Bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại cơ sở chế biến gỗ: Chủ động phòng ngừa, khắc phục nguy cơ cháy nổ từ xa

Thứ ba, ngày 08/11/2022

(BDO)  Do đặc điểm sản xuất nên ngành nghề chế biến gỗ tiềm ẩn nhiều yếu tố dẫn đến cháy, nổ. Cùng với lực lượng chức năng, chủ cơ sở chế biến gỗ cần chủ động triển khai những giải pháp, công nghệ phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC).

 Lực lượng chức năng bồi dưỡng kiến thức phòng cháy chữa cháy cho công nhân lao động tại một cơ sở chế biến gỗ. Ảnh: TÂM TRANG

 Nhiều nguyên nhân phát sinh cháy

Gần đây trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều sự cố cháy, nổ, trong đó nổi bật là các vụ cháy tại các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ. Điển hình vào trưa ngày 20-9, tại hộ kinh doanh Tuyết Trâm (khu phố Bình Đức 2, phường Bình Hòa, TP.Thuận An) đã xảy ra cháy với diện tích cháy khoảng 150m2, chất cháy chủ yếu là gỗ. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng nhanh chóng triển khai phương án chữa cháy, khoảng gần 30 phút thì đám cháy được khống chế. Vụ hỏa hoạn làm khu nhà xưởng đổ sập, hầu như toàn bộ gỗ và máy móc bên trong bị lửa thiêu rụi.

Trước đó, khu vực lò hút bụi của một công ty sản xuất nội thất gỗ trên địa bàn TP.Dĩ An bất ngờ xảy ra cháy. Sau đó, lực lượng Cảnh sát PCCC cùng với đội PCCC cơ sở của công ty đã khống chế, dập tắt đám cháy. Tuy nhiên, trong lúc khắc phục hậu quả đám cháy, 4 đội viên PCCC cơ sở của công ty này bị mảng bụi gỗ rơi trúng, vụ tai nạn khiến 3 người chết thương tâm.

Theo thống kê của Công an (CA) TP.Dĩ An, trong 9 tháng năm 2022, trên địa bàn đã xảy ra 9 vụ cháy (tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 3 vụ cháy xảy ra tại cơ sở chế biến gỗ. Là người có kinh nghiệm, điều tra, xử lý sự cố cháy nổ tại cơ sở chế biến gỗ, Trung tá Phạm Duy Tùng, Phó đội trưởng, Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ CA TP.Dĩ An, cho biết do đặc điểm sản xuất, gỗ được tập trung với số lượng lớn, vì vậy có mức độ nguy hiểm cháy cao. Ngoài ra, mùn cưa cũng là một chất cháy nguy hiểm trong phân xưởng gỗ bởi số lượng cũng như khả năng bắt lửa, trong khi tạp phẩm này thường được gom lại thành đống, dễ phát sinh cháy nếu tiếp xúc với nguồn nhiệt. Mặc khác khi chất đống, mùn cưa sẽ tạo môi trường cho vi sinh vật phát triển, sẽ trở thành một lò ủ tự nhiên và tích lũy nhiệt, có thể dẫn đến bốc cháy. Các phân xưởng gỗ phát sinh đám cháy vì lý do này thường rất khó xác định ra nguyên nhân bởi sự hoạt động của vi sinh vật không để lại dấu vết.

Bên cạnh đó, xưởng sản xuất gỗ còn sử dụng Acetone, đây là thành phần chính trong dung môi pha sơn, thường bay hơi rất mạnh trong điều kiện bình thường. Với đặc điểm này, Acetone sẽ tập trung ở những chỗ trũng, khuất gió, nếu kết hợp với oxy trong không khí thì dễ trở thành hỗn hợp nguy hiểm, có thể cháy, nổ khi tiếp xúc với một tia lửa nhỏ từ máy móc sản xuất. Trong nhà xưởng nếu không có hệ thống thông gió, hút bụi thì bụi gỗ sẽ bám và thiết bị, máy móc, dây điện, sàn nhà… Những phế liệu này sau mỗi ca sản xuất thường không được dọn sạch sẽ, để tích tụ ở nơi sản xuất, dễ gây ra cháy.

Lấy phòng ngừa là chính

Nhận thấy những nguy cơ trên, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cơ sở sản xuất, chế biến gỗ nhiều giải pháp, công nghệ phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm bảo đảm an toàn PCCC. Nói về công tác này, Đại úy Võ Văn Phương, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ CA huyện Phú Giáo, cho biết các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn thường có quy mô hộ gia đình, chủ yếu là sơ chế gỗ. Thời gian qua, CA huyện thường xuyên phối hợp kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở này chấp hành tốt quy định về an toàn PCCC. Bên cạnh đó, đơn vị còn hướng dẫn cơ sở chế biến gỗ thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC như thường xuyên kiểm tra toàn bộ hệ thống điện, có giải pháp nâng cấp và xử lý kịp thời các mạng điện, đặt cầu dao tự ngắt khi có sự cố trên đường dây điện chính và trên từng thiết bị có công suất lớn. Sản phẩm gỗ phải được sắp xếp gọn gàng theo từng dãy, bảo đảm không lấn chiếm lối đi, cản trở lối thoát nạn. Chủ cơ sở cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC cho công nhân lao động, nhất là nâng cao trình độ nghiệp vụ cho Đội PCCC cơ sở, tận dụng tối ưu lực lượng tại chỗ của các phân xưởng.

Trong khi đó, Trung tá Phạm Duy Tùng cho rằng sự chủ động của chủ cơ sở chế biến gỗ trong thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn PCCC là yếu tố quan trọng hàng đầu để phòng ngừa, ngăn chặn “bà hỏa”. Theo đó, chủ cơ sở cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy tại chỗ như máy bơm nước, bình chữa cháy… bảo đảm đầy đủ và sẵn sàng sử dụng khi có sự cố cháy, nổ. Chủ cơ sở cần thành lập và duy trì hoạt động của Đội PCCC cơ sở, bảo đảm an toàn cho lực lượng chữa cháy tại chỗ khi tham gia chữa cháy và cứu người bị nạn theo quy định.

“Căn cứ vào tình hình thực tế, chủ cơ sở chế biến gỗ cần nhanh chóng củng cố, bổ sung phương án chữa cháy, cứu hộ, tránh việc làm trên giấy tờ, kém về giá trị sử dụng. Đồng thời tổ chức thực tập phương án chữa cháy cho các phân xưởng để công nhân làm quen dần với các sự cố cháy, nổ có thể xảy ra, từ đó chủ động xử lý tình huống cháy, nổ”, Trung tá Tùng nhấn mạnh.

Từ đầu năm đến nay, CA TP.Dĩ An đã tổ chức 47 lớp tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC với gần 2.000 lượt người tham dự; kết hợp triển khai cho người dân cài đặt và đăng ký sử dụng ứng dụng “Báo cháy 114”. Song song đó, CA TP.Dĩ An đã tổ chức kiểm tra trên 40.300 hộ gia đình và hơn 13.700 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; ký hơn 54.000 bản cam kết an toàn PCCC. Qua kiểm tra định kỳ, CA TP.Dĩ An đã phát hiện 92 cơ sở vi phạm an toàn PCCC, xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 264 triệu đồng…

Tại huyện Phú Giáo, lực lượng chức năng đã kiểm tra an toàn PCCC được 153 cơ sở, đưa ra 459 hướng dẫn bảo đảm an toàn PCCC, xử phạt hành chính 5 cơ sở với tổng số tiền hơn 56 triệu đồng.

 NGUYỄN HẬU