Bảo đảm tập sách, dụng cụ học sinh cho năm học mới
(BDO) Chuẩn bị cho năm học mới 2020-2021, các đơn vị tham gia bình ổn thị trường đã triển khai hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh về việc bảo đảm cung ứng đầy đủ với giá bình ổn sách giáo khoa, tập và dụng cụ học sinh.
Điểm bán sách bình ổn theo kế hoạch tại Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.Hồ Chí Minh (Fahasa)
Giá sách, tập vở giảm
Theo Sở Công thương, có 4 đơn vị tham gia bình ổn thị trường phục vụ năm học mới, gồm: Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị giáo dục Bình Dương (Bibeco), Công ty Cổ phần Văn hóa và Thương mại Bình Dương, Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.Hồ Chí Minh (Fahasa), Bưu điện Bình Dương. Thời gian bắt đầu thực hiện chương trình của các đơn vị từ tháng 4-2020 đến 25-12-2020, bao gồm 331 điểm bán.
Với tổng kinh phí thực hiện chương trình dự trữ 108,1 tỷ đồng, các hệ thống phân phối sẽ được tổ chức từ tỉnh đến huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn, chủ yếu tập trung ở các trường học, đại lý, nhà sách và các nông trường cao su trên địa bàn tỉnh. Theo bà Đỗ Thị Nữ, Phó Giám đốc Công ty Bibeco, căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh, công ty đã nỗ lực trong việc thực hiện bình ổn thị trường sách giáo khoa, tập vở và dụng cụ học sinh. Đến nay, công ty đã thực hiện tại 120 điểm trường và 10 đại lý trên địa bàn tỉnh. Tổng số tiền giải ngân đến nay đạt trên 20 tỷ đồng. Trong suốt thời gian bán hàng bình ổn, công ty cam kết sử dụng vốn đúng mục đích, tuân thủ tuyệt đối quy định bán giảm giá sách giáo khoa, sách bổ trợ là 10%/giá bìa, tập vở và dụng cụ học sinh giảm 15%/ giá thị trường.
Tại các điểm bán trên địa bàn tỉnh của Bưu điện Bình Dương cũng thực hiện tốt kế hoạch bình ổn theo cam kết. Theo bà Lê Thị Mai Ca, Trưởng phòng Kinh doanh Bưu điện Bình Dương, từ tháng 4-2020, tại các điểm bình ổn, các bưu điện văn hóa xã đã triển khai có hiệu quả chương trình bình ổn tập sách. Nhu cầu của phụ huynh nhiều nhất vào cuối tháng 5 và tháng 6. Đến nay, Bưu điện vẫn duy trì đều đặn chương trình bán sách giáo khoa và các dụng cụ học tập theo cam kết. Tuy nhiên, so với các năm, năm học 2020- 2021 doanh số bán ra tại các điểm bán có sụt giảm.
Cảnh báo sách lậu, sách giả
Theo phản ánh của các công ty, nạn sách giả, sách lậu vẫn diễn ra. Mới đây, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) lên tiếng cảnh báo hiện tượng các trang mạng dùng hình ảnh sách thật của các đơn vị xuất bản để chạy quảng cáo, tuy nhiên sách tới tay người mua là sách lậu, sách giả. Giữa tháng 6 vừa qua, NXB Kim Đồng phát đi thông điệp “Sách và con trẻ xứng đáng với một tình yêu chân thật”. Nhà xuất bản này cùng với các đơn vị bạn liên tục phát hiện các cuốn sách nổi tiếng bị làm giả, in lậu với số lượng lớn và chất lượng kém. Sách giáo khoa cũng không thoát tình trạng bị làm giả tràn lan. Cuối tháng 6, Bộ Giáo dục - Đào tạo có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị chỉ đạo quản lý thị trường ngăn chặn sản xuất, tiêu thụ sách giáo khoa giả trước phản ánh của nhiều phụ huynh lo ngại hiện tượng nhiều xuất bản phẩm, sách giáo dục giả ở một số địa phương.
Theo khuyến cáo của Sở Giáo dục - Đào tạo, hiện nay với các chương trình sách giáo khoa tích hợp nếu mua phải sách in lậu, kém chất lượng thì giáo viên, học sinh và phụ huynh sẽ không sử dụng được các tiện ích, phần mềm hỗ trợ dạy và học được cung cấp trong sách thật. Mua phải sách in lậu, sách giả, học sinh phải học tập trên các cuốn sách có giấy in và mực in kém chất lượng, không có các chỉnh sửa bổ sung trong phần chế bản. Một số sách được dán thẻ cấp quyền sử dụng phần mềm hỗ trợ vào bìa sau. Các sách mềm, phần mềm này sẽ hỗ trợ giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học giúp học sinh tăng thời lượng thực hành, rèn luyện kỹ năng, tự làm bài tập và kiểm tra kết quả làm bài của mình, đặc biệt là sách tiếng Anh. Với các sách in lậu, học sinh sẽ không thể sử dụng các tiện ích này.
Để bảo vệ quyền lợi của chính mình, giáo viên, phụ huynh và học sinh, nhất là vùng sâu, vùng xa nên tìm mua sách tại các hệ thống phân phối chính thức, không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường. Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, việc đấu tranh với nạn sách giả, sách lậu ngày càng phức tạp, khó khăn bởi phương tiện máy móc để sao chép, in ấn ngày càng nhỏ và đặt lẫn vào các khu dân cư, lại không phải đăng ký. Thêm vào đó, kỹ thuật in ấn, photo ngày càng phát triển gây khó khăn cho các ngành trong việc xác định sách lậu, sách giả. Hiện nay, có những loại máy photo 300 trang/phút, tương đương máy in, nhưng không phải đăng ký, khiến nạn sách lậu, sách giả càng khó kiểm soát.
TIỂU MY