Bảo đảm chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh

Thứ hai, ngày 26/09/2022

(BDO) Sau 3 tuần bước vào năm học mới 2022-2023, công tác dạy và học của các trường trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp và ổn định. Cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, công tác bảo đảm bữa ăn bán trú, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các bếp ăn bán trú trường học đang được siết chặt, trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT).


Bữa ăn bán trú của học sinh trường Tiểu học Tân Hưng, huyện Bàu Bàng

Bảo đảm an toàn

Năm học 2022-2023, trường TH Duy Tân (phường Thới Hòa, TX.Bến Cát) có 2.097 học sinh (HS) và 100% tham gia bán trú. Cơ sở vật chất hiện có của trường đáp ứng tốt điều kiện giảng dạy 2 buổi/ngày với 1 lớp/phòng học. Cô Nguyễn Ngọc Thu, Hiệu trưởng trường TH Duy Tân, chia sẻ để tổ chức bữa ăn bán trú, ngay sau khai giảng, nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện như dụng cụ, cơ sở vật chất, nơi nghỉ trưa cho HS tại trường. Trước đó, Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức họp phổ biến thông tin và cho đăng ký bán trú trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh.

“Hiện tại, bếp ăn của nhà trường theo chuẩn một chiều, có 17 nhân viên gồm 1 bếp trưởng, 1 bếp phó và 15 cấp dưỡng. Chúng tôi yêu cầu công ty hợp đồng bữa ăn trưa công khai nơi cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chúng tôi xác định điều cốt yếu của việc tổ chức bán trú là khâu chọn lựa thực phẩm phải bảo đảm uy tín, chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng”, cô Thu cho biết thêm.

Tương tự trường TH Duy Tân, ngay từ ngày khai giảng, trường TH Tân Hưng (xã Tân Hưng, huyện Bàu Bàng) đã triển khai cho HS học bán trú. Năm học này nhà trường có 885 HS, trong đó có khoảng 90% HS đăng ký học bán trú. Chúng tôi có mặt tại phòng ăn của trường TH Tân Hưng khi HS chuẩn bị ăn trưa, quan sát thấy khu bếp ăn của trường khang trang, sạch sẽ, khẩu phần ăn hấp dẫn. Các em HS thực hiện tốt việc rửa tay bằng xà phòng, sau đó ai nấy vào vị trí của mình ngồi ăn.

Trao đổi với P.V, cô Huỳnh Ngọc Anh, Hiệu trưởng trường TH Tân Hưng, cho biết đối với việc tổ chức bữa ăn bán trú, nhà trường thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ các khâu từ tiếp nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến đến chia suất ăn cho trẻ. Bên cạnh đó, nhà trường còn phân công các giáo viên thay phiên nhau kiểm tra đột xuất các khâu của nhà bếp. Thực đơn của trẻ được thay đổi hàng ngày, hàng tuần theo phần mềm dinh dưỡng của Bộ GD-ĐT để bảo đảm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết.

“Việc tổ chức bữa ăn bán trú nhà trường bắt đầu từ 10 giờ 15 phút. Hiện tại, tiền ăn bán trú nhà trường đang thu là 30.000 đồng/HS, gồm bữa trưa và bữa xế. Mức thu này được nhà trường và phụ huynh thống nhất tại cuộc họp phụ huynh đầu năm. Bên cạnh đó, thực đơn hàng ngày của HS được nhà trường dán công khai tại bảng thông báo của nhà trường để phụ huynh được biết và giám sát cùng nhà trường”, cô Anh cho hay.

Giám sát chặt chẽ

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 500 trường học mầm non, TH tổ chức học bán trú tại trường. Trước thềm năm học mới 2022- 2023, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, đặc biệt là ATVSTP bữa ăn bán trú. Để bảo đảm ATVSTP, ngành GD-ĐT đã từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất, quy trình nấu nướng...; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng từ khâu nhập thực phẩm đến bàn ăn của HS.

Ngay từ đầu năm học, các trường đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất cũng như nhân sự để bảo đảm công tác bán trú; sau đó tổ chức họp phụ huynh và cho các em đăng ký bán trú trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Kết quả khảo sát các bếp ăn bán trú trong các trường TH trên địa bàn tỉnh cho thấy định mức bữa ăn được các trường xây dựng với mức thu trung bình khoảng 30.000 đồng/HS. Với định mức tiền ăn này, các trường đã tính toán đủ về khẩu phần và giá trị dinh dưỡng cho các em. Các trường đều công khai bảng kê nguồn thực phẩm hàng ngày tại bảng thông tin của nhà trường để phụ huynh nắm bắt, yên tâm về chất lượng bữa ăn của con mình.

Tại các trường, trước và sau bữa ăn, HS đều thực hiện quy định rửa tay với xà phòng để bảo đảm vệ sinh. Nhân viên cấp dưỡng thường xuyên được tập huấn kiến thức về ATVSTP. Do vậy, nhiều năm qua, bếp ăn bán trú tại các trường không chỉ bảo đảm ATVSTP mà còn liên tục nâng cao chất lượng bữa ăn. Bếp ăn được xây dựng theo chuẩn một chiều, được bố trí khoa học với các khu riêng biệt. Đồ dùng trong nhà bếp được trang bị đầy đủ, có nhiều thiết bị hiện đại như nồi cơm đa năng, máy lọc nước tinh khiết, tủ đựng thức ăn chín, tủ đựng thức ăn tươi sống... Từ đó đã rút ngắn thời gian, tiết kiệm nhân công cấp dưỡng, đồng thời góp phần ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm và nguy cơ phát sinh bệnh truyền nhiễm. Thời gian qua, ngành GD-ĐT cũng đã tăng cường nguồn kinh phí hỗ trợ mỗi năm cho việc xây dựng bếp ăn bán trú, huy động nguồn lực từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và an toàn cho bữa ăn của HS, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường lựa chọn cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, địa chỉ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm. Hàng ngày, khi tiếp nhận thực phẩm, bếp ăn đều ghi sổ trong sự giám sát chặt chẽ của Ban Giám hiệu nhà trường. Đồng thời, các trường cũng đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức về dinh dưỡng, VSATTP để phụ huynh hiểu và có trách nhiệm quan tâm đến sức khỏe của con em mình.

HIỆN TOÀN TỈNH CÓ HƠN 500 TRƯỜNG HỌC MẦM NON, TH TỔ CHỨC HỌC BÁN TRÚ TẠI TRƯỜNG. TRƯỚC THỀM NĂM HỌC MỚI 2022-2023, SỞ GD-ĐT ĐÃ YÊU CẦU CÁC TRƯỜNG TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ, HIỆU QUẢ CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM AN NINH, AN TOÀN TRƯỜNG HỌC, ĐẶC BIỆT LÀ ATVSTP BỮA ĂN BÁN TRÚ.

HỒNG PHƯƠNG