Bảo đảm nguồn cung hàng hóa, bình ổn thị trường

Thứ hai, ngày 09/01/2023

(BDO)  Nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, góp phần bình ổn giá cả thị trường và thực hiện công tác an sinh xã hội, UBND TP.Thuận An xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

 Lực lượng chức năng TP.Thuận An tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Ảnh: T.HỒNG

 Cân đối cung - cầu

Hiện nay, dân số trên địa bàn TP.Thuận An có khoảng 629.700 người. Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm thiết yếu bình quân 1 ngày cho toàn thành phố tổng giá trị khoảng 43,64 tỷ đồng. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng hàng hóa của nhân dân, mạng lưới phân phối bán lẻ các mặt hàng thiết yếu được phân bố đều và rộng khắp trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại các khu, cụm công nghiệp tập trung và khu vực nhà trọ công nhân. Bên cạnh đó, nhằm kích cầu tiêu dùng, các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường còn tổ chức hệ thống phân phối xuống các xã, phường.

Ông Nguyễn Thành Úy, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết: “Hiện thành phố đang nỗ lực bảo đảm việc cung ứng, dự trữ hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường trong dịp tết. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy nguồn cung, tạo khan hiếm hàng hóa cục bộ và lợi dụng tình hình đầu cơ, tăng giá”. Ông Nguyễn Thành Úy cho biết thêm thành phố đã vận động các doanh nghiệp hoạt động thương mại, sản xuất hàng hóa thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường bằng hình thức tổ chức bán hàng lưu động hoặc tham gia các phiên chợ vui, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các khu, cụm công nghiệp phục vụ công nhân, người lao động trên địa bàn. Bảo đảm chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống. Các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cửa hàng cung ứng và chế biến lương thực thực phẩm phải được vận hành liên tục, ổn định.

Thời gian thực hiện chương trình bình ổn thị trường được tập trung cao điểm từ ngày 7-1 đến 17 giờ ngày 21-1 (tức từ ngày 16-12-2022 đến 17 giờ ngày 30-12-2022 âm lịch), sau đó tiếp tục triển khai các tháng còn lại trong năm 2023. Danh mục các mặt hàng thiết yếu tham gia bình ổn chủ yếu là lương thực như gạo, nếp, các loại ngũ cốc... thực phẩm công nghiệp như đường, sữa, bột ngọt, dầu ăn, nước chấm, nước giải khát, mì gói, bánh mứt, kẹo… thực phẩm tươi sống gồm thịt gia súc, gia cầm, trứng gà, trứng vịt, rau củ quả…

Tăng cường kiểm soát

Ông Nguyễn Thành Úy cho biết: “Để bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão và cả năm 2023 trên địa bàn, UBND thành phố yêu cầu các ngành liên quan phải chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án ứng phó nhằm ổn định thị trường khi cần thiết”.

UBND TP.Thuận An yêu cầu Đội Quản lý thị trường số 2 tăng cường phối hợp, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt công tác quản lýthịtrường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, chống các hành vi vi phạm các quy định sở hữu trí tuệ và các hành vi gian lận thương mại khác trong hoạt động thương mại thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Kiểm tra các doanh nghiệp, đại lý, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thực hiện các quy định về kinh doanh, thực hiện văn hóa, văn minh thương mại, bán hàng phải niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, tránh tình trạng đầu cơ găm hàng, tăng giá.

 Nhằm giúp mọi người dân tiếp cận được nguồn hàng bình ổn và thực hiện cơ chế giám sát của nhân dân trong việc thực hiện cam kết bình ổn thị trường của các doanh nghiệp liên quan, UBND TP.Thuận An đã thực hiện công khai cung cấp thông tin cho người dân về mạng lưới bán lẻ trên địa bàn quản lý. Đồng thời, tổ chức hội chợ bán hàng lưu động trên địa bàn, nhằm đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 PHƯƠNG LÊ - DƯƠNG HUYỀN