nước thải Nam Bình Dương… Các dự án này hoàn toàn sử dụng vốn vay ODA từ các nước Đan Mạch, Hà Lan, Nhật Bản…

Ông Trần Thanh Liêm cho rằng, với tốc độ tăng trưởng nhanh, kéo theo đà tăng dân số cơ học cao gần 10%/năm, ngân sách tỉnh Bình Dương không đủ khả năng để đầu tư cho cơ sở hạ tầng nên phải vay vốn ODA để đầu tư phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, với cam kết phục vụ các nhu cầu thiết yếu của nhân dân như làm đường, xây dựng trường học, trạm y tế, bệnh viện, cung cấp nước sạch, bảo vệ môi trường... Nhờ thực hiện đúng cam kết và đúng với nội dung dự án, cộng với tinh thần chịu khó nghiên cứu công nghệ, học tập kinh nghiệm trong quá trình hợp tác, đơn vị sử dụng vốn đã phát huy được năng lực quản lý, kiểm soát thất thoát nên chưa tăng giá thành. Điều này cũng đúng với tinh thần phục vụ nhân dân mà Bình Dương đã cam kết khi vay vốn.

Bảo đảm nguồn nước sạch cho phát triển

Ông Nguyễn Văn Thiền, Tổng Giám đốc BIWASE cho biết, với chủ trương xã hội hóa, công ty tiếp tục đầu tư mở rộng thêm nhiều nhà máy mới tại 2 huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên và hỗ trợ tỉnh Bình Phước xây dựng nhà máy nước Chơn Thành phục vụ thu hút đầu tư. Nước sạch là nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân và doanh nghiệp. Trách nhiệm của công ty là bảo đảm cung cấp đủ nước sạch, chất lượng tốt phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh.

Cách đây vài năm, các nhà máy cấp nước do Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE) đều hoạt động vượt công suất thiết kế, có nơi lên đến 10%. Nguyên nhân là do tốc độ tăng dân số duy trì ở mức cao, cộng với chủ trương ngừng khai thác nguồn nước ngầm đối với doanh nghiệp và hộ gia đình của UBND tỉnh. Ông Nguyễn Văn Thiền, Tổng Giám đốc BIWASE cho biết, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh, cán bộ, nhân viên công ty đã chịu khó tìm kiếm công nghệ, lựa chọn đối tác để triển khai thực hiện dự án đạt hiệu quả cao nhất. Từ các khoản tiết kiệm đó đã giúp công ty có điều kiện mở rộng đầu tư, tiếp tục phát triển các dự án tiếp theo theo hướng xã hội hóa...

Đến nay, các nhà máy nước thuộc BIWASE quản lý đã có được nguồn dự trữ. Cụ thể như Xí nghiệp cấp nước Khu liên hợp với 2 nhà máy, có tổng công suất 300.000m3/ngày đêm đã tạo được nguồn dự trữ trên 10.000m3. Tuyến đường ống cấp nước của nhà máy đã đến các địa bàn từ trước đến nay chưa từng có nước sạch. Đường ống cũng đã vượt qua sông Thị Tính mang nước sạch đến với bà con vùng căn cứ cách mạng Rạch Bắp, Phú Thứ…

Đối với Xí nghiệp cấp nước Dĩ An, có công suất 300.000m3/ ngày đêm đã có dự trữ hơn 25.000m3. Năm 2015, xí nghiệp đã phát triển thêm mạng lưới từ nguồn vốn vay ODA của ADB và vốn tích lũy của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Tính, Phó Giám đốc xí nghiệp cho biết, nhờ xã hội hóa mà xí nghiệp có điều kiện phát triển thêm đường ống mới trị giá trên 9,6 tỷ đồng, đưa nước sạch đến các khu vực xa xôi, khó khăn về nguồn nước như những khu dân cư mới hình thành tại các phường Tân Đông Hiệp, Tân Bình của TX.Dĩ An... Ngoài ra, xí nghiệp còn hỗ trợ đưa nước sạch đến phục vụ 900 hộ dân tại các khu phố 4, 5, 6 của phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh; các phường Hóa An, Tân Vạn, Bửu Hòa của TP.Biên Hòa, Đồng Nai…

 DUY CHÍ

 

Báo Bình Dương