Bảo đảm đủ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất

Thứ sáu, ngày 22/03/2024

(BDO) Thời tiết nắng nóng có xu hướng gia tăng cường độ trong thời điểm này, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các địa phương.

 Trạm thủy nông TP.Tân Uyên tăng cường quản lý vận hành, điều tiết nước tưới các trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp

 Nắng nóng gia tăng cường độ

Trong tháng 3, nắng nóng xuất hiện cục bộ trên một số khu vực của tỉnh. Nhiệt độ trung bình trên toàn tỉnh phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 2,0-3,00C, cao nhất là 36,30C. Ngoài ra, tình hình nhiễm mặn cũng đã xuất hiện, độ mặn cao nhất tính đến thời điểm hiện tại đo được tại Bà Lụa 0,8‰, trạm Thủ Dầu Một 0,4‰, hồ Dầu Tiếng đã vận hành theo quy trình liên hồ chứa trong mùa khô với lưu lượng 36m3/s.

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 90%, nắng nóng có xu hướng mở rộng và gia tăng cường độ trong thời kỳ này và giảm dần từ nửa cuối tháng 5-2024. Trong tháng 3, trên toàn tỉnh hầu như không có mưa nên tình hình khô hạn sẽ ở mức đáng báo động, xu thế nhiệt trong tháng 4-2024 vẫn còn ở mức cao, cao nhất khả năng đạt ngưỡng từ 38-390C. Từ cuối tháng 4, trên khu vực có thể bắt đầu xuất hiện những cơn mưa chuyển mùa khiến tình trạng khô hạn sẽ dần được cải thiện.

Thời tiết hanh khô kéo dài, khả năng sẽ gây tình trạng thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời làm tăng nguy cơ xảy ra cháy nổ. Ông Vũ Ngọc Thìn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết để chủ động phòng chống hạn, nhiễm mặn trên địa bàn tỉnh trong mùa khô năm 2024, Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống hạn, nhiễm mặn và cháy rừng triển khai đến các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện.

Chủ động ứng phó

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do nắng hạn, thiếu nước gây ra, thời gian tới, ngành NN&PTNT đề nghị các đơn vị, địa phương cần tập trung triển khai thực hiện một giải pháp trọng tâm. Chi cục Thủy lợi tăng cường tổ chức kiểm tra thực tế tình hình thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn; nắm rõ tình hình nguồn nước sinh hoạt và điều tiết nước tưới phục vụ sản xuất trên địa bàn các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, BắcTân Uyên. Đồng thời, cần Chi cục Thủy lợi thường xuyên theo dõi, cập nhật và thông báo tình hình khí tượng thủy văn, nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn kịp thời để các cơ quan, đơn vị và người dân chủ động trong sản xuất, sinh hoạt.

Song song đó, chi cục phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam có kế hoạch xả nước qua tràn hồ Dầu Tiếng với lưu lượng và thời điểm phù hợp để đẩy mặn cho hạ du sông Sài Gòn, bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ven sông; Trung tâm Đầu tư, khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn tổ chức kiểm tra, rà soát lại khả năng của các công trình cấp nước sạch, có biện pháp sửa chữa kịp thời, chống thất thoát nguồn nước, bảo đảm việc khai thác vận hành liên tục đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân.

Ngành NN&PTNT cũng chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi cần chủ động kiểm tra, xử lý ngay những sự cố hư hỏng các công trình thủy lợi, tập trung nạo vét, tu bổ hệ thống kênh mương, bảo dưỡng các thiết bị máy móc; thường xuyên theo dõi độ mặn nguồn nước trên sông để bố trí thời gian lấy nước phù hợp. Trung tâm Đầu tư, khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn quản lý, vận hành điều tiết các cống dưới đê bao hợp lý để vừa bảo đảm phòng, chống xâm nhập mặn, vừa bảo đảm nước tưới phục vụ cây trồng. Khu vực tưới của hồ Đá Bàn và Dốc Nhàn (huyện Bắc Tân Uyên), những năm qua thường xuyên thiếu nước, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên cần tăng cường kiểm tra, xác định mực nước hồ và lượng nước còn lại trong suốt quá trình tưới để có phương án phân phối nước hợp lý bảo đảm nguồn nước tưới.

Đối với chính quyền địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, thông báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh, đồng thời kiểm tra chặt chẽ tình hình sản xuất ở địa phương. Vùng có khả năng bị hạn cần khuyến cáo nông dân chuyển đổi trồng các loại cây ngắn ngày, sử dụng ít nước, bảo đảm diện tích gieo trồng, tránh tình trạng bỏ trắng diện tích. Cùng với đó, địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức trong sử dụng nước tiết kiệm, chống rò rỉ, giữ vệ sinh nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước…

Với những vùng khó khăn, chưa có tuyến ống nước sạch của công trình cấp nước đi qua, địa phương phải thường xuyên theo dõi tình hình sử dụng nước, ưu tiên giải quyết nước sinh hoạt cho người dân, nước uống cho gia súc, có kế hoạch hỗ trợ khi nguồn nước cạn kiệt; hướng dẫn người dân tăng cường biện pháp bổ sung nguồn nước sinh hoạt và sản xuất như nạo vét các giếng đào để tăng thêm nguồn nước…

 THOẠI PHƯƠNG