Bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ dịp cuối năm
(BDO) Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp (DN) bảo đảm nguồn hàng và đáp ứng nhu cầu hàng hóa, nguồn cung ứng điện, xăng dầu, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN kết nối giao thương, mở rộng thị trường.
Phiên chợ hàng Việt tại phường Hưng Định, TP.Thuận An dịp cuối năm 2023 do ngành công thương tổ chức
Phân phối linh hoạt, đồng đều
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, năm 2023 thị trường có nhiều biến động kéo theo việc tăng giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào, điều này tiếp tục gây ra thách thức cho giá thành sản phẩm. Do vậy, giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ vẫn ở mức cao và tạo áp lực lên chi tiêu cá nhân.
Để tình hình thị trường năm 2024 ổn định, ngành công thương đã tham mưu UBND tỉnh chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa trong dịp lễ, tết với mục tiêu nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu luôn được bảo đảm, giá cả hàng hóa ổn định, không có biến động lớn, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất của DN và đời sống của người dân. Bà Phan Thị Khánh Duyên cho biết: “Đến cuối năm 2023, nhiều hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tăng trưởng trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước đạt 303.853 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm trước. Năm 2024, kế hoạch bình ổn thị trường của tỉnh với tổng giá trị hàng hóa dự trữ khoảng trên 11.602 tỷ đồng (trong đó không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh). Ở giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 khoảng 2.258 tỷ đồng”.
Bà Phan Thị Khánh Duyên cho biết thêm, UBND chỉ đạo các sở ngành, địa phương, DN chung tay bình ổn thị trường hàng hóa. Các DN đã cam kết bảo đảm chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm và tuân thủ giá đã đăng ký. Để bảo đảm một sự phân phối linh hoạt và đồng đều, các điểm bán hàng lưu động và điểm bán hàng bình ổn sẽ được tổ chức tại các huyện, thị, thành phố, khu công nghiệp và khu dân cư.
Theo ông Võ Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, thành phố đã chủ trì họp thông qua kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, sắp xếp trật tự kinh doanh tại các chợ và bố trí các điểm bán hàng tạm thời phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn. Theo đó, thành phố tổ chức dự trữ hàng hóa thiết yếu từ ngày ban hành kế hoạch đến hết ngày 31-12- 2023, trong đó tập trung cho giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Các mặt hàng thiết yếu tại các chợ phục vụ nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán gồm lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến… Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa thiết yếu năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán của tỉnh. Song song đó, thành phố tổ chức kiểm tra, sắp xếp trật tự kinh doanh tại các chợ, trong đó tập trung kiểm tra về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh, dụng cụ đo lường, công tác phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tăng cường kiểm soát thị trường
Với vai trò là đô thị trung tâm, lãnh đạo UBND TP.Thủ Dầu Một cho biết bên cạnh nỗ lực ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm tiêu dùng tăng cao của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, thành phố cũng có kế hoạch tổ chức hoạt động tạo không khí mua bán và làm cầu nối giữa nhà nông và người tiêu dùng những sản phẩm nông nghiệp như trái cây, cây cảnh, hoa kiểng... trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Bên cạnh đó, sắp xếp trật tự kinh doanh, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh thương mại tại các chợ nhằm phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, Trưởng ban Chỉ đạo 389 thành phố cho biết, Ban Chỉ đạo 389 TP.Tân Uyên đang tập trung chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng, địa phương chuẩn bị cung cấp đủ nguồn hàng hóa tiêu dùng bảo đảm chất lượng, an toàn cho nhân dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Chủ động tăng cường lực lượng, phương tiện, biện pháp, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về niêm yết giá..., nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong dịp tết. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương các cấp nắm chắc tình hình, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát địa bàn, không để phát sinh các kho, bãi, điểm trung chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hoạt động lợi dụng môi trường thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
“Chúng tôi đang soạn thảo kế hoạch đề nghị các cơ quan, thành viên Ban Chỉ đạo và UBND các xã, phường trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương mình để triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2024 đạt hiệu quả cao, kiên quyết không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”, ông Huỳnh Văn Lợi cho biết.
TIỂU MY