Bảo đảm an toàn thực phẩm nông nghiệp
(BDO) Trong thời gian qua, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thủy sản. Qua đó, góp phần hạn chế việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thủy sản không bảo đảm chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đạt nhiều kết quả tích cực
Được sự quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản và UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã triển khai, chỉ đạo, điều hành công tác quản lý chất lượng ATTP lĩnh vực nông nghiệp đạt hiệu quả cao.
Đối với loại hình cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thủy sản thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, toàn tỉnh có 1.065 cơ sở.
Ngành chức năng kiểm tra ATTP tại Cơ sở giết mổ Út Hảo (TP.Dĩ An). Kết quả kiểm tra cho thấy, cơ sở này đạt tiêu chuẩn theo quy định
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, trong những năm qua chi cục luôn chú trọng công tác tuyên truyền về ATTP trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ, thu hoạch, sơ chế, chế biến và bảo quản thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, ATTP. Bên cạnh đó, chi cục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản theo đúng quy định của pháp luật; trong đó tập trung vào các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật, sản phẩm thủy sản và cơ sở sản xuất, kinh doanh rau quả.
Chi cục cũng thường xuyên lấy mẫu giám sát, cảnh báo các nguy cơ gây mất ATTP nông, lâm, thủy sản; xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận; đồng thời công khai danh sách và địa chỉ bán sản phẩm an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, chi cục hướng dẫn trình tự, thủ tục chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP; nghiệp vụ lấy mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản trong thực hiện công tác quản lý nhà nước.
Trong năm 2023, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tổ chức đoàn kiểm tra giám sát bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đoàn đã thực hiện giám sát 102 mẫu thực phẩm nông sản, bao gồm mẫu thủy sản nuôi, mẫu thực phẩm chế biến có nguồn gốc từ động vật và thủy sản xét nghiệm các chỉ tiêu về ATTP theo quy định (vi sinh, kim loại nặng, phụ gia, chất bảo quản, độc tố vi nấm, dư lượng kháng sinh) tại 47 quầy sạp kinh doanh thực phẩm tại các chợ và 1 cửa hàng bách hóa tổng hợp. Kết quả, có 32/102 mẫu không bảo đảm các chỉ tiêu về ATTP.
Song song đó, đoàn kiểm tra của Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã thực hiện 907 lượt kiểm tra về điều kiện kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; kiểm tra các chợ; kiểm tra an toàn thực phẩm, công tác phòng, chống dịch tại các trang trại chăn nuôi và điều kiện vệ sinh thú y tại các lò mổ gia súc, gia cầm tập trung. Qua kiểm tra, các đoàn đã phát hiện 473 vụ vi phạm, đã đề nghị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, có 3 trường hợp bị tịch thu, tiêu hủy 1.986 kg sản phẩm động vật không bảo đảm vệ sinh thú y.
Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra
Bên cạnh những kết quả đạt được nói trên, theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, trong năm 2023 vẫn tồn tại một số một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản biến động liên tục, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ. Do vậy, việc cập nhật thống kê, quản lý cơ sở chưa đầy đủ và kịp thời.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra duy trì điều kiện bảo đảm ATTP và công tác giám sát chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản có thời điểm bị gián đoạn, chưa bảo đảm tần suất theo quy định. Công tác truy xuất nguồn gốc mẫu thực phẩm không bảo đảm an toàn từ kết quả các đợt giám sát nông sản còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo hình thức hộ gia đình nên thực hiện các điều kiện bảo đảm ATTP chưa tốt (không lập sổ sách theo dõi xuất nhập; sản phẩm sản xuất, kinh doanh không có nguồn gốc rõ ràng; thu mua từ các cơ sở chưa bảo đảm điều kiện ATTP)…
Cùng với đó, nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý nhà nước về ATTP ở cấp huyện chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao (chỉ có 1 cán bộ phụ trách, trình độ chuyên môn chưa phù hợp, chủ yếu là qua đào tạo, tập huấn ngắn hạn).
Ông Trần Phú Cường, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú ý và Thủy sản, cho biết để hạn chế tối đa tình trạng vi phạm về chất lượng và ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, việc củng cố lại quy trình sản xuất là hết sức cần thiết. Trong thời gian tới, chi cục đề ra các giải pháp trọng tâm, đó là: Tổ chức triển khai kế hoạch bảo đảm ATTP nâng cao chất lượng nông - lâm - thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2024 trên địa bàn tỉnh; triển khai chương trình phối hợp tuyên truyền sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn giữa Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Sở NN&PTNT; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm chuỗi thực phẩm an toàn của địa phương.
Đồng thời, chi cục tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo đảm ATTP nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2030”; tổ chức thực hiện các nội dung theo phân kỳ. Cùng với đó, chi cục đẩy mạnh xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn; củng cố hệ thống quản lý chất lượng ATTP các cấp; điều chỉnh phân công, phân cấp quản lý ATTP phù hợp tình hình thực tiễn.
THOẠI PHƯƠNG - KIM CHÂU