Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải:

Bảo đảm giao thông thuận lợi trong thời gian cải tạo, sửa chữa cầu Ông Cộ cũ

Thứ tư, ngày 21/08/2019

(BDO) Ngày 19-9-2018, UBND tỉnh có Công văn số 4415/UBND- KTN, tiếp đó ngày 3-5- 2019 UBND tỉnh có Công văn số 1967/UBND-KTN về việc chấp thuận chủ trương, giải pháp cải tạo, sửa chữa cầu Ông Cộ cũ trên đường ĐT744. Theo đó, kể từ ngày 7-8-2019, đơn vị thi công tiến hành cải tạo, sửa chữa cầu Ông Cộ cũ. Trong thời gian 120 ngày, các phương tiện giao thông tham gia đường bộ và đường thủy sẽ được phân luồng, điều tiết giao thông để tạo điều kiện cho việc thi công công trình. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải xung quanh vấn đề này.

 Đơn vị thi công đặt dải phân cách trên cầu Ông Cộ mới . Ảnh: PHƯƠNG LÊ

 - Xin ông cho biết vì sao phải cải tạo, sửa chữa cầu Ông Cộ cũ trên đường ĐT744?

- Cầu Ông Cộ cũ qua sông Thị Tính nằm trên đường ĐT744 là trục đường chính đang được khai thác, sử dụng có lưu lượng xe lớn. Đường ĐT744 nối liền trung tâm của tỉnh và vùng kinh tế hướng tây bắc của tỉnh, đóng vai trò thiết yếu trong việc phát triển kinh tế - xã hội của TX.Bến Cát và huyện Dầu Tiếng, thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa các KCN An Tây, An Điền - Rạch Bắp, Thanh An, khu cảng đường thủy nội địa An Tây và các vùng lâm nghiệp chuyên canh, sản xuất các mặt hàng cao su trong địa bàn tuyến đi qua.

Mặt cầu rộng 9m gồm có hai làn xe lưu thông một chiều (hướng từ Dầu Tiếng đi quốc lộ 13), lan can và lề bộ hành mỗi bên rộng 1m. Cầu được đầu tư xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 1995 với tổng chiều dài cầu là 124,35m, gồm 5 nhịp dầm T 24,70m (loại dầm này hiện nay không còn được sản xuất và không được phép sử dụng cho xây dựng mới các cầu theo Tiêu chuẩn thiết kế cầu - 22TCN272:2005 của Bộ Giao thông - Vận tải). Cầu chỉ có 1 khoang thông thuyền cho cả 2 chiều lưu thông thủy với tĩnh không HxB là 2,3m x 20m.

Có thể thấy, sự không đồng bộ tải trọng khai thác cho tuyến đường là rào cản cho sự phát triển giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, theo báo cáo kết quả kiểm định thử tải cầu Ông Cộ do Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam lập vào tháng 11-2011 và báo cáo kết qủa kiểm định thử tải cầu Ông Cộ do Công ty Cổ phần UTC2 lập vào tháng 12-2016 thì hiện trạng công trình được kết luận là không đủ khả năng khai thác theo tải trọng HL93+3kN/m2 người đi và được kiến nghị cần có biện pháp sửa chữa và tăng cường kịp thời.

Hiện trạng cầu đang được cắm biển hạn chế tải trọng qua cầu là 25T. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát, hiện nay cầu đang bị quá tải vì trên tuyến có rất nhiều xe nặng lưu thông như xe tải, xe container… Do vậy, việc đầu tư cải tạo, sửa chữa cầu Ông Cộ là cần thiết nhằm cải tạo tĩnh không giao thông thủy dưới cầu, tránh phát sinh những hư hỏng lớn hơn, bảo đảm tải trọng khai thác đồng bộ trên tuyến, bảo đảm an toàn giao thông, cùng với đó tạo sự thuận lợi cho người và phương tiện lưu thông qua cầu cũng như phù hợp với báo cáo kết quả kiểm định thử tài cầu Ông Cộ trước đó.

- Xin ông cho biết mục tiêu cải tạo, sửa chữa cầu Ông Cộ cũ?

- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 4415/UBND-KTN ngày 19- 9-2018 và Công văn số 1967/ UBND-KTN ngày 3-5-2019 của UBND tỉnh về việc chấp thuận chủ trương, giải pháp cải tạo, sửa chữa cầu Ông Cộ cũ trên đường ĐT744, Sở Giao thông - Vận tải đã tổ chức lập, phê duyệt Hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình cải tạo, sửa chữa cầu Ông Cộ cũ với giải pháp chính là thay thế dầm cầu, nâng chiều cao trụ và mố cầu, vuốt nối đường đầu cầu bảo đảm êm thuận, bố trí đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ, đường thủy...

 Đơn vị thi công thực hiện tháo dỡ dầm cầu Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Mục tiêu là nhằm vuốt nối lại đường dẫn hai đầu cầu để bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến, đáp ứng tải trọng thiết HL93, người đi bộ 3kN/ m2 và tỉnh không thông thuyền đáp ứng tỉnh không HxB là 3,5mx20m. Cùng với đó, nâng cầu cao thêm 1,2m để giảm sự hạn chế về tĩnh không thông thuyền theo phương đứng, bảo đảm cho các phương tiện không phải chờ khi lưu thông qua cầu. Dự án này có tổng mức đầu tư 13 tỷ đồng.

- Trong quá trình triển khai thi công cải tạo, nâng cấp công trình, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã có những giải pháp gì để bảo đảm các phương tiện được lưu thông thuận lợi và bảo đảm an toàn cho người khi tham gia lưu thông qua cầu Ông Cộ, thưa ông?

- Công trình đã khởi công ngày 7-8-2019. Dự kiến thời gian thi công hoàn thành công trình là 120 ngày. Sở Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo đơn vị thi công phải triển khai thực hiện các giải pháp để bảo đảm các phương tiện được lưu thông thuận lợi và bảo đảm an toàn cho người khi tham gia lưu thông qua cầu Ông Cộ.

Theo đó, các phương tiện giao thông lưu thông trên đường ĐT744 hướng từ TP.Thủ Dầu Một đi huyện Dầu Tiếng, hướng từ huyện Dầu Tiếng đi TP.Thủ Dầu Một sẽ lưu thông qua cầu Ông Cộ mới (cầu Ông Cộ mới tổ chức lưu thông 2 chiều, cầu Ông Cộ cũ cấm xe lưu thông). Đơn vị thi công đã bố trí đầy đủ biển báo hiệu đường bộ (hướng đi bắt buộc, biển cấm, biển báo đi chậm...). Ở hai đầu đoạn tuyến phân luồng giao thông và tại các vị trí cần cảnh báo bổ sung, đơn vị thi công bố trí đầy đủ dải phân cách (bằng bê tông, cọc nhựa phản quang) làn xe để bảo đảm an toàn giao thông khi lưu thông qua đoạn tuyến đang thi công. Trong thời gian từ 6 giờ sáng đến 24 giờ đêm có 2 công nhân điều tiết các phương tiện đi trên cầu mới; đối với đầu đường bắt đầu vào làn đường hẹp đều có đèn chớp xoay về ban đêm để cảnh báo các phương tiện đi chậm.

Đối với giao thông thủy, các phương tiện giao thông đường thủy lưu thông trên sông Thị Tính qua cầu Ông Cộ cũ sẽ được phương tiện ca nô cao tốc 25 CV và người điều tiết giao thông thủy dẫn hướng lưu thông qua nhịp giữa cầu Ông Cộ cũ (nhịp giữa trụ cầu T2 và T3); trên các hướng lưu thông bố trí đầy đủ hệ thống báo hiệu đường thủy nhằm thông báo hướng đi cho các phương tiện giao thông thủy. Hiện tại, mọi việc trên công trường đang rất ổn định. bảo đảm tốt an toàn giao thông thủy và giao thông bộ.

- Xin cảm ơn ông!

 PHƯƠNG LÊ (thực hiện)