Bảo đảm an toàn thực phẩm: Vấn đề luôn được quan tâm

Thứ tư, ngày 10/08/2016

(BDO) An toàn thực phẩm (ATTP) không chỉ là mối bận tâm của chị em phụ nữ chuyên nội trợ, mà còn là vấn đề luôn được dư luận xã hội quan tâm. Bởi, ATTP liên quan đến sức khỏe của mỗi người, mỗi nhà và cả cộng đồng. Việc bảo đảm ATTP vì thế luôn là một nhiệm vụ quan trọng của các ngành chức năng. Tuy nhiên, nếu không cộng đồng trách nhiệm thì khó lòng quản lý được…

 Nâng cao công tác quản lý bếp ăn tập thể

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, trong 6 tháng qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) nào liên quan đến các bếp ăn tập thể (BATT). Công tác bảo đảm ATTP luôn được ngành quan tâm triển khai kiểm tra, giám sát thường xuyên. Tuy nhiên, vấn đề ATTP tại các BATT luôn tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra NĐTP, là nỗi lo lắng của nhiều người dân. Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi trước đó, ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các vụ NĐTP liên quan đến các BATT. Đánh giá của ngành y tế cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, tình hình NĐTP tại các BATT có khuynh hướng giảm dần. Trong giai đoạn 2006-2010, toàn tỉnh xảy ra 33 vụ NĐTP, với 1.834 người mắc. Hầu hết các vụ NĐTP xảy ra ở các BATT. Trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ NĐTP và chỉ xảy ra ở các bếp ăn doanh nghiệp.

Để có những bữa ăn bảo đảm ATTP, người tiêu dùng cần được cung cấp nguồn thực phẩm sạch và có những địa điểm ăn uống bảo đảm vệ sinh. Ảnh: H.THUẬN

Ông Trần Minh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, để tăng cường công tác quản lý ATTP đối với loại hình BATT, trong những năm qua, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo cấp trên, ngành y tế còn tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý BATT trên địa bàn tỉnh. Về công tác chỉ đạo, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATTP, trong thời gian qua, ngành y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng. Mới đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 25-7-2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP. Ngoài ra, ngành y tế cũng rất tích cực trong việc ký kết quy chế phối hợp với các ban ngành, đoàn thể nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác bảo đảm ATTP như ký với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Đoàn thanh niên, Hội LHPN tỉnh và Sở Giáo dục - Đào tạo.

Song song với công tác chỉ đạo, ngành cũng đẩy mạnh các giải pháp khác như tuyên truyền, tập huấn, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; tổ chức ký cam kết giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý về ATTP (không để xảy ra NĐTP, thực hiện các khuyến cáo về ATTP, BATT); vận động doanh nghiệp có tổ chức BATT tăng cường khả năng chủ động tự kiểm soát ATTP; đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; tăng cường công tác thanh, kiểm tra về ATTP.

Kiểm soát nước uống đóng chai

Hiện nay, trên thị trường các loại nước uống đóng chai (NUĐC), đóng bình rất phong phú, đa dạng và có thể nói là tràn lan rất khó kiểm soát. Ngoài các thương hiệu có tiếng, được mọi người tin dùng như Lavie, Victory… ai cũng có thể dễ dàng nhận ra những loại NUĐC “tinh khiết” có tên gọi na ná những thương hiệu nổi tiếng để đánh lừa người tiêu dùng. Đó là chưa kể, bên cạnh những loại NUĐC có đăng ký sản xuất với ngành quản lý, còn có những loại NUĐC, đóng bình tự sản xuất, trôi nổi cũng đang được lưu hành trên thị trường và chưa kiểm soát được. Đây cũng chính là mối quan tâm của người tiêu dùng nếu không may uống phải những loại nước này. Bởi nguy cơ nhiễm các loại vi sinh vật có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng từ những loại NUĐC này là rất cao.

Ông Trần Minh Hoàng cho biết, để quản lý vấn đề này, trong thời gian qua, ngành đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện. Cụ thể, ngành đã tiến hành đánh giá toàn diện từ quy trình công nghệ, điều kiện sản xuất, chất lượng nguồn nước đầu vào và nước thành phẩm đối với các cơ sở NUĐC trên địa bàn tỉnh. Tất cả cơ sở không đủ điều kiện sản xuất đều bị xử lý theo quy định, phải tạm ngưng để cải thiện quy trình công nghệ, khắc phục những thiếu sót trước khi đi vào hoạt động lại. Đối với các cơ sở NUĐC không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, ngành cũng đã chỉ đạo tuyến y tế cơ sở thường xuyên thống kê cơ sở NUĐC trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định. Dù nhân lực còn hạn chế, nhưng ngành y tế luôn quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất NUĐC trên địa bàn. Riêng 6 tháng năm 2016, ngành đã tổ chức kiểm tra 83 cơ sở. Kết quả, phát hiện 8 cơ sở không đạt ATTP và đã xử lý theo quy định. Ngoài ra, các đoàn kiểm tra cũng xử lý 13 cơ sở vi phạm quy định về chất lượng do sản xuất, bán ra thị trường thực phẩm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật. Tất cả các cơ sở vi phạm đều được công bố trên trang web của Sở Y tế.

Vấn đề ATTP tại các BATT hay NUĐC không bảo đảm đều có ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Do đó, để quản lý, kiểm soát ATTP, ngoài ngành chức năng, cần có sự cộng đồng trách nhiệm của các ban, ngành liên quan và toàn xã hội để cùng nhau phát hiện những vụ việc vi phạm trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm không an toàn. Có như thế, việc bảo đảm ATTP trong thời gian tới mới đạt được những kết quả cao hơn trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

* Ông Đinh Thiên Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh: Cần hỗ trợ những người sản xuất, chế biến nông sản sạch

Vấn đề ATTP trong các sản phẩm nông nghiệp như rau củ quả và thịt gần đây có nhiều thông tin làm cho người tiêu dùng lo lắng. Thực chất, sự lo lắng của người tiêu dùng là có cơ sở. Tuy nhiên, thật sự vấn đề không phải quá rầm rộ như những thông tin không chính thống đề cập.

Đối với những sản phẩm không bảo đảm ATTP, tôi cho rằng nếu chúng ta kiểm tra xử lý có kế hoạch, có quyết tâm và có cộng đồng trách nhiệm thì sẽ kiểm soát được tình hình. Và để lấn át sản phẩm không bảo đảm, cần phải tạo ra thật nhiều sản phẩm nông sản sạch để chiếm lĩnh thị trường. Do đó, tôi cũng đề đạt 2 vấn đề: Thứ nhất, chính quyền địa phương, HĐND cần tăng cường đầu tư về nhân lực, vật lực cho ngành để nâng cao năng lực quản lý ATTP theo chức năng được giao. Thứ hai, tiếp tục có những chính sách để hỗ trợ cho những người sản xuất và cả chế biến nông sản sạch để họ sản xuất ra những sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường, lấn át được những sản phẩm không sạch, tạo được sự an tâm cho người tiêu dùng.

* Bà Trần Thị Thanh Thảo, đại biểu HĐND phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một: Sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền

Hiện nay, vấn đề vệ sinh ATTP trên địa bàn phường tương đối ổn định, ý thức người dân đã có sự chuyển biến tích cực. Đa số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đều được tập huấn các kiến thức về vệ sinh ATTP và khám sức khỏe, kể cả một cơ sở kinh doanh thời vụ trong các đợt lễ hội đầu năm. Tuy nhiên, một số cơ sở kinh doanh thực phẩm vẫn chưa hình thành thói quen mang khẩu trang, tạp dề, bao tay đúng quy định. Hàng tháng, chúng tôi kiểm tra khoảng 20 cơ sở, tuy nhiên vấn đề xử phạt các cơ sở kinh doanh này còn nhiều bất cập do trên địa bàn phường có hình thức buôn bán hàng rong nhỏ lẻ, các chủ cơ sở là dân nhập cư đông. Phường sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động theo hình thức “mưa dầm thấm lâu” để các cơ sở kinh doanh chủ động ý thức trong việc bảo đảm vệ sinh ATTP cho người dân.

* Chị Trần Thị Thảo, cử tri khu phố 4, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một: Thực phẩm bẩn đang là nỗi lo của người dân

Tôi thấy, vấn đề thực phẩm bẩn đang là nỗi lo ngại nhất của người dân hiện nay, sự lo lắng “cái chết từ từ” do chất lượng vệ sinh ATTP không bảo đảm. Nhiều thông tin về thực phẩm có chất cấm, xuất xứ không rõ ràng, không bảo đảm chất lượng khiến chúng tôi rất hoang mang. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh ATTP nhằm bảo vệ tốt sức khỏe người dân; quản lý chặt chẽ về việc buôn bán chất cấm sử dụng trong thực phẩm, xử lý thật nghiêm khắc các trường hợp vi phạm để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhân dân.

THỦY HỒNG

 

 HỒNG THUẬN