Bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại bệnh viện dã chiến
(BDO) Công an tỉnh vừa triển khai hướng dẫn một số nội dung kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) tại các bệnh viện dã chiến. Thời gian qua, công tác này được chú trọng nhằm hạn chế các tình huống đột xuất, bất ngờ.
Theo khuyến cáo, việc sang chiết, vận chuyển bình oxy cần phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ
Theo yêu cầu, đối với bệnh viện dã chiến tận dụng các công trình hiện hữu cần bảo đảm một số yêu cầu sau: Tất cả các khu vực trống, cải tạo thành các khu vực block các giường bệnh có nguy cơ cháy, kể cả những nơi đã được trang bị hệ thống chữa cháy phải trang bị bình chữa cháy xách tay hoặc bình có bánh xe; bảo đảm các điều kiện thoát nạn; bảo đảm việc bố trí thiết bị, hàng hóa, vật tư, vật liệu dễ cháy và dễ bắt cháy gần với vị trí đặt ổ cắm điện, các thiết bị đóng cắt điện như cầu dao, aptomat, các thiết bị tiêu thụ điện, đặc biệt là thiết bị có khả năng sinh nhiệt, tia lửa dẫn đến khả năng xảy ra cháy lan do tiếp xúc hoặc khi có sự cố chập điện; yêu cầu về phòng chống cháy, nổ khu vực bảo quản, sử dụng khí oxy.
Để đáp ứng công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH xây dựng 40 phương án xử lý tình huống cháy, nổ tại các bệnh viện dã chiến và các tình huống đột xuất, bất ngờ tại chốt kiểm dịch, khu cách ly. Lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh cũng đã tập trung hướng dẫn các cơ sở xây dựng và thực tập phương án chữa cháy; đồng thời triển khai học tập, nắm bắt phương án của Cảnh sát PCCC để chủ động xử lý từ ban đầu khi xảy ra các tình huống bất ngờ. |
Đối với bệnh viện dã chiến xây dựng mới: Công trình phải có vị trí thuận lợi, tách xa khu dân cư tối thiểu 100m; bảo đảm dễ dàng liên hệ và kết nối với các đầu mối giao thông, bảo đảm thông thoáng mặt đường để phương tiện chữa cháy hoạt động và tiếp cận đến từng nhà; bảo đảm chiều rộng mặt đường; duy trì cho xe chữa cháy tiếp cận đến nguồn nước chữa cháy ngoài nhà. Tất cả các khu vực có nguy hiểm về cháy phải trang bị bình chữa cháy xách tay hoặc bình có bánh xe. Bảo đảm các điều kiện về thoát nạn và sắp xếp hàng hóa như đối với bệnh viện dã chiến sử dụng công trình hiện hữu…
Song song đó, thời gian qua, tình trạng sử dụng bình oxy để điều trị Covid-19 rất phổ biến tại các bệnh viện và hộ gia đình. Liên quan đến vấn đề này, Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh đã lưu ý một số nội dung cần lưu ý như sau: Trước khi sử dụng bình khí oxy cần phải kiểm tra toàn bộ khuôn tay, phương tiện sử dụng... tuyệt đối không được dính dầu mỡ. Kiểm tra đồng hồ điều áp và các bộ phận có liên quan đến quá trình sử dụng. Tất cả các gioăng đệm kín phải làm bằng vật liệu quy định, đúng tiêu chuẩn và đặc biệt không dính dầu mỡ. Tuyệt đối không tháo đầu êcu chặn của van khí trong bình còn áp suất (khí nén). Đóng mở van bình khí phải nhẹ nhàng và từ từ để tránh gây hiện tượng xung áp. Sử dụng phải để cách xa ngọn lửa trần trên 10m. Khi ngừng sử dụng phải đóng van bình lại. Không nạp khí khác loại vào bình. Không tự ý sang chiết từ bình này sang bình khác.
“Những người chưa qua đào tạo không được sử dụng bình chứa áp lực. Người sử dụng không được tự ý sửa chữa, thay đổi, tháo bỏ bất kỳ bộ phận nào của bình chứa khí hoặc van, kể cả cơ cấu giảm áp, các phụ kiện khác. Người sử dụng bình khí phải tuân thủ các quy định an toàn khác có liên quan như an toàn làm việc trong không gian kín, an toàn phòng cháy nổ...”, Trung tá Tùng khuyến cáo.
TÂM TRANG