Bảo đảm phòng chống ngập úng hiệu quả

Thứ hai, ngày 06/10/2014

Tại buổi giám sát xử lý các điểm ngập trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh xử lý ngập úng cần chú trọng công tác quy hoạch tổng thể và đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước trọng điểm.

(BDO)  Quy hoạch đồng bộ

 Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch tổng thể thủy lợi và cấp thoát nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2005-2010 và định hướng đến 2020. Đây là cơ sở cho việc quản lý, chỉ đạo và thực hiện công tác thoát nước và thủy lợi trên địa bàn tỉnh; đồng thời khai thác tiềm năng nguồn nước và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bền vững. Trên cơ sở quy hoạch này, các ngành, các cấp có thể lập, phê duyệt và triển khai đầu tư xây dựng, kịp thời đưa vào sử dụng các dự án thoát nước trên địa bàn tỉnh.

 Điểm ngập cầu Bưng Cải trên đường Phạm Ngũ Lão, TP.Thủ Dầu Một Ảnh: P.LÊ

UBND tỉnh cũng đã ban hành Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường khu vực nam Bình Dương nhằm nghiên cứu, đánh giá thực trạng hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường trên địa bàn phía nam của tỉnh. Quy hoạch này làm cơ sở để triển khai lập chương trình, kế hoạch trong lĩnh vực thoát nước và vệ sinh môi trường để thực hiện đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh theo định hướng quy hoạch.

Bên cạnh đó, Quy hoạch vùng tỉnh Bình Dương cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2006 là tiền đề để nghiên cứu phát triển thành Quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với đó là các đồ án quy hoạch chung đô thị các huyện, thị, thành phố trong tỉnh để tạo định hướng phát triển đô thị Bình Dương trong tương lai.

Đến nay, tỉnh có 15 đồ án quy hoạch chung đô thị; 23/41 quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000; 36/48 đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới; 224 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Các đồ án quy hoạch này đã được UBND tỉnh duyệt và đều có liên quan đến quy hoạch thoát nước.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh trong thời gian qua cho thấy sự cần thiết trong vấn đề lập Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xác định cốt nền và thoát nước mặt chung của tỉnh. Theo ông Hà, việc lập Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị này sẽ cụ thể hóa nội dung định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trong đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị, bảo đảm đủ cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị phục vụ công tác nâng cấp đô thị sau này. Đồng thời, qua quy hoạch này còn nhằm đánh giá tổng hợp tình hình thoát nước và ngập úng đô thị, cũng như đưa ra các giải pháp thoát nước mặt đô thị, hạn chế phát sinh các điểm ngập mới và giải quyết triệt để các điểm ngập hiện nay.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến tháng 8-2014 toàn tỉnh có 88 điểm ngập trong lĩnh vực xây dựng và 13 vùng ngập trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 53 điểm ngập trong lĩnh vực xây dựng tồn đọng từ năm 2013 chưa xử lý. Ông Nguyễn Lộc Hà cho biết công tác chống ngập nước phải bảo đảm sự đầu tư đồng bộ, đặc biệt là các trục chính thoát nước để tiếp nhận các nguồn thu nước đổ về nên cần có sự phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể của các ngành, các cấp, các đơn vị đầu tư xây dựng dự án thoát nước và trách nhiệm của địa phương trong giải quyết thoát nước cục bộ trên địa bàn được giao. Bên cạnh đó, các dự án thoát nước chính của đô thị cần căn cứ theo quy hoạch đô thị, quy hoạch thoát nước, quy hoạch phân khu nhằm bảo đảm tính khả thi của dự án.

Đánh giá tầm quan trọng công tác quy hoạch tổng thể đối với vấn đề xử lý ngập úng của tỉnh, ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết xử lý ngập úng trên địa bàn tỉnh phải gắn với quan điểm phát triển đô thị của tỉnh, công tác chỉnh trang đô thị. Do đó, các ngành và địa phương cần tập trung giải quyết phần gốc của vấn đề là công tác quy hoạch thoát nước tổng thể nhằm kiểm soát, giảm thiểu tối đa tình trạng ngập nước góp phần phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.

Tại buổi giám sát xử lý các điểm ngập trên địa bàn tỉnh Bình Dương mới đây, ông Trần Văn Nam cũng đã yêu cầu các sở, ngành liên quan cần tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thoát nước lớn, trọng điểm phục vụ tiêu thoát nước cho khu vực nhằm bảo đảm phòng chống ngập úng trên địa bàn tỉnh hiệu quả.

Nhằm phục vụ công tác tiêu thoát nước, hiện nay các công trình thoát nước lớn, trọng điểm đã được tỉnh đầu tư, như: Dự án Chòm Sao - Suối Đờn với nhiệm vụ thu nhận nước mưa và nước thải đã qua xử lý cho lưu vực khoảng 1.702 ha. Dự án gồm 8 tuyến kênh tiêu thoát nước và chia thành 15 gói thầu, đến nay đã thi công hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng 2 gói thầu thuộc tuyến kênh T3; Dự án hệ thống thoát nước Dĩ An và Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp nhằm giải quyết cơ bản vấn đề thoát nước cho khu vực phường Dĩ An và Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp với tổng diện tích thoát nước cho toàn lưu vực của dự án là 2.513 ha. Dự án gồm 9 tuyến kênh tiêu, đến nay đã thực hiện hoàn thành 3 tuyến công trình là kênh T5A, Suối Nhum đoạn từ K0-K1+400 và kênh tiêu T6...

Theo ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để giải quyết triệt để thoát nước, ngập úng cần rà soát bổ sung quy hoạch thoát nước tổng thể, chi tiết đến từng lưu vực, từng khu vực và từng công trình phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra, cần đầu tư đồng bộ hệ thống đê bao, thoát nước theo quy hoạch; đồng thời, dự án thoát nước phải bảo đảm thoát nước cho lưu vực và theo từng công trình, dự án…

Ông Nguyễn Lộc Hà cho rằng, tỉnh cần khẩn trương lập và trình phê duyệt Đồ án Quy hoạch thoát nước và cao độ nền tỉnh Bình Dương. Đồ án này sẽ là cơ sở triển khai các quy hoạch thoát nước chi tiết, dự án đầu tư phục vụ tiêu thoát nước chống ngập nước trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa chất lượng trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch, dự án giao thông, dự án thoát nước. Việc giải quyết thoát nước cho đường, khu dân cư theo quy hoạch cần bảo đảm thoát nước cho các khu vực lân cận thuộc lưu vực và phải có điểm tiếp nhận nước phù hợp bảo đảm công tác tiêu thoát nước tốt.

PHƯƠNG LÊ