Bảo đảm an toàn sản xuất, kinh doanh hóa chất
(BDO) Các doanh nghiệp (DN) cần nâng cao tính chủ động, xây dựng kế hoạch phòng ngừa các sự cố hóa chất, tránh rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Trao đổi giữa chuyên gia và doanh nghiệp về các kỹ năng ứng phó sự cố an toàn hóa chất
Nâng tầm kỹ năng
Trao đổi với chung tôi, ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao trong nhiều năm liền. Hiện nay công nghiệp chiếm tỷ trọng khoảng 64% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp là nhu cầu sử dụng hóa chất phục sản xuất ngày càng tăng, hóa chất được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động sản xuất, như: Sản xuất sơn, keo, mực in, dệt nhuộm, xi mạ, sơn, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến mủ cao su, tôn thép, bình ắc quy… Từ nhu cầu đa dạng đó dẫn đến các hoạt động về hóa chất càng phổ biến, xuất hiện nhiều loại hình.
Cục Hóa chất lưu ý, đối với từng địa phương, cần đẩy mạnh công tác quản lý an toàn hóa chất, xây dựng kế hoạch của tỉnh để phòng ngừa sự cố cũng như có ứng phó kịp thời trong các trường hợp sự cố hóa chất vượt ngoài tầm xử lý của DN. Thực hiện các giải pháp để nâng cao năng lực về con người cũng như trang, thiết bị của các DN và các lực lượng ứng cứu chuyên nghiệp. |
“Hóa chất đã đóng góp nhiều lợi ích và tác dụng trong các hoạt động sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra của cải vật chất phục vụ cho con người. Tuy nhiên, hóa chất cùng với những đặc điểm lý hóa tính của nó thường là độc hại cho sức khỏe và tác động xấu đến môi trường. Nếu không được quản lý, bảo quản và sử dụng đúng cách, đúng mục đích, hóa chất có thể gây ra những vụ tai nạn, sự cố có hậu quả nghiêm trọng về con người và tài sản”, ông Nguyễn Trường Thi cho biết.
Theo ông Bùi Đức Nguyện, Giám đốc An toàn Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam, sự cố hóa chất xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trên thực tế, khi gặp sự cố DN chưa ứng phó đúng phương pháp, còn lúng túng trong thao tác, dẫn đến việc không thể ứng cứu, dập tắt sự cố. Nguyên nhân là do DN chưa có kế hoạch quản lý an toàn, phương án ứng phó sự cố phù hợp và chưa có sự thực hành, diễn tập thường xuyên trong việc ứng phó sự cố.
“Với kinh nghiệm của mình, đến với khóa huấn luyện do Sở Công thương Bình Dương phối hợp với Cục Hóa chất, Trung tâm an toàn Hóa chất và bảo vệ môi trường (Hội Hóa học) tổ chức, tôi sẽ cố gắng trang bị cho người lãnh đạo, cán bộ quản lý an toàn hóa chất và người phụ trách công tác ứng phó sự cố hóa chất tại DN các kỹ năng cần thiết trong công tác ứng phó sự cố. Tập trung vào các vấn đề như phân loại hóa chất và hỗn hợp chất, phiếu an toàn hóa chất, đánh giá rủi ro, quy trình ứng phó, trang thiết bị, phương tiện, cách thức xây dựng kịch bản ứng phó, phân cấp tình huống…”, ông Bùi Đức Nguyện chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Trường Thi, một số tai nạn điển hình trong thời gian gần đây có liên qua đến hóa chất mà nhiều phương tiện truyền thông đã đưa tin thật sự là những hồi còi cảnh báo về công tác quản lý an toàn và ứng phó sự cố hóa chất đối với các hoạt động có liên quan đến hóa chất công nghiệp nguy hiểm. Chính vì thế, Sở Công thương đặc biệt chú trọng đến công tác phòng ngừa, nâng cao kỹ năng xử lý các tình huống thực tế cho DN trong quá trình kinh doanh hóa chất, sản xuất có sử dụng hóa chất.
Chủ động phòng ngừa, ứng phó
Theo quy định, các cơ sở sản xuất công nghiệp phải chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tùy theo quy mô, đối tượng cụ thể. DN tự tổ chức huấn luyện, tuyên truyền trong sử dụng, bảo quản hóa chất, cập nhật thông tin lưu trữ, thông báo tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất hàng năm với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đa phần các nhân sự phụ trách chuyên môn chỉ nắm kỹ thuật, quy định, thiếu thực tế… Vấn đề mà các DN còn thiếu là kỹ năng xử lý trước, trong và sau sự cố.
Tiến sĩ Chữ Văn Nguyên, Tổng Thư ký Hội Hóa học Việt Nam, cho biết DN cần có ý thức chủ động phòng ngừa thay vì để xảy ra sự cố rồi mới ứng phó. Cụ thể, DN phải bám sát đánh giá rủi ro mới nhất, chú ý các sự cố đã từng xảy ra, chủ động lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó nhanh chóng, sát với tình hình thực tiễn.
Về phía địa phương, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các quy định của pháp luật về ứng phó, xử lý sự cố hóa chất, quản lý và xử lý chất thải nguy hại, bảo đảm an toàn môi trường. Thường xuyên nắm bắt tình hình, dữ liệu về số lượng cơ sở hoạt động hóa chất, lượng hóa chất nguy hiểm lưu trữ tại thời điểm để có giải pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng và tồn trữ hóa chất trên địa bàn, kịp thời chấn chỉnh những bất cập trong bảo đảm an toàn hóa chất, xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình vi phạm.
TIỂU MY - CẨM TÚ