Bảo đảm kỳ thi trung học phổ thông quốc gia được tổ chức chặt chẽ, có chất lượng

Thứ năm, ngày 12/02/2015

(BDO) Trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, cử tri tỉnh Bình Dương bày tỏ băn khoăn về đề án tổ chức một kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển đầu vào các trường đại học, cao đẳng, vì cho rằng kết quả kỳ thi chung này sẽ không phản ánh đúng năng lực thực tế của học sinh, nên việc xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sẽ không bảo đảm tính sàng lọc. Cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp tổ chức thực hiện bảo đảm khoa học, chặt chẽ, chất lượng; đồng thời, nên có hướng dẫn, định hướng, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục lựa chọn, quyết định việc tổ chức thi tuyển hay xét tuyển riêng của đơn vị mình. Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung nghiên cứu để kỳ thi này đánh giá được thực chất và phân loại được năng lực của học sinh, hạn chế tình trạng học tủ, học lệch của học sinh, bảo đảm được việc tuyển sinh vào các trường đại học đạt chất lượng cao; đề nghị cần tổ chức thực hiện thận trọng, chặt chẽ, khoa học, bảo đảm tính kế thừa và ổn định trong thời gian dài, nhằm tránh gây lãng phí ngân sách Nhà nước và tiền của nhân dân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời tại Văn bản số 362/BGDĐT-VP ngày 26-1-2015 như sau: Phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là cách tiếp cận mới trên cơ sở những đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng những năm qua, nhất là năm 2014. Đây là phương án không dựa trên việc bỏ một trong 2 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tuyển sinh đại học, cao đẳng mà là tổ chức một kỳ thi chung nhằm làm cho thi cử gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm mà vẫn cho kết quả tin cậy và thực sự là động lực cho quá trình nâng cao chất lượng dạy học trong các nhà trường phổ thông. Các giải pháp bảo đảm mục tiêu tổ chức thi cụ thể như: Thi theo môn, kết hợp sử dụng kết quả thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông nhằm góp phần khắc phục tình trạng học lệch.

Kỳ thi có 8 môn thi. Để được xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, thi sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông các năm trước nếu có nhu cầu thì chỉ cần đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh đại học, cao đẳng. Việc thi theo môn là sự chuyển tiếp, kế thừa những thành công trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 đã được xã hội đánh giá tích cực, bảo đảm tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên và học sinh, đề thi sẽ vẫn có định dạng tương tự đề thi những năm trước đó; do đó, không gây hoang mang, lo lắng cho thí sinh. Bên cạnh đó, vì thi theo môn nên các trường có thể tổ hợp các môn thi một cách đa dạng (các tổ hợp tương tự khối thi tuyển sinh đại học, cao đẳng trước đây) để tuyển được thí sinh có năng lực phù hợp vào học các ngành đào tạo của trường. (Còn tiếp)