Bảo đảm an toàn sức khỏe cho trẻ khi bước vào năm học mới

Thứ bảy, ngày 27/08/2022

(BDO) Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Năm học mới đã cận kề, ngành y tế lo ngại nguy cơ số ca mắc bệnh truyền nhiễm ở trẻ em sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhất là khi học sinh (HS) các cấp trở lại trường. Hiện Bình Dương đang đẩy mạnh tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho HS và tổng vệ sinh môi trường tại các trường học.


Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho HS tại trường Tiểu học Phước Vĩnh A, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo

Tỷ lệ học sinh tiêm vắc xin ngừa Covid-19 còn thấp

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 2 của trẻ từ 5 - 11 tuổi và mũi 3 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi của tỉnh nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp so với các tỉnh, thành phố. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, ngành y tế lo ngại nguy cơ số ca mắc ở trẻ em sẽ gia tăng trong thời gian tới. Đặc biệt, những ngày gần đây, số ca mắc mới và số ca nặng đang có xu hướng tăng, kể cả trẻ em. Số ca nhập viện do Covid-19 cũng tăng, trong đó có cả trẻ em chưa được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Ngành y tế tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tăng cường truyền thông về sự cần thiết của tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đến từng phụ huynh nhưng nhiều phụ huynh còn tâm lý e dè. Bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, ngành y tế tổ chức thêm nhiều điểm tiêm tại trường học, cộng đồng, cơ sở y tế, tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa con em đi tiêm chủng.

Tại huyện Phú Giáo, theo đánh giá của Phòng GD-ĐT huyện, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi rất thấp. Toàn huyện có hơn 12.300 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đang theo học và trẻ cộng đồng, số trẻ chưa tiêm chủng mũi 1 là hơn 4.000 trẻ, số trẻ chưa tiêm chủng mũi 2 là gần 5.000 trẻ. Để bảo đảm hiệu quả tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, bác sĩ CKII Đỗ Thanh Liêm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo, cho biết: “Trung tâm Y tế huyện đã đề nghị Phòng GD-ĐT huyện yêu cầu các đơn vị trường mầm non, tiểu học và các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập rà soát, tổng hợp các nhóm đối tượng trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa được tiêm chủng theo lịch tiêm của Bộ Y tế; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa con em đến tham gia tiêm chủng đầy đủ tại các điểm tiêm Trạm Y tế xã, thị trấn hoặc Trung tâm Y tế huyện; tăng cường truyền thông đến cha mẹ trẻ về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc tiêm chủng vắc xin để người dân hiểu, từ đó chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc xin; thường xuyên nắm thông tin tình hình tiêm vắc xin của HS, cập nhật kịp thời trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết: “Hiện người dân rất chủ quan trong phòng, chống dịch nên đưa trẻ đi tiêm rất ít, hơn nữa không có văn bản quy định vắc xin ngừa Covid-19 là vắc xin phải bắt buộc tiêm và song song với việc duy trì phiếu đồng ý tiêm chủng nên rất khó vận động người dân đưa con em tới các điểm tiêm chủng”.

Đăng ký nhưng không đưa con em đi tiêm

Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, phụ huynh còn tâm lý e dè với vắc xin Covid-19. Thầy Đỗ Tấn Nhạn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Nhà trường đang cùng ngành GD-ĐT huyện, Công an huyện rà soát danh sách, tiếp tục tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 - 17 tuổi. Công tác tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại trường gặp không ít khó khăn, nhiều phụ huynh đã ký vào giấy đồng ý tiêm chủng nhưng hôm sau vẫn không đưa con em mình đi tiêm mặc dù giáo viên chủ nhiệm đã nhắn tin mời”.

Anh Nguyễn Văn Dũng, ở phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một có 2 con đang học lớp 3 và lớp 5. Những ngày qua anh Dũng được giáo viên chủ nhiệm nhắn tin đưa con đi tiêm vắc xin nhưng anh Dũng không đưa con đi tiêm. Lý do anh Dũng đưa ra là 2 con đã từng mắc Covid-19, đã có miễn dịch, hơn nữa khi mắc Covid-19 triệu chứng chỉ như cảm cúm nên không cần thiết phải tiêm vắc xin. Tâm lý của anh Dũng cũng là tâm lý chung của nhiều phụ huynh HS về việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 - 17 tuổi. Tâm lý này dẫn đến tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ở trẻ tại tỉnh tương đối thấp. Thực tế, số HS từ 5 - 11 tuổi đăng ký tiêm 2 mũi và số HS từ 12 - 17 tuổi tiêm mũi 3 rất ít.

Trong khi đó, ngành GD-ĐT vẫn nỗ lực triển khai các biện pháp đẩy mạnh tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trong HS để chuẩn bị bước vào năm học mới. Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết hiện nay các trường học trong tỉnh tiếp tục duy trì đầu mối liên hệ với cha, mẹ, người giám hộ của trẻ để thông báo lịch, kế hoạch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ được kịp thời. Đặc biệt, tại các trường học, thầy cô lưu ý việc tiêm chủng mũi 2 đầy đủ cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm mũi 1; quan tâm trẻ mắc bệnh lý nền, béo phì; rà soát và hoàn thành việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho đội ngũ giáo viên, người lao động, người chăm sóc trẻ trong ngành theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh trước khi bước vào năm học mới. Cùng với đó, ngành tăng cường công tác truyền thông trong trường học, mời các chuyên gia, bác sĩ tư vấn cho cha, mẹ, người giám hộ của trẻ về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng và phương án tiêm chủng bảo đảm an toàn cho trẻ để tạo sự đồng thuận .

Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết:

Ngành y tế khuyến cáo, đây là thời điểm thuận lợi nhất cho HS từ 5 đến dưới 18 tuổi đi tiêm vắc xin ngừa Covid-19 vì các em còn nghỉ hè, có thời gian nghỉ ngơi vài ngày sau tiêm, không bị gián đoạn việc học tập. Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tạo miễn dịch cho trẻ trước khi bước vào năm học mới là rất cần thiết trong điều kiện số ca mắc đang gia tăng.

HOÀNG LINH